Ngọc Châm tổ chức buổi ra mắt album Giai nhân đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Chương trình có sự góp mặt của nhạc sĩ Vũ Thành An, nhà văn Nguyễn Thụy Kha, ca sĩ Phạm Phương Thảo, Thái Thùy Linh...
Album gồm tám ca khúc của Vũ Thành An: Giai nhân (Không tên 91), Không tên 50, Không tên số 6, Không tên số 7, Hà Nội tôi yêu trái tim khờ (Không tên 94), Em không dám tham vọng, Mùa thu ngày ấy tìm nhau (Không tên 98), Đời đá vàng.
Trong đó, có hai ca khúc Ngọc Châm viết lời dựa trên giai điệu nhạc sĩ tặng cô: bài Giai nhân - chủ đề của album và Mùa thu ngày ấy tìm nhau. Trong buổi họp báo, nhạc sĩ Vũ Thành An dành nhiều lời khen ngợi cho học trò: "Một hôm tôi lên Facebook, tình cờ thấy Ngọc Châm viết rằng 'Em không dám tham vọng mà chỉ xin ước vọng'. Đọc câu đó tôi bị lôi cuốn liền vì với tôi tư tưởng đó rất lớn, chứng tỏ đây là con người có tính khiêm nhường mà người ta có khi phải học lâu lắm mới được. Cũng bởi cảm nhận được như thế nên tôi cùng cô ấy phát triển thành bài hát Em không dám tham vọng. Sau lại có bài Mùa thu ngày ấy tìm nhau, phải nói đó là ý thơ đẹp của Ngọc Châm. Phải là một thi sĩ mới viết được câu thơ như vậy".
Toàn bộ ca khúc được cô sắp xếp, ngụ ý kể chuyện tình của chính Ngọc Châm - một cô gái mang khát vọng yêu đương cháy bỏng, trải qua thăng trầm, dâu bể đường tình nhưng không thôi ước vọng về một tình yêu đẹp, cuộc sống hạnh phúc.
Châm có cá tính mạnh mẽ và quyết liệt như đàn ông. Trong công việc cũng như khi nói chuyện với bạn bè, cô thẳng thắn, dứt khoát. Nhưng khi nói về tình yêu, cô trở về là một người con gái mong manh, nhiều trắc ẩn, giọng dịu xuống. Trước câu hỏi vì sao album kết bằng Đời đá vàng, cô nói: "Tôi là cô gái cá tính mạnh mẽ nhưng giọng hát lại có phần trái ngược, sâu thẳm trong tôi là sự đàn bà yếu đuối, tôi cũng muốn có người yêu thương, có chỗ dựa như bao phụ nữ khác. Có ngàn đớn đau mới hiểu được đời đá vàng, sâu thẳm vẫn là mong muốn yêu thương".
Ngọc Châm bước chân vào con đường ca hát khi còn là học sinh. Dẫu không trở thành một cái tên đình đám, cô nhận được show diễn dày đặc mỗi đêm ở các quán hàng. Người đẹp được gọi là "Đoá hồng lai" bởi ông nội là người Pháp, bà của cô có gốc Trung Đông. Ngọc Châm sớm "theo chồng bỏ cuộc chơi" ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 2009. Nữ ca sĩ ly hôn sau bốn năm chung sống, ngược xuôi lo toan kinh tế chăm sóc hai con gái. Nhớ sân khấu, Ngọc Châm đi hát trở lại. Cô tự tổ chức những đêm diễn vinh danh các nhạc sĩ theo ước vọng riêng.
Nhiều năm lăn lộn trong cuộc sống lấy đi của Ngọc Châm nhiều xúc cảm nghệ sĩ. Đứng trước những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, Ngọc Châm nói cô mãi không hát nổi. Đã có lúc cô định nói với nhạc sĩ từ bỏ. Tuy nhiên, Vũ Thành An động viên: "Con cứ làm đi, con sẽ làm được".
Suốt gần hai tháng, Ngọc Châm dừng lại toàn bộ công việc, "nhốt" mình trong phòng thu để thu âm. Cô nhận được sự giúp đỡ của nhiều bạn thân là các nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Thanh Phương, Lưu Hà An, Khắc Thành... Nhạc sĩ Anh Khoa cũng từ Sài Gòn bay ra Hà Nội nhiều ngày để hỗ trợ Ngọc Châm. Anh cũng là người phối khí hầu hết ca khúc trong album Giai nhân. Nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ kỷ niệm khi làm album với Ngọc Châm: "Đây là ca sĩ thu tốn thời gian nhất, có bài Châm thu đến 30 lần. Có lúc cô ấy tắt hết cả đèn để tập trung vào cảm xúc đến mức tôi không biết Châm còn trong phòng hay không".
Ngoài ra mắt album Giai nhân, Ngọc Châm sẽ cùng nhạc sĩ Vũ Thành An tổ chức đêm nhạc Tình ca Không tên - Giai nhân tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 13/4. Chương trình hội tụ hai tên tuổi nổi tiếng Tuấn Ngọc và Bảo Yến. Ngọc Châm sẽ trích doanh thu bán vé đêm nhạc và bán album của cô cho quỹ thiện nguyện của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Nguyễn Ngọc Châm sinh năm 1981 ở Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội năm 2009. Cô từng đoạt giải tư cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2002, giải nhì cuộc thi Tiếng hát học sinh thành phố Hà Nội năm 1998. Cô là giám đốc chuỗi chương trình Vàng son một thuở tôn vinh các nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình, nhạc xưa như Nguyễn Ánh 9, Vinh Sử, Vũ Thành An...