Ông cùng nhiều tên tuổi gạo cội dự buổi gặp mặt do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Thấy Lệ Thủy từ xa, Minh Vương bước đến, ôm chầm đồng nghiệp, trêu: "Vợ người ta đây rồi". Vợ người ta là bản tân cổ Minh Vương từng biểu diễn vài năm trước, giúp tên tuổi ông đến gần với khán giả trẻ.
Nghe Minh Vương trêu, Lệ Thủy mỉm cười, nắm chặt tay bạn diễn. Bà vui khi thấy đồng nghiệp giữ phong độ dù từng trải qua ca phẫu thuật ghép thận. Lệ Thủy cho biết: "Một năm qua, chứng kiến nhiều nghệ sĩ ra đi thầm lặng, tôi buồn vì cuộc đời vô thường. Nay gặp lại Minh Vương và các bạn hữu, tôi biết ơn tổ nghề cho chúng tôi còn cơ hội đứng trên sân khấu".
Nhiều năm gần đây, hai nghệ sĩ ít có dịp hát chung do Lệ Thủy bận lưu diễn trong và ngoài nước, còn ông chủ yếu làm giám khảo các cuộc thi vọng cổ. Ông cho biết: "Mỗi lần tái ngộ, được khán giả ủng hộ nhiệt tình, tôi lại nhắn với Lệ Thủy: 'Nếu có ai mời, tụi mình ráng đi hát chung để tạ ơn nghĩa tình của khán giả nghe'".
Cặp nghệ sĩ có mối lương duyên hơn 50 năm qua. Thập niên 1960, khi Minh Vương mới nổi tiếng với giải Khôi nguyên vọng cổ, ông được mời về đoàn Kim Chung. Tại đây, ông gặp Lệ Thủy, cùng bà thu âm nhiều bản nhạc. Bản vọng cổ đầu tiên Minh Vương - Lệ Thủy thu trên đĩa là Bánh bông lan của soạn giả Loan Thảo. Sau đó, ông dần thay thế Minh Phụng, trở thành "tình nhân sân khấu" của Lệ Thủy với các vở Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Máu nhuộm sân chùa...
Lệ Thủy nói: "Sau này, khi lưu diễn ở miền Tây, tôi và anh Minh Vương luôn được khán giả yêu cầu ca bản Bánh bông lan và trích đoạn Tô Ánh Nguyệt, đến giờ vẫn thuộc làu từng chỗ luyến láy. Tôi và anh cùng 'ăn bánh bông lan' mãi mà không ngán, càng ăn càng thấy ngọt".
Tại sự kiện, Minh Vương còn hội ngộ nhiều bạn diễn một thời như Trọng Hữu, Thoại Miêu, Hùng Minh... Thấy Minh Vương đi lại tập tễnh vì một chân bị yếu, nghệ sĩ Trọng Hữu dìu ông vào nhà hát, chụp ảnh chung cùng các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc.
Ở tuổi 72, Minh Vương giảm chạy show vì giọng có phần xuống dốc, chuyển sang hướng dẫn cho các gương mặt trẻ. Gần đây, ông trở lại với ghế "nóng" Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng vì còn nhiều tâm huyết với các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca cổ. Ông cho biết: "Tôi nghĩ việc góp ý chuyên môn để giúp các em hát tốt, hát chuẩn hơn cũng là một cách cống hiến cho cải lương. Khi làm giám khảo, tôi thẳng tính, có sao nói vậy chứ không cố nói để vừa lòng ai cả. Tôi quan niệm phải nói để các em biết hay - dở mà sửa lỗi kịp thời".
Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ khi mới 14 tuổi. Sang thập niên 1970, Minh Vương được nhiều hãng đĩa để ý và mời thu thanh. Ông thành công với các vở diễn như Đời cô Lựu, Máu nhuộm sân chùa, Rạng ngọc Côn Sơn... Ngoài Lệ Thủy, ông còn diễn chung với nhiều cô đào: Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Út Bạch Lan... Năm 1985, ông đoạt danh hiệu Diễn viên sân khấu được yêu thích nhất sau 10 năm giải phóng do báo Tuổi trẻ bình chọn. Năm 1990, ông đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tháng 8/2019, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.
Tại sự kiện sáng 5/4, Hội nghệ sĩ sân khấu công bố nhiều hoạt động dự kiến tổ chức trong năm. Cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc diễn ra vào tháng 8 tại TP HCM, sau đó là sự kiện Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - tháng 9. Liên hoan cải lương toàn quốc - sự kiện lớn nhất trong năm của giới cổ nhạc - sẽ được tổ chức ở TP HCM vào tháng 11 sau một năm hoãn.
Mai Nhật