Gần 21h tối 23/2, trong phòng thay đồ của cuộc thi Chinh phục đỉnh cao (ở Hãng phim Giải Phóng, TP HCM), một người phụ nữ vừa ngồi bóc khoai lang ăn vừa liến thoắng trò chuyện với mọi người xung quanh. Đây là bữa tối của bà sau ổ bánh mì lót dạ từ trưa. Chỉ còn vài phút nữa là con trai bà diễn tiết mục mở màn cho đêm liveshow thứ năm. Khi mọi thứ đã sẵn sàng chờ chương trình lên sóng trực tiếp, bà mới có thời gian lót dạ với vài củ khoai. Bà là cựu ca sĩ Bích Phương - mẹ của Kasim Hoàng Vũ.
Không muốn phóng viên chụp cảnh mình nuốt mấy miếng khoai, người phụ nữ nhỏ bé mỉm cười giải thích, với bà những bữa vội vàng như thế này không phải là hiếm. Vừa là mẹ, vừa là quản lý của con, bà thường bị xáo trộn lịch ăn uống vì những công việc không tên, chỉ mong con có điều kiện thuận lợi, thoải mái nhất khi bước lên sân khấu.
Đồng hành với con trai từ đầu cuộc thi Chinh phục đỉnh cao đến giờ, bà luôn hồi hộp dõi theo bước đi của con, dù Kasim Hoàng Vũ đã là một cái tên quen thuộc trong làng ca hát. Anh vốn bị viêm xoang, nên bà rất sợ con bị nhiễm lạnh, thường nhắc con giữ ấm để không ốm, ảnh hưởng đến giọng ca. Nhưng điều quan trọng nhất khiến bà lo lắng là, nhạc opera không phải sở trường của con trai. "Mỗi thí sinh chỉ có khoảng một tuần để tập bài hát mới theo chủ đề ban tổ chức đưa ra nên tụi nhỏ tập căng dữ lắm. Chưa kể, phần ráp ca sĩ với dàn múa, ban nhạc thường được sắp xếp khá gần với ngày thi khiến mọi việc lúc nào cũng gấp rút", bà chia sẻ.
Từng là một ca sĩ nhạc rock, bà không thể tư vấn nhiều cho Kasim về mặt chuyên môn. Bà giới thiệu con trai đến với những người thầy của mình như Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Đức, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ... để học hỏi. Bà cũng khuyên con phải chịu khó tìm sự tư vấn từ các thầy cô như: nghệ sĩ Ngọc Tuyền, giám khảo ngoại Ivaylo Mihaylov... để hiểu thêm về dòng nhạc. Còn bà giành chạy vòng ngoài, lo chuyện hậu cần như: chăm chút cho con từng bộ trang phục, đi tìm đạo cụ, góp ý về thần thái, cảm xúc trong từng bài hát...
Không chỉ đến liveshow thứ năm bà mới bận bịu, chỉ kịp mua khoai lang bỏ vào giỏ ngồi ăn trong hậu trường, mà ở ngày diễn ra liveshow thứ tư (17/2), bà cũng chỉ ăn qua quýt do chạy đôn chạy đáo tìm mượn mấy bộ đèn Led để con biểu diễn trên sân khấu (xem video: tiết mục của Kasim ở liveshow 4).
Lần đó, 21h đêm thi bắt đầu mà đến khoảng 18h chiều cùng ngày, ban tổ chức mới thông báo là không có đạo cụ cho Kasim. Vì phần thi này nếu thiếu mấy ngọn đèn Led sẽ làm giảm hiệu ứng sân khấu, bà Phương bắt xe ôm chạy đủ nơi để tìm mượn, hay thuê. "Điện thoại khắp nơi, tôi biết một vũ đoàn có các đạo cụ biểu diễn này. Nhưng khi đặt vấn đề mượn thì họ không cho vì muốn giữ đạo cụ độc quyền cho các tiết mục của họ. Tưởng là bỏ cuộc rồi và Kasim phải diễn 'chay' nhưng may là sau đó tôi nhớ đến một người quen chuyên làm đạo diễn sân khấu ca nhạc. Anh này có nhưng bảo phải lên tận kho đạo cụ ở Bình Hưng Hòa, Bình Tân để lấy. Đến khi có đèn cho con diễn là cũng gần 20h", bà Phương vui vẻ nói.
Đang kể nửa chừng, bà xin ngắt ngang vì đã đến phần thi của Kasim Hoàng Vũ. Lôi nhanh chiếc máy ảnh cùng chân máy ra khỏi túi xách, người phụ nữ vội vã ra khỏi phòng thay đồ của thí sinh, lao qua gian phòng toilet dẫn thông đến phía sau sân khấu chính để kịp đặt chân máy quay phim tiết mục biểu diễn của con. Sau khi quay hình đầy đủ, lắng nghe giám khảo nhận xét tiết mục của con và cho điểm số, bà quay vào hậu trường với khuôn mặt thoáng chút lo lắng. "Lần này chủ đề thi đòi hỏi phong cách nhạc kịch nên Kasim phải vừa diễn vừa hát. Lúc nó bận phối hợp với nữ vũ công chắc lúng túng với cái áo choàng", bà cứ xuýt xoa và chỉ thấy yên tâm hơn khi mọi người xung quanh trấn an: "Xem trực tiếp trên tivi tiết mục của Kasim ổn mà" (xem video).
Với vai trò người quản lý, bà theo con trai đi diễn ở nhiều chương trình lớn, nhỏ. "Lần thi này cũng chưa nhằm nhò gì với lần thi Sao Mai Điểm hẹn của Kasim năm 2004. Có nhiều điều lắm. Chắc về già tôi viết một cuốn tự truyện để kể lại những vui buồn đó", bà đùa.
Cựu ca sĩ tâm sự, vì sự nghiệp của con mà bà phải rời Đà Nẵng vào TP HCM để lo chăm con trai. "Chớ nếu không, tôi ở lại ngoài quê chăm sóc cho ông bà ngoại Kasim vì với tôi, cha mẹ luôn là trên hết", bà rưng rưng nói. Kết hôn sớm ở tuổi đôi mươi, sau đó chia tay bố của Kasim, bà vẫn quyết một mình ở vậy nuôi con. Không còn sống với chồng, nhưng cách đây khoảng 2 năm, khi ông về Việt Nam vì bệnh tim nặng và qua đời. Chính bà và con trai chăm sóc cho ông từng chút một vào những giờ phút cuối cũng như lo chuyện tang ma, cúng kỵ.
Sự ra đi của chồng, cha mẹ già đau yếu đè gánh nặng lên vai người phụ nữ, nhưng bà Phương cho biết, nhờ có con trai bà mới vững vàng bước tiếp. "Đừng tưởng lúc nào mẹ con tôi cũng hòa thuận. Lúc Kasim đăng ký thi Chinh phục đỉnh cao cũng là lúc hai mẹ con giận nhau. Tôi bỏ về ngoài Đà Nẵng với ông bà, mặc nó muốn làm gì thì làm ở Sài Gòn. Đến khi đọc báo thấy Kasim đi thi, tôi bất ngờ lắm nhưng cũng chưa lên tiếng gì. Trước khi thi khoảng một tuần, Kasim có lịch lưu diễn nước ngoài, tôi biết nó sốt ruột chờ tôi quay lại Sài Gòn lắm. Nhưng tôi đợi đến lúc nó sắp đến ngày bay mới lên. Khi ra sân bay, nó nhắn tin về 'Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe nha, con xin lỗi mẹ'", bà kể.
Người mẹ trải lòng, từ lâu, chuyện bà làm quản lý cho con không phải lúc nào cũng nhận được những phản hồi tích cực. Nhiều lúc, bà rất bực mình với những nhận xét như: "Kasim đồng tính", "Kasim bám váy mẹ"... Nhưng nghĩ lại, niềm vui được chăm sóc con trai khiến bà vơi bớt nhọc nhằn, lo toan. "Rồi cũng đến ngày Kasim lấy vợ, có cuộc sống riêng, nhưng tôi lo cho con được đến khi nào thì sẽ luôn cố hết sức", bà bộc bạch.
Chi Mai
Ảnh: Khoa Nguyễn DK