Hôm 10/8, ông được hàng trăm nghìn khán giả chú ý khi công khai tài khoản Weixin - ứng dụng tin nhắn, truyền thông xã hội phổ biến. Trong video đầu tiên đăng tải, ông mô tả tình hình sức khỏe, thói quen sống hiện tại, cho biết vẫn miệt mài viết và học hỏi, nhất là từ người trẻ. Ông lập tài khoản mạng xã hội để chia sẻ các bài viết, suy nghĩ của bản thân đồng thời giao lưu với khán giả.
Mạc Ngôn đã đăng một số bài viết, trong đó có bài: "Vì sao tôi được gọi là 'Mạc Ngôn'". Ông kể bỏ học từ nhỏ, làm bạn với bò ở đồng ruộng, hiểu bò hơn hiểu con người. "Tôi hiểu vui buồn của bò, hiểu biểu cảm của nó, biết nó đang nghĩ gì. Ở đồng ruộng bao la và dường như vô tận với một đứa trẻ, chỉ có tôi và mấy con bò bên nhau. Bò thong thả gặm cỏ, mắt xanh biếc như màu đại dương. Tôi muốn nói chuyện với bò nhưng nó chỉ ham ăn, chẳng để tâm tới tôi".
Năm tháng một mình với đàn bò trên đồng ruộng làm Mạc Ngôn trở nên hay lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Có lần ông nói chuyện với cái cây, mẹ ông nghe thấy, hoảng hốt nói với chồng: "Bố nó ơi, con mình bị làm sao thế này?".
Lớn lên, Mạc Ngôn đi làm ở nhà máy, thói quen nói nhiều gây cho ông không ít rắc rối, đắc tội với hàng loạt người. Mẹ ông rất khổ sở, khuyên ông: "Con ơi, con đừng nói có được không?". Lúc đó, Mạc Ngôn sống mũi cay cay vì thương mẹ, hứa hạn chế mở lời. Tuy nhiên, "đánh chết cái nết không chừa", khi gặp người khác, ông lại thao thao bất tuyệt. Mỗi lần nói xong, ông hối hận, cảm thấy có lỗi với mẹ.
Vì thế khi bắt đầu sự nghiệp viết văn, ông đặt bút danh là Mạc Ngôn, nghĩa là "đừng nói". Ông viết: "Bây giờ, tuổi ngày một cao, tôi nói ngày càng ít. Hương hồn mẹ trên cao chắc đã được an ủi phần nào".
Mạc Ngôn sinh ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sáng tác văn chương từ năm 1978, gây tiếng vang qua loạt tiểu thuyết Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Củ tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ... Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 2012. Sáng tác của Mạc Ngôn được dịch nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình.
Như Anh