- Cảm xúc của chị ra sao khi được mời thể hiện vai nữ sát thủ trong phim "Ngọa hổ tàng long" phần hai?
- Khi nhận được lời mời này, ý nghĩa đầu tiên trong đầu tôi là: "Đến rồi, cơ hội đã đến thật rồi, cố lên Veronica" (tên tiếng Anh của Ngô Thanh Vân). Trong tôi lúc đó có rất nhiều cảm xúc: bất ngờ, sung sướng, hạnh phúc, lo lắng, áp lực… Được làm việc với các hãng sản xuất phim nước ngoài, cùng những vai diễn ưng ý là cơ hội tốt, là ước mơ của những diễn viên như tôi. Tôi dành thời gian suy nghĩ thật kỹ lời mời này cùng việc nghiên cứu kịch bản vì tính tôi lúc nào cũng vậy, dù làm việc ở đâu, kịch bản, nhân vật phải thực sự khiến mình thấy yêu thích.
Tôi rất thích phần một của phim, xem đi xem lại nhiều lần và mong ước được sản xuất một bộ phim, tham gia vai diễn trong phim tương tự như vậy. Không ngờ điều hy vọng đã thành sự thật. Thật kỳ diệu.
- Đây là lần đầu tiên chị tham gia phim điện ảnh cùng ngôi sao Chân Tử Đan, ấn tượng của chị về tài tử này thế nào?
- Chân Tử Đan là một diễn viên tài năng thật sự với cách diễn xuất không cần tôi nhận xét mà khán giả khắp nơi đã biết. Nhìn anh thể hiện các phân cảnh võ thuật trên phim trường đẹp đến nỗi dường như tôi nghĩ không cần dùng nhiều kỹ xảo cho cảnh hoàn chỉnh. Anh khó tính và chăm chút vai diễn. Anh nghiên cứu và thảo luận với đạo diễn và bạn diễn rất kỹ càng về kịch bản. Anh cũng không ngại phải quay suốt rất nhiều tiếng đồng hồ ở dưới trời lạnh và điều kiện khắc nghiệt ở phim trường tại New Zealand. Tôi ngưỡng mộ tinh thần và phong thái của anh. Đó là một người bạn diễn tuyệt vời.
- Thời gian chị theo chân đoàn phim ở New Zealand diễn ra thế nào?
- Bộ phim được bấm máy từ tháng 10/2014. Tôi có hai tháng theo đoàn phim ở bối cảnh quay tại New Zealand. Sau Tết Nguyên đán sắp tới, tôi tiếp tục theo đoàn làm phim sang bối cảnh khác.
Thời gian bấm máy của Ngọa hổ tàng long bị trễ hơn so với dự kiến, kéo theo việc tôi bị trùng lịch làm việc với dự án Ngày nảy ngày nay tại Việt Nam. Quay phim ở hai nước cách xa nhau với cùng đòi hỏi tiến độ gấp rút và thời gian gắt gao khiến tôi phải cố gắng suy nghĩ sắp xếp thời gian hợp lý. Tôi tranh thủ đến mức tối đa, có khi tôi ở New Zealand cho một tuần quay, có khi tôi chỉ ở được một ngày, xong phân cảnh là phải bay về Việt Nam ngay để kịp lịch phim của mình. Nếu không có sức khỏe tốt và tinh thần "thép" thì chắc sẽ khó vượt qua giai đoạn này.
Tôi có hai trợ lý trên phim trường tại New Zealand và họ thật sự là những trợ lý giỏi. Ở hai nước cách xa nhau nhưng họ giúp tôi sắp xếp lịch chu đáo, để tôi an tâm có thể đi đi về về.
- Chị gặp khó khăn gì khi nhập vai nữ sát thủ Mantis?
- Theo nguyên tắc truyền thông của đoàn phim, tôi vẫn chưa được chia sẻ nhiều về vai diễn của mình. Chỉ có thể nói, vai nữ sát thủ Mantis là cánh tay phải của tuyến nhân vật chính trong phim. Đây là nhân vật phản diện và khi diễn xuất tôi nói tiếng Anh. Khó khăn khi nhập vai này là tôi phải dùng kiếm. Trong khi trước đây, các vai võ thuật của tôi đa số là dùng súng hoặc đánh tay không. Còn ở Ngọa hổ tàng long, tôi dùng kiếm, đao và nhiều đạo cụ khác...
Tuy là đạo cụ nhưng các thanh kiếm, đao…rất nặng, có thể gây sát thương nếu diễn viên không cẩn thận và không dùng đúng kỹ thuật cũng như tuân theo đúng kịch bản. Có phân cảnh tôi phải dùng đao theo cách diễn tả nó nhẹ như chúng ta cầm roi mây vậy, nhưng thực tế không phải vậy.
- Chị chuẩn bị thể lực và kỹ năng như thế nào để đáp ứng các đòi hỏi từ đoàn phim?
- Để theo được lịch trình làm việc của phim thì phải cần sức khỏe dẻo dai vì thời tiết ở New Zealand đang vào mùa rất lạnh, đứng lâu dưới nhiệt độ thấp để hoàn thành vai diễn không phải chuyện dễ. Cũng may tôi có khoảng thời gian sống lâu ở Na Uy nên chịu được nhiệt độ lạnh. Tôi cũng thường xuyên tập gym để giúp cơ thể dẻo dai. Từ khi gật đầu đồng ý tham gia phim, tôi lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng và phấn khởi, rồi sau đó phải đau đầu và cố gắng rèn luyện tập võ trong thời gian khá ngắn. Tôi nhờ đến chuyên gia võ thuật tại Việt Nam để trau dồi các tư thế võ theo đúng kỹ thuật, cách dùng kiếm, nhanh, mạnh. Còn lại khi phim đã bấm máy, tôi được êkíp chỉ dẫn và tập qua trước với các bạn diễn và chỉ đạo võ thuật để làm quen kịch bản.
- Chị nhận xét đâu là điểm mạnh và điểm yếu của diễn viên Việt Nam trong môi trường làm việc với êkíp quốc tế?
- Tôi cảm thấy diễn viên Việt luôn chịu khó và khả năng tiếp thu nhanh, có gương mặt châu Á đặc trưng - cũng là một nét nổi bật. Tuy nhiên, sức bền là một điều đáng lưu ý vì thể trạng người Việt nhỏ bé và việc thay đổi môi trường làm việc cũng gây ảnh hưởng nhiều. Thiếu cơ hội học hỏi, trau dồi cũng là một thiệt thòi. Nhưng nếu có cơ hội đến tay, diễn viên Việt Nam học hỏi rất nhanh và khéo léo.
- Điều chị góp nhặt lớn nhất từ đoàn phim "Ngọa hổ tàng long" là gì?
- Êkíp làm việc rất chuyên nghiệp và tính kỷ luật cao. Một phim trường rộng hàng nghìn hecta với êkíp lên đến hơn cả trăm người, mỗi người mỗi việc và làm theo đúng quy trình một cách bài bản. Chỉ cần một người làm một lỗi sai là người đó bị đào thải ngay vì ảnh hưởng dây chuyền đến các người khác. Nên mọi người làm việc rất có tâm huyết và để tâm. Tôi học điều này và có thể áp dụng phần nào cho êkíp của mình. Các diễn viên dù vai lớn, nhỏ đều nhiệt tình và hết sức thể hiện tài năng trong vai diễn.
- Từ lâu, chị được mọi người yêu mến gọi là "đả nữ" của làng điện ảnh Việt Nam. Chị gặp áp lực gì khi mang danh xưng này?
- Đây là món quà mà khán giả yêu mến các vai diễn trước đây của tôi dành tặng. Tôi lấy đó là niềm tự hào. Thật ra, tôi không để ý về việc sau này mình có bị thay thế hay bị "soán ngôi đả nữ". Tôi chỉ biết với mỗi bộ phim tôi đã làm hết sức và các phim sau phải hơn thế nữa chứ không chấp nhận sự giống nhau và na ná từ các vai diễn. Với làng điện ảnh trong nước, tôi thấy sau này có nhiều diễn viên đã có sự đầu tư cho các vai diễn hành động. Đây là một tín hiệu tốt.
- Chị cũng có lúc tâm sự muốn từ bỏ điện ảnh, vì sao vậy?
- Có những lúc vất vả vì phim, tôi đã nghĩ như vậy thật. Nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Mỗi lần như thế, tôi biết mình cần thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, và tìm tòi những điều mới mẻ về điện ảnh để tiếp tục làm việc. Điện ảnh mang đến cho tôi một sự nghiệp diễn xuất đầy đam mê, có cơ hội sống và yêu thương những nhân vật và biến hóa theo cách mình cảm nhận. Cảm giác sống trong nhân vật hạnh phúc lắm.
Tôi quan niệm, Tổ nghề cho ta sống được với nghề và còn tiếp tục với nó theo nhiều năm nữa thì những điều không vui chỉ là một bước cản trên con đường sự nghiệp. Người nghệ sĩ phải là "vận động viên nhảy rào", cố gắng vượt qua để đến với chiến thắng phía trước. Con đường với điện ảnh của tôi vẫn còn rộng mở theo nhiều cách. Ngoài làm diễn viên, tôi còn có thể đảm nhận vai trò sản xuất như công việc tôi đang làm với bộ phim Tết Ngày nảy ngày nay. Chắc Tổ còn thương nên càng về sau càng cho tôi những cơ hội thật tuyệt vời. Việc của tôi là nắm bắt và phấn đấu cho đến khi nào đam mê hay sức lực không còn.
Thoại Hà thực hiện