Dream man - Lời kết bạn chết chóc là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Việt kiều Roland Nguyễn. Phim được khởi quay gần ba năm trước, trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên như Thanh Duy, Đàm Phương Linh, Thanh Tú, Anh Tú..., khai thác cuộc sống của một bộ phận giới trẻ - những người có thói quen dùng mạng xã hội.
Phim mở đầu với cái chết của hot girl Thảo Nara (Thanh Tú đóng) trong phòng kín, sau khi kết bạn với tài khoản Dream man. Nhóm bạn Phong (Thanh Duy), Thắng (Lý Bình), Như (Đàm Phương Linh) và Cường (Anh Tú) đến đám tang đưa tiễn cô lần cuối. Ngày sau, Thắng trở thành một nạn nhân khác của Dream man. Như - bạn gái Phong - cũng mất tích, để lại chiếc điện thoại với tài khoản Facebook kết bạn với người bí ẩn nọ. Phong và Cường quyết định điều tra chân tướng của nick-name Dream man. Từ đây, câu chuyện rẽ theo hướng khác hẳn so với các sự kiện ban đầu.
Điểm cộng của phim chủ yếu nằm ở khả năng diễn xuất của dàn diễn viên trẻ. Bốn năm sau vai chàng trai đồng tính trong Đập cánh giữa không trung, Thanh Duy có vai chính đầu tiên trên màn ảnh rộng. Diễn viên sinh năm 1986 nhập vai với lối biểu cảm đa dạng. Từ một nam sinh hoang mang, rúng động vì cái chết liên tiếp của những người bạn thân, Phong dấn thân vào hành trình truy tìm kẻ thủ ác. Ở các góc máy cận, gương mặt diễn viên thể hiện vẻ run rẩy, sợ sệt khi lần mò theo hình bóng của Dream man. Lối diễn biến hóa tiếp tục được Thanh Duy phát huy ở nửa sau của phim, khi câu chuyện rẽ hướng và Phong trở thành một nam sinh sống lập dị, bị bạn bè tẩy chay, coi thường.
Điểm sáng khác về diễn xuất trong phim là Thanh Tú. Vai diễn mới của cô là Thảo Nara, một nữ sinh tham vọng và tìm cách nổi tiếng bằng mọi giá. Cô đóng tròn vai trong các cảnh Thảo tận hưởng khoảnh khắc được tung hô trên sân khấu, hoang mang khi âm mưu dần bại lộ, vẻ gian xảo khi nghi ngờ những người bạn thân nhất đang chơi xấu cô, cách lả lơi với người tình trong khách sạn... Lý Bình - với vai Thắng, một nam sinh dân chơi, thích ngắm các cô gái đẹp - cũng ghi dấu bằng lối diễn tự nhiên. Ở một số cảnh, Thắng tạo được tiếng cười hiếm hoi cho phim bằng lối diễn hài hước pha chút đểu cáng.
Phim được trau chuốt về âm thanh và bố cục không gian, ánh sáng. Tận dụng đề tài quen thuộc là Facebook, đạo diễn sử dụng các âm thanh như tiếng báo nhận - gửi tin nhắn và khuếch đại để tạo cảm giác rùng rợn cho phim. Nửa đầu phim chủ yếu sử dụng tông màu tối, khắc họa nỗi sợ hãi của nhóm bạn đang bị một kẻ bí ẩn rình rập. Phim có ít màn hù dọa (jumpscare) mà tận dụng vẻ ảm đạm của các bối cảnh chật hẹp như căn phòng tối trong nhà nghỉ, chung cư cũ kỹ...
Ở nửa sau của phim, kịch bản được lật lại và triển khai theo hướng khác nhằm giải thích cho các chi tiết được cài cắm trước đó. Các âm mưu trong phim cũng dần lộ ra. Nỗi sợ hãi không còn đến từ không gian ảo mà hiện diện trong đời thực, từ những người vốn xem nhau là bạn. Phong từ một người chủ động truy tìm manh mối của kẻ bí ẩn, bỗng trở thành con rối cho người khác giật dây.
Tuy vậy, do cố gắng tạo bất ngờ (plot twist) cho người xem, phim sa đà vào các tình tiết gây rối cho khán giả. Thân thế và tính cách nhân vật chuyển biến quá nhanh và có phần thiếu liền mạch, chặt chẽ so với cốt truyện trước đó. Người xem bị đánh đố vì buộc phải xâu chuỗi sự kiện để nhớ lại những gì đạo diễn gợi mở ở phần đầu phim. Roland Nguyễn từng cho biết với kịch bản này, anh hướng tới một bộ phận khán giả tò mò, thích đặt câu hỏi về diễn biến logic sau khi phim kết thúc.
Phim khởi chiếu từ ngày 2/11, được dán nhãn 16+ (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).
Tam Kỳ