Trong nhiều câu chuyện trước đây của người nhạc sĩ tài hoa và đào hoa thường hiện diện một bóng hồng kỷ niệm. Đó là mối tình đầu đẹp như mơ, là người con gái ông yêu tha thiết nhưng không đến được với nhau, để lại nhiều xa xót. Mối tình đó vẫn ám ảnh Nguyễn Ánh 9 khôn nguôi. Thế nhưng, trong đêm nhạc Kỷ niệm diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội tối 16/5, dịp mà Nguyễn Ánh 9 coi như có thể là lần cuối đứng trên sân khấu, thay vì nhớ tới bóng hồng năm xưa, ông dành những tâm tình của mình cho vợ - bà Ngọc Hân.
Nhạc sĩ kể, cách đây vài năm, ông quyết định nghỉ chơi nhạc, hưởng những ngày tháng an nhàn. Những ngày đầu, ông cảm thấy rất thảnh thơi khi có thời gian để đưa vợ đi chơi, thăm con cháu, du lịch khắp nơi. Nhưng rồi chẳng bao lâu, ông bắt đầu cảm nhận một nỗi trống vắng trong lòng. “Mỗi khi màn đêm buông xuống, hay ngắm nhìn những hình ảnh kỷ niệm, tôi lại nhớ vô cùng", nhạc sĩ tâm tình. Chính vợ ông đã sớm hiểu và cắt nghĩa nỗi buồn ấy, bà nói: “Anh nhớ sân khấu rồi phải không?”. Vị nhạc sĩ cho biết, đến đây ông mới nghĩ lại và nhận ra sự hy sinh âm thầm, lớn lao của vợ mình.
"Vợ tôi là một diễn viên múa, có thể nói là thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam. Khi theo tôi lập gia đình, vợ tôi mới tròn 20 tuổi. Niềm đam mê của bà ấy ngừng lại từ đó, bỏ sân khấu, bạn bè nghệ sĩ, khán giả sau lưng, để lo cho gia đình, chăm sóc các con...”. Nhạc sĩ kể, nhiều lần ông rủ vợ đi xem mình diễn, nhưng bà đều lấy cớ bận việc này, việc nọ để từ chối. Và ông hiểu rằng: “Vợ tôi không đi theo, vì sợ đi thì nhớ sân khấu, nhớ ánh đèn”.
Nói tới đây, nhạc sĩ nghẹn ngào (xem video).
Theo Nguyễn Ánh 9, cũng từ giây phút đó, ông viết bài Lặng lẽ tiếng dương cầm để trải lòng về nỗi nhớ, về một tình yêu đã bỏ quên. Hơn ai hết, vợ lại là người hiểu thấu tâm tư của ông. “Trong ca khúc tôi có viết mấy câu: ‘Lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm. Một nỗi buồn không tên. Một tình yêu tôi đã quên’. Vợ tôi mới nói: 'Cái tình yêu mà anh nói anh đã quên đó, thực ra anh không có quên đâu. Anh hãy sửa lại thành: ‘Một tình yêu đâu dễ quên’”. Nguyễn Ánh 9 cảm ơn vợ vì sự đồng cảm của bà đã mang đến cho ông ca khúc.
Cũng trong đêm nhạc này, nhạc sĩ lần đầu giới thiệu ca khúc Màu tím tình yêu được ông viết theo giai điệu tango dành tặng riêng người vợ nhân kỷ niệm 50 năm gắn bó. Nguyễn Ánh 9 chia sẻ, ông yêu màu tím vì đó là màu của tình yêu.
Đêm nhạc Kỷ niệm kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, dành riêng cho những sáng tác cũng như tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9. Âm hưởng cô đơn vốn trải dài trong lời hát, tiếng đàn của ông được chia sẻ trên sân khấu bởi các nghệ sĩ. Liên khúc Cô đơn - Bơ vơ - Tiếng hát lạc loài qua phần thể hiện của NSƯT Đức Long - ca sĩ Ngọc Châm - NSƯT Kim Tiến là điểm nhấn của chương trình. Tiếng hát trữ tĩnh, trầm ấm và vang rền của giọng ca tiền chiến Đức Long kết hợp tiếng dương cầm solo đầy lôi cuốn của Nguyễn Ánh 9 khiến khán giả phải chìm lặng để tận hưởng những giai âm đẹp đẽ về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ. Đây là một trong những màn trình diễn nhận được tràng vỗ tay lớn nhất của khán giả trong đêm nhạc.
Nguyễn Ánh 9 chia sẻ, chùm ca khúc là sự nối dài mạch cảm xúc trong ông, ca khúc sau như trả lời cho ca khúc trước. Đó là câu chuyện về mối tri kỷ của người nhạc công với cô ca sĩ. Mỗi người, sau những phút giây đồng cảm trên sân khấu lại trở về với nỗi cô đơn của riêng mình. Khi ca sĩ rời xa nhạc công, ông lại xót xa: “Bây giờ tiếng đàn một nơi, tiếng hát một nơi. Và tôi thương tiếng hát lạc loài ấy. Tôi muốn nhắn nhủ rằng, tiếng đàn vẫn ở đây, đợi một ngày tiếng hát trở về hội ngộ”.
Trải lòng của Nguyễn Ánh 9 làm khán giả nghĩ đến việc vắng mặt của những tên tuổi lớn từng hát nhạc ông như Khánh Ly, Ánh Tuyết… Thay vào đó, người nghe tập trung vào việc đón nhận, thưởng thức những ca khúc qua những nghệ sĩ trẻ hoặc người không hẳn được nhắc đến nhiều khi nói về nhạc của ông. Sự mới lạ này mang lại tò mò, chờ đợi cho khán giả, và cũng để họ chuyên tâm nhớ về nhạc Nguyễn Ánh 9 hơn là một tên tuổi ca sĩ nào. Qua đó, Buồn ơi, chào mi được Lê Hiếu thể hiện trọn vẹn và đầy cảm xúc, ca khúc nhạc phim Xóm nước đen do Nguyễn Ánh 9 sáng tác được Ngọc Ánh Kim hát lại, ca khúc Không 2 được Nguyễn Hưng kết hợp vũ đạo sôi động hay Tình yêu đến trong giã từ được vũ công Mỹ An thử sức cùng điệu tango…
Tuy nhiên, cũng vì nhiều màu sắc thử nghiệm, cộng với việc xây dựng nội dung còn đơn giản, chưa thật sự xứng tầm làm thành một đêm nhạc để đời gắn với sự nghiệp hơn 50 năm Nguyễn Ánh 9, mà mới chỉ dừng ở tính chất kỷ niệm, đúng như tên liveshow. Cũng không khó hiểu khi đây vốn là đêm nhạc người con Nguyễn Quang tổ chức dành tặng bố mình.
Khán giả cũng nhiều tiếc nuối khi có thể vì sức khỏe yếu, Nguyễn Ánh 9 không chơi nhiều bản đàn trong show diễn. Ông mở màn với ca khúc Không, chơi một bản về Hà Nội mà ông gọi là “món quà” tặng nơi mình yêu, đệm đàn cho Đức Long hát Cô đơn, Kỷ niệm, đệm ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm và một màn song tấu piano cùng con trai Nguyễn Quang, với ban nhạc phụ trợ. Khán giả đến với show Nguyễn Ánh 9 chắc chắn chờ đợi nhiều hơn tiếng đàn của ông, bởi mỗi lần tiếng đàn ấy cất lên, tiếng vỗ tay của khán giả lại lớn hơn, nhiều cảm xúc hơn.
Nguyễn Ánh 9 thường nói về cô đơn. Nhưng trong đêm nhạc Kỷ niệm tối 16/5, ông không cô đơn. Ông được chia sẻ tuyệt đối cùng các nghệ sĩ và khán giả. Nhất là trong màn kết, nhạc sĩ và con trai - nhạc sĩ Nguyễn Quang - đối diện nhau qua hai cây dương cầm cùng chơi bản Tình khúc chiều mưa. Nguyễn Ánh 9 đã có thể mãn nguyện và hạnh phúc vì những phím đàn của ông không những không cô đơn mà còn đã, đang được cộng hưởng, nối tiếp.
* Video: Nguyễn Ánh 9 thăng hoa cùng con trai trên sân khấu |
Hoàng An
Video: Nhật Quang