Lupita Nyong’o không nổi tiếng như Jennifer Lawrence, chẳng có kinh nghiệm diễn xuất dày dạn như Julia Roberts - những đối thủ chính của cô trong hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc” của Oscar 2014. Thế nhưng khi Christoph Waltz đọc tên Lupita với tư cách là người chiến thắng, có lẽ không chỉ những người có mặt tại Nhà hát Dolby mà cả hàng triệu người xem truyền hình đều cảm thấy hạnh phúc cho cô.
Tài năng và khiêm nhường, cô gái nhỏ nhắn mang hai quốc tịch Kenya - Mexico đã chinh phục hoàn toàn những ai từng xem 12 Years a Slave với vai diễn nữ nô lệ Patsey.
Cùng gốc gác với tổng thống Mỹ
Được sinh ra tại Mexico song Lupita Nyong’o lại là một người Kenya chính gốc khi cả cha và mẹ cô đều là người con của đất nước châu Phi này. Bố mẹ Lupita là người gốc Luo - một tộc người cư ngụ ở miền Tây Kenya. Điều thú vị là đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có nguồn gốc Luo (cha ông là một người Kenya).
Khi chưa đầy một tuổi, Lupita được đưa về quê hương lúc cha cô được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Nairobi. Gia đình Nyong’o đã nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật trong Lupita với những buổi đi xem kịch hay tụ tập với các gia đình khác để chứng kiến lũ trẻ diễn xuất. Được ghi danh học tại một trường nữ sinh, Lupita thất bại với nhiều môn thể thao trước khi tìm thấy được chính mình nhờ tham gia đóng kịch cho các buổi biểu diễn ở trường.
Vai diễn đầu tay của cô là một nhân vật nhỏ trong vở Oliver Twist trước khi có vai diễn chuyên nghiệp đầu tiên ở tuổi 14 là Juliet trong vở Romeo and Juliet do công ty Phoenix Players dàn dựng. Hồi tưởng lại quãng thời gian này, Lupita cho biết việc được chứng kiến những diễn viên nữ da màu như Whoopi Goldberg và Oprah Winfrey trong The Color Purple đã giúp cô quyết định đi theo điện ảnh.
Năm 16 tuổi, Lupita Nyong’o được gia đình gửi trở lại Mexico để học tiếng Tây Ban Nha. Nhưng để theo đuổi giấc mơ của mình, cô biết “nước Mỹ mới là nơi tôi phải đặt chân tới” nên đã chuyển tới đây. Sau một vài tháng đầu bỡ ngỡ, Lupita dần làm quen với đất nước mà cô vẫn thường thấy trong những bộ phim truyền hình hay phim truyện ưa thích của mình.
Cô tốt nghiệp trường Hamsphire với bằng Điện ảnh và Sân khấu trước khi tiếp tục theo diễn xuất tại Đại học Yale. Trong quá trình học, Lupita từng tham gia đóng các phim ngắn, một bộ phim truyền hình của Kenya và còn tự mình viết kịch bản và đạo diễn bộ phim tài liệu In My Genes.
Những kinh nghiệm đầu tiên với Hollywood của Lupita đến từ việc làm nhân viên trường quay. Khi tham gia bộ phim The Constant Gardener, cô có dịp gặp gỡ nam diễn viên Ralph Fiennes và nhận được một lời khuyên hữu ích. Cô nhớ lại trải nghiệm khi ấy: “Ông ấy hỏi tôi muốn làm gì và tôi trả lời rằng tôi muốn trở thành một diễn viên. Ralph thở dài và nói: ‘Nếu như có một thứ gì khác mà cô muốn làm thì hãy làm nó đi. Chỉ nên theo nghiệp diễn nếu cô không thể sống mà thiếu nó’. Đó không phải là thứ mà tôi muốn nghe song lại là thứ mà tôi cần được nghe”.
Lời khuyên hữu ích của Ralph đã thúc đẩy Lupita tới gần hơn với con đường diễn xuất và giúp cô có can đảm theo học tại Yale, nơi cô từng được nhận phần thưởng Herschel Williams dành cho những sinh viên có khả năng xuất sắc. Vài tuần trước khi tốt nghiệp, cô quyết định tự thu băng bản thân để tham gia ứng tuyển diễn viên cho 12 Years a Slave - bộ phim sẽ thay đổi vĩnh viễn cuộc đời Lupita Nyong’o.
Bước ngoặt với “12 Years a Slave”
Từng muốn làm một bộ phim về đề tài nô lệ nhưng cho đến khi có trong tay kịch bản 12 Years a Slave dựa trên hồi ký của người nô lệ thế kỷ 19 - Solomon Northup, đạo diễn Steve McQueen lại cảm thấy bế tắc. Sau khi xem qua màn trình diễn của hàng trăm diễn viên, ông vẫn chưa tìm thấy ai phù hợp để vào vai nữ nô lệ đáng thương Patsey.
Đến một ngày, ông nhận được cuốn băng từ cô gái vô danh có tên Lupita Nyong’o và không thể tin vào mắt mình. Đạo diễn người Anh chia sẻ: “Tôi phải dụi mắt vì không tin vào những gì được chứng kiến trước khi tìm một người khác để xác nhận xem người đó có cùng cảm giác với tôi. Sau khi cho cô con gái 14 tuổi xem video của Lupita, con bé đã thốt lên: ‘Wow, chị ấy là ai vậy?’”.
Hai tuần sau đó, Lupita được mời tới Louisiana - nơi quay 12 Years a Slave - để đọc kịch bản trực tiếp cho Steve McQueen. Đạo diễn này sau đó đã thú nhận: “Ngay khi được gặp Lupita, tôi đã biết cô ấy sẽ là Patsey. Cô ấy thật sự tuyệt vời”.
Một trong những người đầu tiên mà Lupita chia sẻ về bộ phim đầu tay của mình là cha cô: “Tôi đã nói với cha: ‘Cha có biết Brad Pitt không? Con sắp được đóng cùng một bộ phim với anh ấy!’ và nhận được câu trả lời: ‘Cha không biết anh ta nhưng cha vui vì con đã có một công việc’”.
Đó không đơn thuần là một công việc mà là một vai diễn để đời của Lupita Nyong’o, một vai diễn làm rung động trái tim khán giả và giúp cô đoạt các giải thưởng như SAGs cùng Oscar danh giá. Patsey là một nữ nô lệ nhỏ bé sống trong trang trại của Epps, ông chủ tàn ác với sở thích hành hạ những người hầu da màu dưới trướng. Nhiệm vụ hàng ngày của các nô lệ là nhổ bông và những ai nhổ dưới 200 pound mỗi ngày đều sẽ phải chịu đòn roi.
Patsey là người xuất chúng khi mỗi ngày cô thu hoạch được tới hơn 500 pound và nhận được sự cưng chiều từ Epps. Nhưng gã vẫn đơn thuần coi cô là nô lệ và còn xâm hại tình dục cô, trong khi vợ của Epps lại tìm đủ cách biến cuộc sống của cô gái trở thành địa ngục. Khi xem 12 Years a Slave, khán giả không khỏi cảm thấy xót thương cho Patsey khi với cô, sống còn không bằng chết. Chính cô từng phải van xin nhân vật Solomon hãy kết liễu cuộc đời mình do quá khổ.
Sự xót thương ấy càng lớn hơn khi Patsey phải chịu một trận đòn chí tử chỉ bởi vắng mặt khỏi trang trại để đi xin một cục xà-phòng. Trước sự ghen ghét của người vợ Epps, Patsey không có lấy một cục xà-phòng để gột rửa bản thân sau ngày làm việc mệt nhoài và rồi khi có nó cô lại phải nhận lấy một trận roi thừa sống thiếu chết.
Chứng kiến Lupita trên màn ảnh, người xem có cảm tưởng như được thấy một nữ nô lệ đích thực chứ không phải một cô gái mới tốt nghiệp diễn xuất. Lupita Nyong’o đã chạm vào cảm xúc người xem bằng diễn xuất tự nhiên ấy để rồi khán giả cảm thấy tội nghiệp cho số phận của người nô lệ và căm phẫn với những kẻ bạo hành cô.
Viên kim cương đen tỏa ánh hào quang
Bước sang năm 2014, Lupita Nyong’o được chọn làm một trong những gương mặt quảng cáo của thương hiệu thời trang Miu Miu đồng thời xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí danh tiếng. Xuất hiện trên thảm đỏ Oscar, cô tỏa sáng rực rỡ trong chiếc váy xanh bồng bềnh của Prada. Thế nhưng dựa vào cách Lupita ăn mừng chiến thắng và bài diễn văn khi nhận giải của cô, người ta vẫn thấy hình ảnh một cô gái giản dị, khiêm nhường.
Bài diễn văn của Lupita là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của buổi lễ, khi cô không chỉ cảm ơn gia đình, đoàn làm phim mà còn nhắc tới cả những người nô lệ - nhân vật chính của 12 Years a Slave - đã ngã xuống: “Không có giây phút nào mà tôi không nhớ rằng những niềm hạnh phúc trong đời tôi lại đến từ nỗi đau của người khác. Tôi muốn tri ân tinh thần của Patsey vì đã dẫn lối cho tôi. Tôi muốn cảm ơn Solomon vì đã kể câu chuyện của ông và cả Patsey. Steve McQueen, cảm ơn vì đã đưa tôi vào vị trí này. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời tôi. Tôi tin chắc là những người đã khuất đang chứng kiến, cảm thấy biết ơn ông vì đã làm bộ phim này và tôi cũng vậy”.
Cô còn không quên truyền cảm hứng tới những khán giả xem truyền hình khi kết thúc bài diễn văn bằng việc khẳng định: “Dù bạn có tới từ nơi đâu, giấc mơ của bạn vẫn luôn có giá trị”. Bản thân Lupita đã là minh chứng sống cho việc này. Một năm trước, không ai biết cô là ai. Thế nhưng giờ đây cô đã là người Kenya đầu tiên trong lịch sử đoạt giải Oscar và xuất hiện trong “bức ảnh tự sướng thế kỷ” cùng Ellen DeGeneres và một dàn sao Hollywood.
Tháng ba đã bắt đầu không thể ngọt ngào hơn với Lupita khi ngoài giải Oscar mới nhận, cô còn tin vui khác là bộ phim Non-Stop mà cô tham gia cùng Liam Neeson đã trở thành quán quân phòng vé Bắc Mỹ. Có thể tin, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một ngôi sao.
Thịnh Joey