Ra rạp Trung Quốc từ ngày 26/7, phim Na Tra: Ma đồng giáng thế thu về hơn 2,5 tỷ nhân dân tệ (356 triệu USD), vào top 10 phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé nước này. Trang QQ gọi đây là kỳ tích của phim hoạt hình, sức ảnh hưởng được so sánh như bom tấn hành động Chiến lang 2 của Ngô Kinh.
Theo Xinhua, tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung. Nhân vật Na Tra khi chào đời bị người khác ghét bỏ, coi là yêu quái gây họa. "Các người coi ta là yêu ma, ta sẽ làm yêu ma thật cho các người xem". Nghĩ là làm, Na Tra ngỗ nghịch, phá phách khắp nơi, khiến con người sợ hãi, ghét bỏ. Na Tra chỉ nhận được sự tin tưởng, yêu thương từ cha mẹ.
"Thành kiến của con người là một ngọn núi. Nhưng mệnh của ta do ta quyết định chứ không phải ông trời. Là ma là tiên, chỉ có ta định đoạt". Nhờ tình yêu của cha mẹ, "thiện" dần chiến thắng "ma" trong tâm hồn Na Tra. Từ đó, cậu diệt trừ cái ác, bảo vệ dân làng.
Đạo diễn Sủi Cảo (sinh năm 1980, tên thật Dương Vũ) nói thông điệp của phim là phá vỡ thành kiến để trở thành anh hùng. Vì thế, trong 100 bản vẽ Na Tra, anh chọn tạo hình Na Tra "xấu xí nhất màn ảnh". "Người ta có thể thành kiến với người khác về giới tính, xuất thân, vóc dáng, hình xăm, nơi họ sinh ra. Sự tổn thương thành kiến gây ra còn đau hơn dao cứa. Vì thế, kẻ thù lớn nhất trong cuộc sống là muôn dạng thành kiến của con người. Bạn là ai, chỉ có bạn định đoạt", Sủi Cảo nói về ý nghĩa của phim.
Mtime cho rằng phim cải biên từ thần thoại song gần gũi cuộc sống hiện đại. Một khán giả nói trên Sina: "Xem phim về, con trai tôi thần tượng Na Tra, chúng tôi cũng học được cách cư xử với con cái qua tác phẩm".
Na Tra còn chinh phục khán giả nhờ kỹ xảo, sự chỉn chu ở mỗi khung hình. Tác phẩm gồm 1.400 cảnh quay kỹ xảo, chiếm 80% phim. Ban đầu, dự án không được các nhà đầu tư đánh giá cao, hàng chục công ty lớn từ chối hợp tác với Sủi Cảo. Đạo diễn phải chia các cảnh để 20 công ty vừa và nhỏ xử lý, sau đó ghép lại.
Viên Nguyên, giám đốc một công ty kỹ xảo ở Thượng Hải, nói công ty anh xử lý 400 cảnh quay với 170 người thực hiện. Quá trình làm phim, nhiều người muốn từ bỏ vì đạo diễn yêu cầu cao trong khi tiền công thấp. "Lúc đó, chúng tôi đều cảm thấy đạo diễn ác như quỷ. Giờ thì chúng tôi thấy anh ấy như thiên thần", một nhân viên đoàn phim nói. Tổng cộng 1.600 người tham gia sản xuất bộ phim.
Đạo diễn không vì tiết kiệm chi phí mà sử dụng hình ảnh trùng lặp. Anh luôn yêu cầu mỗi khung hình chỉn chu. "Ví dụ ở cảnh Na Tra đi trên cát. Dấu chân Na Tra trên cát khô và cát ướt khác nhau vì độ dính kết của cát ướt cao hơn", Lý Tông Khôn - giám đốc một công ty kỹ xảo ở Lạc Dương - nói. Lý Tông Khôn cho biết đây là cảnh dễ, kỹ xảo ở phần cao trào phim mất sáu tháng thực hiện.
Sủi Cảo nói anh thực hiện bộ phim dựa vào trải nghiệm của bản thân. Cha mẹ là bác sĩ, anh chọn đại học ngành Y với suy nghĩ tìm công việc ổn định. Học đến năm thứ ba, anh day dứt: "Nếu theo nghề bác sĩ, có thể mình sẽ ân hận suốt đời". Sau đó, Sủi Cảo vừa học đại học vừa mày mò học làm phim hoạt hình - ước mơ của anh từ bé.
Tốt nghiệp đại học, Sủi Cảo không làm công việc ổn định như bạn bè. Nhiều người nói anh "ngây thơ, hão huyền" khi chỉ ôm máy tính nghiên cứu hoạt hình. Nhiều năm không việc làm ổn định, Sủi Cảo chỉ dám mua đồ ăn giảm giá ở siêu thị, hầu như không sắm quần áo mới. Sau khi cha qua đời, mẹ Sủi Cảo sống bằng lương hưu hơn 1.000 tệ (3,3 triệu đồng) mỗi tháng song vẫn động viên con trai theo đuổi ước mơ, tin tưởng con sống được với nghề. Năm 2015, Sủi Cảo tìm được nhà đầu tư để thực hiện Na Tra: Ma đồng giáng thế. "Nếu không có sự ủng hộ và lòng tin của cha mẹ, tôi không thể tạo được Na Tra như thế", Sủi Cảo nói trên Sohu.
Nghinh Xuân