Sau hai phần phim lên sóng kênh USA Network từ tháng 6 năm ngoái, Mr. Robot nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới chuyên môn và khán giả. Người dùng trang IMDb chấm loạt phim mới 8,7/10 điểm trong khi tài tử Rami Malek vừa thắng giải Emmy "Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim tâm lý" cho vai diễn ở phần hai. Hồi tháng 1, phần một của series cũng đoạt giải Quả Cầu Vàng hạng mục "Phim tâm lý hay nhất".
Câu chuyện chân thực về người hùng mạng không hoàn hảo
Mr. Robot được nhào nặn dưới bàn tay nhà biên kịch kiêm sản xuất Sam Esmail. Bản thân tác giả chia sẻ ông thích thú với lối sống giới hacker và ấp ủ thực hiện một tác phẩm về họ suốt 15 năm. Khi viết kịch bản, ông nhận thấy nó quá rộng lớn và quyết định thực hiện một series truyền hình. Nhờ tác giả nghiên cứu sâu, phim đưa ra cái nhìn chân thật và đa chiều về thế giới của những chuyên gia công nghệ mạng. Trong Mr. Robot, tin tặc không đơn thuần là những chàng trai hào hoa có thể giết cả thế giới trong một nút bấm chuột. Họ càng không chỉ gồm những phần tử cực đoan chuyên phá hoại các trang trực tuyến. Họ còn là những người hùng với xuất thân, lối sống hay tâm tư đáng đồng cảm.
Cốt truyện xoay quanh Elliot (Rami Malek), một nhân viên bảo mật của công ty Allsafe vào ban ngày và hacker thiên tài về đêm. Anh mắc chứng ngại giao tiếp và không thể hòa nhập với mọi người. Bởi vậy, Elliot dành nhiều thời gian để đột nhập vào các tài khoản và mạng xã hội của người khác. Một ngày nọ, chàng hacker được một kẻ bí ẩn với biệt danh Mr. Robot (Christian Slater) mời tham gia tổ chức fsociety. Mục đích của nhóm này là đánh sập tập đoàn E-Corp - biểu tượng của sự bất công khi nắm giữ phần lớn khoản nợ tín dụng trên thế giới.
Điều làm nên thành công của Mr. Robot là việc khai thác tâm lý hacker. Nhiều chi tiết kịch bản giúp người xem thấu hiểu được cảm giác của những người vì quá thông minh mà lạc lõng giữa xã hội. Nhân vật chính - Elliot - mang đôi mắt lờ đờ, sống tách biệt khỏi cộng đồng và vật vã trong những cơn nghiện các loại thuốc ảo giác. Đằng sau tính cách ngang tàng là tâm trạng của một người con mất cha, một chàng trai có nhu cầu tình cảm lớn.
Đối với Elliot, đột nhập và tấn công bằng công nghệ mạng là cách để anh quên đi nỗi thiếu thốn tình cảm đồng thời là phương tiện để kết nối với thế giới. Thiếu khả năng giao tiếp, Elliot có thể nhìn thấu con người thông qua những hoạt động mạng. Như anh thừa nhận, cách tốt nhất để đọc vị người khác là tìm kiếm những gì tồi tệ nhất của họ. Bên dưới lớp mặt nạ, Elliot nhìn thấy một thế giới đầy rẫy điều xấu xa, từ những tên lừa đảo đến góc khuất của các công ty.
Từ việc hack mạng chỉ đơn thuần để giải khuây, Elliot nâng hành động thành công cụ thực thi công lý. Suốt phim, chàng hacker thể hiện quan điểm anti-social (chống lại xã hội) mạnh mẽ. Anh chán ghét những sản phẩm văn hóa đại chúng, sự giả tạo trên các mạng xã hội và tính chất phù phiếm của chủ nghĩa tư bản đương đại. Trên thực tế, tập đoàn E-Corp chỉ là hiện thân của những giá trị mà Elliot căm ghét. Đánh sập E-Corp đối với Elliot cũng đồng nghĩa với việc chiến thắng những sức mạnh cực đoan vô hình kiểm soát xã hội.
Bằng cách xây dựng hình tượng nhân vật phản anh hùng (người chỉ làm theo niềm tin của bản thân nhưng đôi khi vi phạm giá trị đạo đức xã hội), phim xóa nhòa các quy chuẩn của chủ nghĩa anh hùng thông thường kiểu Mỹ. Elliot tuân theo nhiều quy tắc đạo đức nhưng cũng có mặt tối. Có khi chàng hacker chần chừ việc tố cáo một kẻ xấu chỉ vì hắn là nguồn cung cấp chất kích thích cho mình. Có khi anh bị đặt ở ranh giới đúng sai khi phải lên kế hoạch tấn công một tập đoàn mà mình lẽ ra phải bảo vệ. Ở đôi chỗ, quyền lực quá lớn được đặt vào tay một người không toàn vẹn như Elliot khiến người xem cảm thấy sợ hãi.
Loạt phim thành công nhờ học hỏi các tác phẩm kinh điển
Mr. Robot có cách kể chuyện lôi cuốn người xem một phần nhờ nhà biên kịch Sam Esmail học hỏi từ nhiều tác phẩm kinh điển. Ông tiết lộ từng xem Fight Club, Taxi Driver, American Psycho hay A Clockwork Orange để viết nên kịch bản phim mới. Trong tập chín của mùa đầu, bài nhạc Where is my Mind? từ phim Fight Club được sử dụng như lời tri ân đến tác phẩm này. Lối dẫn truyện tương tự Taxi Driver, còn cách phát triển lấy cảm hứng từ series Breaking Bad. Mặc dù vậy, những ý tưởng này được hòa trộn và có sự gia giảm nhất định chứ không hoàn toàn rập khuôn theo bản gốc.
Khác với các series cũ, Mr. Robot dùng thủ pháp kể chuyện độc đáo - unreliable narrator (người dẫn truyện không đáng tin). Trong phim, Elliot là người tường thuật lại mọi việc, nhưng bản thân anh cũng nhập nhằng giữa các chi tiết, có khi không phân biệt được giữa ảo ảnh và sự thật.
Lối kể trên tạo điều kiện để các nhà làm phim lồng ghép những tình tiết dẫn dụ, đánh lạc hướng người xem. Trong mùa thứ hai, câu chuyện mở rộng với sự tham gia của các phe phái khác nhau cùng nhiều bí mật được hé lộ. Giữa mỗi mùa lại có một plot twist (nút thắt bất ngờ) lớn khiến cách nhìn của khán giả hoàn toàn thay đổi. Sau khi kết thúc tập cuối mùa hai, có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ và nhiều giả thuyết được đặt ra. Có những tình tiết người xem ngỡ là thật nhưng thực chất là tưởng tượng của nhân vật chính.
Một cảnh trong "Mr. Robot" |
|
Trong vai chính, Rami Malek có phần trình diễn xuất sắc với vóc dáng gầy gò cùng đôi mắt mở to luôn mang vẻ lờ đờ. Những vai phụ cũng góp phần tạo nên sắc màu cho loạt phim.
Phim xây dựng nhiều tuyến nhân vật phụ sắc sảo như cặp vợ chồng khó đoán Joanna và Tyrell Wellick (một thành viên cấp cao của E-Corp), người lãnh đạo của nhóm hacker Đội quân Hắc ám tên Whiterose, hay cô bạn Angela của Elliot… Tuyến chuyện phụ về họ ban đầu khá rời rạc, nhưng dần được xâu chuỗi và trở nên lôi cuốn.
Mùa ba dự kiến lên sóng vào năm 2017.
>> Xem thêm:
Những phim truyền hình gây sốt nhờ phô bày nhiều cảnh sốc
Thành công và tranh cãi của các phim truyền hình 18+ ăn khách
Ân Nguyễn