Thị trường phim ma, kinh dị ở Việt Nam chưa nhiều. Gần đây, màn ảnh rộng trong nước có: Khi yêu đừng quay đầu lại, Lời nguyền huyết ngải, trước đó là Mười (Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc), Ngôi nhà bí ẩn - Suối oan hồn của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín...
Với vai Thảo ở "Ngôi nhà trong hẻm", Ngô Thanh Vân chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng. |
Nên, khi êkíp Ngôi nhà trong hẻm thông báo việc thực hiện bộ phim và ra mắt vào đúng ngày Valentine 2012, nhiều khán giả háo hức chờ đến lúc "sợ cho thật sướng" bởi tác phẩm điện ảnh trong nước, chứ không phải là sản phẩm của Hollywood hay các nền điện ảnh phát triển khác. Điều thứ hai khiến mọi người mong chờ Ngôi nhà trong hẻm là sự trở lại của Ngô Thanh Vân sau 2 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.
Việc Ngô Thanh Vân diễn cặp với Trần Bảo Sơn cũng là điểm nhấn cho tác phẩm điện ảnh này. Tuy là diễn viên điện ảnh tay ngang, ông xã của Trương Ngọc Ánh ghi điểm với khán giả trong nước bằng ngoại hình đậm chất điện ảnh và lối diễn tận tâm. Và Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn tạo thành một cặp đẹp đôi trên phim.
Về diễn xuất, nữ diễn viên Bẫy rồng thoát hẳn hình ảnh "đả nữ" để vào vai Thảo, người vợ trẻ, chịu nhiều ẩn ức từ cuộc hôn nhân không êm đẹp. Ngô Thanh Vân cho thấy sự thận trọng và đầu tư nghiêm túc cho diễn xuất. Cô thể hiện rất đạt ánh mắt dài dại, thất thần, vẻ mệt mỏi, chán chường thường trực sau cú sốc sảy thai đứa con đầu lòng. Cô nắm bắt tâm lý nhân vật khá vững để thể hiện tốt dao động cảm xúc của Thảo, từ nỗi hoang mang, cô đơn khi quanh quẩn ở ngôi nhà trong hẻm, đến sự uất hận dồn nén vô cớ hướng vào chồng. Chỉ cần một cú xoay người, thở dài hay bất thình lình mở mắt trừng trừng của Ngô Thanh Vân đủ để khán giả thót tim.
Hóa trang nhân vật Thảo của nữ diễn viên cũng biến hóa theo diễn tiến tâm lý của cô, tô đậm nét rùng rợn. Từ vẻ gợi cảm, trẻ trung, càng về cuối, Thảo càng ma mị với mái tóc rũ rượi, đôi mắt thâm quầng và dáng người bải hoải. So với Trần Bảo Sơn, diễn xuất của Ngô Thanh Vân ổn định hơn. Nỗ lực khi thể hiện hình ảnh người chồng bị rơi vào hoàn cảnh bế tắc, Bảo Sơn vẫn còn lặp lại ít nhiều nét diễn từng thể hiện ở Giao lộ định mệnh, nhất là ở sự biểu cảm trên khuôn mặt, ánh mắt.
Nhưng diễn viên có linh hoạt đến đâu vẫn khó thoát khỏi, hoặc thay đổi được khung kịch bản mà êkíp thực hiện đã định sẵn cho họ. Ngôi nhà trong hẻm được xây dựng trên một kịch bản có quá nhiều lỗ hổng khiến phim như một bức ghép từ nhiều mảnh rời của các bức tranh khác nhau. Vì thế, nỗ lực của diễn viên dễ bị các tình tiết chưa thuyết phục của phim làm lu mờ đi.
Ngay từ phút đầu tiên, Ngôi nhà trong hẻm khiến người xem rùng mình vì khung cảnh đẫm máu. Sự hồi hộp, căng thẳng, dồn dập được đẩy đến tận cùng khi khán giả dõi theo bước chân gấp gáp của người đàn bà chạy vào hẻm nhỏ, rồi lần theo vết máu để lên căn phòng, nơi có người vợ trẻ đang quằn quại vì đau sảy thai và người chồng đang quẫn trí. Nhưng sự hồi hộp nhanh chóng bị xẹp xuống vì tiết tấu phim ở cảnh này đáng lẽ phải nhanh, lại được xử lý khá chậm, lộ ra sự vô lý của tình huống.
Đang lúc nguy kịch, ảnh hưởng đến sinh tử của vợ con, người chồng chỉ đứng đó vò đầu bứt tóc. Anh ta hoảng loạn đủ để kêu được bà mụ đỡ đẻ đến thăm khám cho vợ, nhưng quên mất việc gọi bác sĩ hay đơn giản là gọi một chiếc xe đưa vợ đi cấp cứu. Sau đó, chính anh lại là người gọi cho bác sĩ nói chuyện với bà đỡ để giải quyết tình huống khẩn cấp theo sự hướng dẫn qua điện thoại. Xem cảnh này, nhiều khán giả thốt lên: tại sao một đôi vợ chồng trẻ trí thức, sống giữa thành phố lớn lại có hành xử thua cả người dân ở vùng quê như thế?
Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn diễn xuất ăn ý trên màn ảnh rộng. |
Môtíp người vợ bị trầm cảm, dằn vặt sau khi sinh dẫn đến xung đột hôn nhân được thể hiện khá nhiều trong các tác phẩm điện ảnh của Mỹ, Hàn, Hong Kong... nhưng việc người đàn bà trầm cảm đến độ không cho thực hiện tang lễ của con mà để quan tài của đứa bé xấu số trong phòng ngủ riêng của hai vợ chồng suốt một thời gian dài như phim Ngôi nhà trong hẻm cũng khiến nhiều khán giả tranh cãi sôi nổi sau khi xem xong phim. Người cho rằng, chi tiết này vô lý vì thậm chí đôi vợ chồng này còn thực hiện cảnh làm tình trước chiếc quan tài. Nhưng không ít người phản biện, nhận xét như thế là khắt khe và là "vạch lá tìm sâu". Họ bênh vực, đây là phim kinh dị và mọi tình huống phi lý có thể được tạo nên để tô đậm cho nội dung phim. "Chuyện một người giữ xác chết, quan tài của người mình thương yêu vì quá yêu thương họ cũng từng được thể hiện trong các kiệt tác văn học, điện ảnh cũng như cũng từng xảy ra trong đời sống", ý kiến của một khán giả thuộc nhóm ủng hộ phim.
Hạt sạn khó thể bỏ qua nữa là lời thoại trong phim nhiều chỗ còn khá ngô nghê, khiến cho khán giả bật cười mỗi khi diễn viên thốt ra câu thoại, dù đó là lúc nhân vật đang trong tình huống căng thẳng, dồn nén.
Xem xong, khán giả thắc mắc, đây là phim kinh dị, phim ma, hay là phim tâm lý? Những người thực hiện khẳng định Ngôi nhà trong hẻm là loại phim tâm lý kinh dị. Nhưng việc pha trộn các thể loại với nhau theo hướng xử lý phim chưa chắc tay khiến tác phẩm điện ảnh này làm người xem hụt hẫng. Do ranh giới giữa tâm lý và kinh dị còn bị nhập nhằng, nên nửa phần đầu phim, người xem được thuyết phục rằng cú sốc sảy thai khiến người vợ rơi vào trạng thái trầm cảm, nhưng càng về cuối, yếu tố "ma ám" lại lấn lướt tạo nên cái kết vội vàng và gượng ép vì quy mọi sự xung đột đều do... mấy con ma làm ra.
Bộ phim có phần hậu kỳ và khâu quay phim dựng cảnh tốt, nhưng còn sạn về nội dung, kịch bản. |
Được làm hậu kỳ theo chuẩn Hollywood, chọn bối cảnh quay rất "đắt" khiến ngôi nhà có kiến trúc cổ, đượm nét liêu trai cũng trở thành một nhân vật trong phim, Ngôi nhà trong hẻm cho thấy sự đầu tư tốt về kỹ thuật thực hiện. Nhưng giá như phim đi trọn vẹn chuỗi tâm lý nhân vật được vạch ra từ đầu: đó là tình yêu và sự sự chia sẻ, cảm thông giữa những người yêu nhau sẽ vực được họ dậy, vượt qua mọi bế tắc, thì chắc là phim sẽ gây cảm xúc mạnh hơn.
Đây là bộ phim đầu tiên được đạo diễn Lê Văn Kiệt viết kịch bản và dàn dựng và ra mắt trong nước. Anh đã tốt nghiệp khoa Điện ảnh Truyền hình tại Đại học UCLA (Mỹ). Trước đó, anh được biết đến tại hải ngoại với các phim: Bụi đời, Sầu ngư, Bẫy cấp 3...
Thất Sơn