Ngọc viễn đông của đạo diễn Cường Ngô được quan tâm từ khi mới thực hiện xong phần quay vào giữa năm 2010, bởi đây là bộ phim quy tụ nhiều mỹ nhân của điện ảnh Việt Nam. Phim bao gồm 7 bộ phim ngắn đều bắt đầu với chữ cái T - Thơ, Tin nhắn, Trăng huyết, Thuyền, Thức, Tặng phẩm và Thời gian. Mỗi phim có bối cảnh khác nhau, được quay ở nhiều thắng cảnh nổi tiếng trên khắp ba miền như Sapa, Mũi Né, Hội An, Đà Lạt, TP HCM và một tập quay ở Canada (Thời gian). Câu chuyện trong cả 7 phim đều xoay quanh số phận của những người phụ nữ Việt Nam ở những độ tuổi khác nhau.
Phim dẫn dắt người xem bằng những cảnh quay mượt mà khoe vẻ đẹp non sông Việt Nam qua tay máy của nhà quay phim trẻ người Canada, Mikhail Petrenko. Ngoài Mikhail, toàn bộ đội ngũ trợ lý quay phim, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật đều là người nước ngoài nên có thể nói vẻ đẹp trong những khuôn hình của Ngọc viễn đông chính là vẻ đẹp mà bạn bè quốc tế nhìn vào Việt Nam. Từ những ngọn núi hùng vĩ trong sương ở Sapa, những ngôi đền ở thánh địa Mỹ Sơn, vùng sông nước miền Tây hay những cồn cát nóng bỏng ở Mũi Né đều mang một vẻ thơ mộng, dễ làm xao xuyến người xem.
Diễn viên trẻ Phương Quỳnh trong "Thơ" - chương đầu tiên của "Ngọc viễn đông". |
7 phim ngắn được lắp ghép lại thành một phim điện ảnh hoàn chỉnh, Ngọc viễn đông đưa cảm xúc người xem đi từ nhẹ nhàng, nên thơ và tăng mạnh dần trong các phim ở sau. Chương thứ nhất - Thơ - là câu chuyện về mối quan hệ giữa Thơ, một tiểu thư "nhí", và Lân, một cậu bé nông dân. Hai diễn viên Phương Quỳnh và Huy Hoàng đều là những gương mặt mới đóng phim nhưng sự trong trẻo, hồn nhiên của hai em đã làm nên sự mộng mơ, dịu dàng cho Thơ. Ở chương này, đạo diễn Cường Ngô đã dùng rất nhiều góc máy đặc tả gương mặt nhân vật để làm bật lên sự ngây thơ trong câu chuyện tình trẻ con này.
Sang tới chương thứ hai, Tin nhắn, cảm xúc người xem lại chuyển sang hư hư thực thực với câu chuyện về một cô gái phải báo tin buồn cho mẹ của một chàng trai mà cô chưa từng quen biết. Trong chương này, Cường Ngô đã sử dụng hình thức tỉnh lược (Ellipsis) trong điện ảnh để tạo không khí cho câu chuyện. Vai diễn của người đẹp Diễm My trong chương này để lại nhiều ấn tượng hơn hai vai chính là Huy Khánh và Hồng Ánh. Mặc dù xuất hiện trên màn ảnh trong thời gian rất ngắn nhưng chất giọng Huế cùng với đôi mắt ướt lệ của chị khi vào vai bà mẹ phố núi đã khiến nhiều khán giả xúc động.
Chương thứ ba, Trăng huyết, có lẽ sẽ được nhiều khán giả yêu thích bởi so với 6 tác phẩm còn lại, đây là phim tròn trịa, vừa vặn nhất. Trăng huyết tiết chế những cảm xúc dữ dội như ở Thức, Thời gian hay Tặng phẩm, nhưng vẫn có những cao trào. Ngô Thanh Vân và Kris Duangphung vào vai hai con người sống cô lập trên một hoang đảo. Giữa mênh mông cát vàng và biển xanh, bản năng sống của cả hai đã đem tới những xúc cảm không mong đợi. Đây là chương gần như không có thoại nhưng cách thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ, sự xốn xang của hai diễn viên đã làm nên một không khí vừa hoang dã, lại vừa lãng mạn cho Trăng huyết.
Ngô Thanh Vân trong chương thứ ba, "Trăng huyết". |
Thuyền của Trương Ngọc Ánh và Richie Kul lại là chương có nhiều cảnh quay táo bạo và bí ẩn nhất. Nam người mẫu Việt kiều vào vai một chàng trai đuổi theo một hình bóng anh gặp trong viện bảo tàng mà không hiểu cô gái đó có tồn tại hay không. Thuyền có nhiều hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho tích Hồ ly 9 kiếp. Hội An và thánh địa Mỹ Sơn là hai bối cảnh của chương này. Nét văn hóa vùng miền cũng được thể hiện khá rõ nét trong Thuyền, qua hình ảnh phố cổ Hội An ngập trong đèn lồng và đôi tình nhân dập dìu trong con thuyền trôi lững lờ trên sông đêm lấp lánh đèn hoa đăng.
Chương thứ năm, Thức, do chính tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc thủ diễn - mang nhiều ẩn ức đàn bà nhất. Chị vào vai một nhà thiết kế thành công trong sự nghiệp nhưng lận đận đường tình duyên, khi những người đàn ông đến với chị xong đều quay gót ra đi. Người thì là gay, người thì đến với chị vì đồng tiền. Nỗi niềm khao khát yêu thương trong nhân vật nữ của Thức cứ lớn dần lên nhưng vẫn phải cố kìm nén để rồi dẫn đến sự tuyệt vọng và nỗi xót xa. Thức có nhiều hình ảnh mang tính ước lệ và gây ám ảnh như bức tượng nam bán thân, những chiếc váy cưới và cả chiếc mũ của nhân vật nữ.
NSND Như Quỳnh tạo nên nhiều mới lạ với vai diễn Dã Quỳ trong chương 6, Tặng phẩm. Nhân vật của chị là một phụ nữ trung niên lên Sapa thăm chồng đang công tác. Trên đường đi, chị gặp một thanh niên trẻ và lạc lối vào lãnh địa của những cảm xúc mà từ lâu chị không còn cảm nhận được. Đây là phim ngắn dài nhất và có câu chuyện phức tạp trong cả 7 tập. Câu chuyện của Tặng phẩm có lẽ sẽ được nhiều khán giả nữ ở độ tuổi chín muồi đồng cảm. Bên cạnh đó, người xem cũng sẽ được theo chân các nhân vật lên chuyến tàu hỏa tới vùng Tây Bắc tràn ngập sương gió và phiên chợ tình đầy huyền ảo của Sapa.
Chương cuối cùng, Thời gian, là phim ngắn nặng nề nhất, day dứt nhất trong Ngọc viễn đông nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng nhất. Thời gian lấy bối cảnh tại một ngôi nhà rộng lớn trong mùa đông và chỉ có một nhân vật độc thoại. Câu chuyện về một minh tinh màn bạc đã qua thời xuân sắc, giờ cô đơn nơi đất khách quê người, luôn bồi hồi nhớ về ngày xa xưa dường như chính là câu chuyện ngoài đời thật của Kiều Chinh - nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam trước năm 1975. Kết cấu của câu chuyện rất đơn giản nhưng diễn xuất, hình ảnh và âm nhạc đã làm nên cảm xúc trọn vẹn cho người xem.
"Thời gian" của diễn viên Kiều Chinh là phim ngắn để lại nhiều dấu ấn nhất trong "Ngọc viễn đông". |
"Tình yêu của ta là nghệ thuật, kẻ thù của ta là thời gian" - câu nói của người nghệ sĩ cô đơn trong Thời gian như xoáy sâu vào tâm can người xem. Khi thời vinh quang qua đi, những người nghệ sĩ, đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với tuổi già và những cuộc đấu tranh trong tâm tưởng của chính họ. Phim sử dụng rất nhiều hình ảnh tư liệu trong bộ phim Hè muộn của Kiều Chinh năm xưa, càng khiến cho nỗi dằn vặt, đau khổ trong diễn xuất của bà trở nên mãnh liệt hơn. Cảnh kết của Thời gian, cũng là của Ngọc viễn đông cho thấy rằng nhan sắc người phụ nữ, người nghệ sĩ được giới hạn bởi thời gian, nhưng vẻ đẹp tâm hồn và tài năng thì vẫn tồn tại mãi mãi.
Mặc dù cảnh quay đẹp, âm nhạc hay, diễn xuất tốt nhưng Ngọc viễn đông vẫn có một số mặt hạn chế. Nhiều yếu tố, ý nghĩa trong truyện ngắn gốc khi lên phim chưa truyền tải được hết, sự kết nối các cảnh quay đôi chỗ vẫn hơi rời rạc hay còn nhiều địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Nha Trang chưa được khai thác. Bên cạnh đó, tiết tấu khá chậm của bộ phim sẽ khiến cho những khán giả vốn quen xem tiết tấu nhanh của các bom tấn giải trí cảm thấy khá sốt ruột. Nhưng xét một cách tổng thể, Ngọc viễn đông là một bộ phim đẹp với phần hình ảnh xứng đáng với sự kỳ vọng của người xem.
Dàn diễn viên nữ trong phim không nhận một đồng cát-xê nào và kinh phí hơn 15 tỷ đồng đều dồn vào việc di chuyển tới những bối cảnh khác nhau trên mọi miền đất nước để có được những cảnh quay lung linh. Thông qua 7 câu chuyện mang tính ước lệ cao, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam được thể hiện đa sắc màu với sức sống tiềm tàng và thế giới nội tâm đầy phức tạp, huyền bí mà dường như khó có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.
Ngọc viễn đông khởi chiếu trong nước từ ngày 8/3.
|
Nguyên Minh