Đêm nhạc Tuấn Ngọc nằm trong chuỗi dự án "In the spotlight" khắc họa chân dung những nghệ sĩ nổi tiếng. Chính vì thế, tại “Riêng một góc trời”, có khi Tuấn Ngọc cầm đàn hát như thời anh 17 tuổi, có khi hát những bài tiếng Anh lạ tai mà bỏ qua một số ca khúc nổi tiếng gắn với tên tuổi mình. Điều này giúp khán giả có hình dung đầy đủ về chặng đường anh đã đi qua.
Nhạc sĩ Hoài Sa (trái) đệm piano cho Tuấn Ngọc. |
Chương trình được đầu tư gần như 100% vào âm nhạc, tối giản những chi tiết, chiêu trò sân khấu. Luân phiên thay đổi giữa pop, acoustic và jazz, Tuấn Ngọc hiện ra vẫn đầy quen thuộc với hình ảnh trữ tình nhưng rất văn minh, tân tiến, đủ để làm những người theo anh mấy chục năm trời không bị sốc và đủ để bắt kịp thời đại, không bị giới trẻ chê là “người cũ”.
Liveshow ở Nhà hát Lớn của Tuấn Ngọc thành công không chỉ bởi chất giọng truyền cảm, kỹ thuật điêu luyện của giọng ca sinh năm 1947 mà còn nhờ sự góp sức không nhỏ của dàn nhạc. Hát những bản nhạc tình có tuổi đời vài chục năm, có bài còn “già” hơn mình nhưng Tuấn Ngọc không đi vào lối mòn. Anh học hát từng ngày, luôn mở rộng tư duy và đặc biệt rất thích nhạc jazz. Nếu cách đây vài ba năm, Tuấn Ngọc còn băn khoăn khi Hồng Kiên ngỏ ý đem jazz vào tân nhạc thì bây giờ, chính con rể nhạc sĩ Phạm Duy yêu cầu những bản phối có saxophone và piano. Nhờ thế, Nỗi lòng, Phôi pha, Tình cầm, Lá đổ muôn chiều, Em đến thăm anh một chiều mưa, Ngậm ngùi, Áo lụa Hà Đông… giảm hẳn chất bi lụy, u sầu và đem đến cảm giác sang trọng, tươi mới, thênh thang, trong cái buồn vẫn tìm thấy cái vui như ánh sáng cuối đường hầm. Bản song ca Mùa thu cho em giữa Tuấn Ngọc - Mỹ Linh đã vượt qua được bản thu của Bằng Kiều - Trần Thu Hà. Chất cao vút được thay bằng sự nhẹ nhàng, đúng hơn với phong cách Ngô Thụy Miên.
Phần trình diễn tuyệt vời nhất của Tuấn Ngọc là khi anh hát tiếng Anh. Với Hello, Cry me a river, Smoke gets in your eyes, Yesterday, Tuấn Ngọc được thoải mái là chính mình, không bị sự gò bó của âm sắc tiếng Việt. Anh khoe toàn bộ quãng giọng trong đoạn phiêu của Hello dưới phần bè của Mỹ Linh. Học hát kiểu Mỹ từ năm 11 tuổi, từng có nhiều năm đi hát cùng dàn nhạc Mỹ tại Hawaii, Tuấn Ngọc ăn nhập hoàn toàn vào kiểu chơi đậm chất Tây của Hồng Kiên, Anh Quân, Hoài Sa.
Để làm được những bản phối tuyệt vời cho Tuấn Ngọc, theo Hoài Sa, anh đã cố gắng ở mức cao nhất. “Tôi làm việc nhiều với Tuấn Ngọc, hiểu Tuấn Ngọc đến mức có thể gọi là đồng cảm nên rất thoải mái. Tôi không phải lo ngại đến mức làm bản phối theo kiểu đo ni đóng giày cho ca sĩ mà chỉ tính sao cho nhẹ nhàng, văn minh và hợp lý để khán giả thấy dễ chịu, chứ không cố đưa cái mới vào làm phá vỡ hoàn toàn cái cũ. Khán giả nghĩ tôi phải công phu lắm nhưng tôi chỉ làm như những gì tôi nghĩ” - Hoài Sa chia sẻ. Nhạc sĩ từng được Tuấn Ngọc khen là “người dàn dựng, hòa âm số một Việt Nam” khẳng định, khi viết nhạc, anh không lo lắng tới thành công của chương trình mà chỉ nghĩ làm thế nào để phần âm nhạc được hay nhất.
Hòng Kiên là người giúp Tuấn Ngọc thực hiện đêm nhạc tại Nhà hát Lớn theo ước nguyện của danh ca ba năm về trước. |
Trong mỗi bài hát của Tuấn Ngọc, Hồng Kiên thường thổi kèn phần nhạc dạo, nghỉ giữa hay đoạn kết, không phá vỡ hoàn toàn kết cấu bản nhạc để phù hợp với tai nghe chung của người Việt. Giám đốc âm nhạc của chương trình khẳng định, anh đi theo thị hiếu của người trẻ nhưng luôn lấy thước đo khán giả ra để cân nhắc: “Tôi làm theo 50% sở thích của mình - 50% sở thích khán giả. Tuấn Ngọc vẫn hát như vậy nhưng tinh thần thay đổi. Tôi nhấn mạnh vào chữ tinh thần”. Màu sắc blues jazz của Hồng Kiên mà dàn nhạc dây tạo ra khiến chất nghệ thuật của đêm nhạc được đẩy cao, nhưng cũng yêu cầu ca sĩ phải có sự tập luyện công phu. Phần ngẫu hứng của Hồng Kiên và Anh Quân là sự hòa trộn tuyệt vời của guitar và saxophone.
Bản thân Tuấn Ngọc, khi đứng tại “Thánh đường nghệ thuật”, thực hiện giấc mơ ấp ủ nhiều năm, đã bày tỏ sự hài lòng về ban nhạc. “Êkíp gồm Hoài Sa, Anh Quân, Hồng Kiên, 6 nhạc công đàn dây từ Học viện Âm nhạc Quốc gia… là dàn nhạc tốt nhất tôi từng có. Nếu tôi giàu có, tôi sẽ mua Hoài Sa về chơi. Tôi muốn mua cả Hồng Kiên về thổi kèn cho tôi nghe nữa” - Tuấn Ngọc hài hước.
Sau hơn nửa thế kỷ hát, Tuấn Ngọc không còn hát bằng nội lực mà chủ yếu là bằng kỹ thuật. Sự thông minh của Tuấn Ngọc và các thành viên trong ban nhạc đã làm nên thành công của chương trình mà theo Ban tổ chức là “ngoài mong đợi”. Phần âm nhạc tưởng đơn giản nhưng lại cho thấy sự chuẩn bị cầu kỳ, tỉ mẩn.
Trước ba đêm diễn, Tuấn Ngọc đổ bệnh vì sự chênh lệnh nhiệt độ giữa Sài Gòn - Hà Nội, bản thân anh từng hát tại Không gian âm nhạc cách đó chưa lâu. Khán giả thủ đô cũng nổi tiếng là khó tính. Nhưng bỏ qua vài sơ sót nhỏ như trục trặc âm thanh, sự cố nhầm lời… thì Tuấn Ngọc đã vượt qua những sức ép để có một liveshow thỏa nguyện.
Clip |
Bài và ảnh: Ngọc Trần