Người trở về là tác phẩm điện ảnh được nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Tại buổi công chiếu sáng 27/8 ở Hà Nội, nhiều người trong số hơn 200 khán giả không cầm được nước mắt trước bi kịch lặng lẽ được đặt ra trong kịch bản.
Chuyện phim chuyển thể gần như giữ nguyên mọi chi tiết từ truyện gốc, mô tả bất hạnh mà những người phụ nữ Việt Nam miền Bắc sau chiến tranh 1975 phải chịu đựng. Trong chiến tranh, cô y tá chiến trường tên Mây dũng cảm lao ra giữa bom đạn để đi lấy thực phẩm và thuốc men cứu đồng đội. Hòa bình lập lại, người lính ấy trở về nhà để thấy bản thân đã bị gọi là liệt sĩ, còn người yêu cũ đã đi lấy vợ. Chịu đựng những vết thương cũ từ chiến trường, Mây sống lặng lẽ trong nỗi cô đơn trên chính bến đò quê hương. Mặc dù người yêu mới tìm đến, cô từ chối anh bởi biết cơ thể mình thương tật quá nhiều, khó mang lại hạnh phúc cho người đàn ông nào.
Ngay đầu phim người xem thấy Mây khoác ba lô chiến trường lần đầu gặp cha ngay trên bên sông cũ, người cha đang lái đò nhảy xuống khỏi thuyền và khụy chân xuống nước, ngã mấy lần trước khi được sờ tay lên khuôn mặt đứa con gái tưởng đã hy sinh ngoài mặt trận. Cảnh phim khiến người xem chạm được cảm giác gặp lại người thân mừng mừng tủi tủi. Những cảnh Mây cô đơn ngồi khóc trong mưa trên bến đò hoặc chèo thuyền xoay vòng vòng giữa sông khiến người xem đồng cảm với số phận long đong của cô gái lận đận đường tình duyên. Người xem như hòa vào nỗi niềm của Mây khi cô lần đầu biết tin mình không còn khả năng làm mẹ bởi vết thương vùng bụng quá lớn.
Những cảnh phim phô bày làng quê miền Bắc Việt Nam xơ xác vì đã dồn hết người và của cho chiến tranh, chỉ còn lại những người đàn bà hóa điên vì chồng chết trận cũng gây xúc động không kém.
Ngoài cốt truyện mạnh, Người trở về cũng gây ấn tượng ở dàn diễn viên diễn xuất tròn vai và tương tác với nhau khá ăn ý. Vai chính - nhân vật Mây - khá hợp với tạo hình của Lã Thanh Huyền. Người đẹp Phụ nữ thế kỷ 21 có lối diễn trầm lặng, ít nói, làm toát lên hình ảnh người phụ nữ yêu kiều, can đảm và giỏi chịu đựng. Đôi chỗ nữ diễn viên diễn hơi non nhưng vẫn gây được cảm xúc cho người xem.
Hai nam diễn viên Trương Minh Quốc Thái và Tiến Lộc khá nhuần nhị khi vào hai mẫu đàn ông đối lập. Nếu như Trương Minh Quốc Thái đóng ra chất của người lính bụi bặm can trường thì Tiến Lộc cho người xem thấy chân dung chàng con một nhà quê nhiều do dự. Cặp diễn viên phụ là Thu Thủy và Lê Thiện Tùng gây ấn tượng bởi tính cách sắc sảo với nhiều hành động đắt giá, làm phim thêm phần đặc sắc. Trong khi Thu Thủy vào một người vợ quê vừa khôn ngoan vừa hay ghen, Lê Thiện Tùng vào vai chàng dân quân xã khôn lỏi dám chặt ngón tay cái để trốn đăng lính.
Dựng phim luân chuyển giữa hiện tại hòa bình và hồi ức chiến tranh. Những phân đoạn về chiến trường và chiến tranh chiếm non nửa phim, những cảnh cháy nổ và chiến đấu đều được quay tiết chế và gợi mở. Không có cảnh phim chiến trường nào mãn nhãn hoặc đại cảnh khốc liệt. Lối phục trang trong phim ở những cảnh hòa bình khá sạch sẽ, gây ấn tượng bằng những hoa văn và bố cục màu sắc bắt mắt của cách ăn mặc người miền Bắc bốn thập kỷ trước.
Người trở về còn đưa người xem vào không gian chân thực của làng quê Bắc Bộ ngày cũ - đẹp và lạc hậu. Những hình ảnh bến nước, con đò, bờ đê, đường làng, bờ dậu, sân phơi, giếng nước tạo nhịp điệu cuộc sống nông thôn. Điểm xuyết trong không gian ấy là những đám cưới nhộn nhịp của những con người thô kệch, diện áo quần lam lũ.
Phim chiếu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 - diễn ra từ 19/8 đến 5/9 trên khắp cả nước.
Trailer phim "Người trở về" |
|
Vũ Văn Việt