- Nhắc đến đôi nghệ sĩ Linh Tâm - Cẩm Thu, nhiều khán giả yêu cải lương vẫn tiếc nuối khi anh chị đổ vỡ hạnh phúc. Anh cảm thấy sao?
- Tôi theo đạo Phật và tin vào hai chữ duyên nợ. Khi kết hôn, tôi không bao giờ nghĩ tình cảm của tôi và Cẩm Thu sẽ "đứt gánh" giữa đường. Chúng tôi đã chung sống với nhau gần 30 năm. Nhưng chuyện đời không ai ngờ được, đến một bước ngoặt nào đó, mình sẽ không vượt qua nổi.
Đến giờ tôi vẫn nghĩ khó tìm được người phụ nữ nào hết lòng hết dạ vì chồng như Cẩm Thu.
- Anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời thế nào?
- Khi ly hôn, tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, không mang theo mình bất cứ một tài sản nào, một đồng tôi cũng không lấy. Lúc đó, tôi nghĩ điều mà đàn ông mang lại cho phụ nữ chính là hạnh phúc. Tôi lại không làm được việc đó cho vợ nên tôi phải có trách nhiệm cuộc sống của vợ. Tài sản kiếm được kha khá, tôi để lại cho Cẩm Thu nuôi dưỡng các con.
Về phần mình, tôi mất nhiều năm để vượt qua cú sốc tan vỡ. Tôi nhận ra thời gian là phương thuốc thần kỳ giúp ta nguôi ngoai nỗi đau. Ngày xưa chúng tôi sống với nhau là vợ chồng. Giờ chia tay cả hai vẫn là bạn bè và cùng nhau chăm sóc con chung.
- Hôn nhân tan vỡ tác động thế nào đến chuyện anh sang Mỹ định cư?
- Đó chỉ là một phần nguyên nhân. Trước khi gia đình tan vỡ, tôi đã nghĩ đến việc sang Mỹ hoạt động vì có thể đem nghệ thuật cải lương giới thiệu cho nhiều người biết đến. Tôi không muốn bị giới hạn việc diễn xuất quanh quẩn ở Việt Nam nên đã tận dụng cơ hội tìm hiểu nhiều điều mới và lưu diễn khắp nơi. Mặc dù khi ấy ở Việt Nam, tôi thuộc dạng nghệ sĩ nhiều show và kiếm được thu nhập ổn định.
- Cuộc sống hiện tại của anh thế nào?
- Tôi đã có gia đình riêng. Bà xã là người miền Tây và thích nghe tôi hát từ khi cô ấy mới 10 tuổi. Tôi gặp vợ thứ hai ở Mỹ trong giai đoạn thấy cần tạo lập cho mình một cuộc sống mới. Chúng tôi sinh hai bé gái xinh xắn. Hai đứa con của tôi với Cẩm Thu cũng rất yêu thương những đứa em này.
Ở Mỹ, tôi và vợ cũ thường xuyên tái ngộ trên sân khấu. Chồng hiện tại của cô ấy cũng rất thích cải lương.
- Anh và vợ cũ có kế hoạch thế nào để giúp con trai Linh Tý tham gia chương trình "Sao nối ngôi"?
- Khi ban tổ chức chia sẻ nội dung chương trình, tôi cảm thấy hứng thú. Đây là dịp gia đình hội ngộ, thể hiện những điều thầm kín trên sân khấu thông qua nghệ thuật. Tôi và Cẩm Thu bàn bạc kịch bản, hỗ trợ cho con thể hiện tài năng. Chúng tôi có một chút thiệt thòi so với những gia đình khác là ở quá xa nên không có nhiều thời gian luyện tập cùng Linh Tý.
- Anh nổi tiếng ở lĩnh vực cải lương trong vai kép ác. Dạng vai này mang đến cho anh những kỷ niệm gì?
- Trước khi đóng vai sở khanh tôi cũng là một kép mùi. Bước ngoặt khiến tôi đến dạng vai phản diện là từ khi đóng biện lý Hạnh trong vở Ân oán giang hồ. Đây là kẻ cơ hội, lợi dụng quyền hành đổi trắng thay đen làm người vô tội trở thành tù nhân khổ sai. Sự thành công của nhân vật khiến tôi bị "chết vai" trong các nhân vật tiếp theo. Tôi toàn đảm nhận những người lừa thầy phản bạn, đại ác, sở khanh... Khán giả coi tôi trên tivi, băng nhựa rồi ghét hẳn ra ngoài đời.
Tôi nhớ lần tôi cùng anh Vũ Linh xuống Cà Mau diễn. Khi chúng tôi vào quán ăn gặp một người bán vé số, người đó mời từng khách mua trừ tôi. Vũ Linh ngạc nhiên hỏi, họ nói: "Hôm qua tôi xem thấy thằng cha ấy xô anh xuống vực thẳm, mời gì mà mời". Người bán vé số mang vận may đến người khác, đến việc đó họ không thèm trao cho tôi là biết ghét đến cỡ nào rồi.
Lúc mới sang Mỹ, tôi ở nhờ một gia đình. Họ cũng mê cải lương. Bà chủ không bao giờ xuất hiện khi có mặt tôi. Ông chủ nhà bảo mỗi lần bà ấy mở tivi lên thấy tôi là tắt. Nhiều lúc tôi bị ghét đến nỗi tủi thân. Bù lại tôi tìm được niềm vui là thể hiện vai thành công khiến người ta không phân biệt được đâu là diễn viên đâu là con người thật của mình.
- Loại hình nghệ thuật cổ truyền có đất sống như thế nào ở hải ngoại?
- Tình hình nghệ thuật tuồng cổ ở hải ngoại cũng khó khăn như Việt Nam vì không có sân khấu biểu diễn. Những ai đam mê sẽ quy tụ một nhóm năm đến sáu người, xây dựng vở phục vụ cho một số khán giả. Tại Mỹ, việc tìm kép, đào thì dễ nhưng tướng sĩ, binh lính thì ngược lại vì ai cũng muốn hát chính cả.
Người ta nói "văn ôn, võ luyện", hát cải lương cũng vậy, phải tập nhiều giọng mới hay, diễn mới tốt. Tôi tự làm phòng thu riêng ở nhà luyện giọng và là nơi để anh em nghệ sĩ Việt Nam giao lưu. Sinh sống ở xứ người, tôi may mắn gặp những khán giả ái mộ mình từ lúc xưa nên cũng không gặp khó khăn gì nhiều.
Linh Tâm tên thật Võ Văn Tâm. Từ năm bảy tuổi, nghệ sĩ được cậu ruột là nhạc công dạy làm quen với đờn ca tài tử. Giọng ca khỏe khoắn, vẻ điển trai của cậu bé Tâm khiến nghệ sĩ Ánh Loan - cựu diễn viên đoàn Kim Chưởng - chú ý. Bà nhận Văn Tâm làm con nuôi, đặt nghệ danh là Linh Tâm và hết lòng truyền dạy nghề hát cho anh. Tình yêu với nghề diễn bắt đầu từ đó, đến một ngày đam mê nghề hát đủ lớn, anh cãi lời bố mẹ, kiên quyết không theo học ngành luật mà rẽ sang làm diễn viên của Đoàn Văn công An Giang. Đến khi được mời về đoàn Sông Hàn, đóng cặp với Cẩm Thu, tên tuổi của Linh Tâm thực sự tỏa sáng. Anh nổi tiếng ở vai phản diện trong các vở: Giũ áo bụi đời, Đèn khuya, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Người không cô đơn... Đầu thập niên 1980, Linh Tâm - Cẩm Thu là một trong những cặp đào kép tạo nên cơn sốt vé ở các điểm diễn miền Tây. Họ kết hôn năm 1982, gắn bó với nhau gần 30 năm thì chia tay. |
>> Xem thêm:
3 năm lêu lổng, không nhìn cha mẹ của con trai Linh Tâm, Cẩm Thu