Tối 8/9, đêm nhạc Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Gần 500 chỗ ngồi trong khán phòng kín người. Trước chương trình, một vài khán giả tiếc nuối vì không mua được vé.
Đêm nhạc bắt đầu lúc 20h. Khi những câu hát đầu tiên của ca khúc Làng quan họ quê tôi vang lên, người nghe vỗ tay rào rào. Chương trình tiếp tục đưa khán giả trở về không gian đồng quê qua các sáng tác như Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê, Tình ca bên một dòng sông, Tình ca hạt giống vàng, Non nước Cao Bằng...
* Anh Thơ hát "Khúc hát sông quê"
Các giọng ca như Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng... trình diễn theo lối giản dị, trữ tình. Ngoài các kỹ thuật thanh nhạc, họ vận dụng uyển chuyển lối hát đối, hát bè của dân ca để toát lên chất mộc mạc của tác phẩm. Giữa các phần hát là màn độc tấu các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo, nhị.
Các tiết mục trong chương trình đều được dàn dựng kỹ lưỡng. Những bài múa uyển chuyển, bay bổng đan xen, tái hiện hình ảnh liền anh liền chị, cô thiếu nữ mặc yếm đào hay những cô gái dân tộc trẻ trung, sôi nổi một cách sinh động. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá Nguyễn Trọng Tạo đã vẽ ra bức tranh làng cảnh Việt Nam rực rỡ, nhiều màu sắc, khiến người nghe "đã mắt, đã tai".
Nguyễn Trọng Tạo từng kể ông được đi nhiều vùng, từ nông thôn đến thành thị. Mỗi miền đất mang đến cho ông một trải nghiệm khác nhau nhưng nhạc sĩ chỉ thực sự rung động trước các làng quê Việt. Phần một của chương trình là câu chuyện về những vùng đất ấy, từ miền quan họ Bắc Ninh, quê lúa Thái Bình đến miền ngược Cao Bằng.
* Phương Anh hát "Con dế buồn"
Ngoài các bài hát đậm chất dân ca, Nguyễn Trọng Tạo còn giới thiệu các ca khúc hiện đại do ông sáng tác. Những ca khúc như Vầng mây bất hạnh, Con dế buồn... được viết theo giai điệu Pop, xen lẫn âm hưởng Jazz và R&B. Những sáng tác mới của ông dữ dội, máu lửa và ẩn chứa một cái "tôi" cô đơn. Nguyễn Trọng Tạo trải qua hai đời vợ nhưng đều tan vỡ. Hiện ông sống một mình. Thế nhưng ở tuổi 70, ông vẫn không ngừng sống, yêu và viết thơ tình. Nhạc sĩ từng chia sẻ: "Bọn trẻ chạy dài theo tôi không kịp".
Các nhạc phẩm ông sáng tác trong những năm gần đây mang màu sắc hiện đại rõ nét. Trong nhiều màn trình diễn, nhạc sĩ để violin độc tấu. Đây là nhạc cụ ông có nhiều kỷ niệm. Khi mới 12 tuổi, ông được một người làng dạy chơi violin. Sau đó, nhạc sĩ tự chế cho mình một chiếc và biểu diễn trước toàn trường.
Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện trên sân khấu trong một vài phần giao lưu, xen kẽ các tiết mục. Nhạc sĩ kể trong buổi tổng duyệt, ông không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. Ông nhắc lại chuyện tổ chức liveshow vì bị bạn bè xúi giục. Nhạc sĩ xem đây là hành động "trót dại" ở tuổi 70. Ông vui mừng chia sẻ đêm nhạc có sự góp mặt của nhiều đồng hương ở Diễn Châu - Nghệ An (quê gốc nhạc sĩ). Trước sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả, nhạc sĩ xúc động, nói chuyện đôi chỗ ngắt quãng. MC Lê Anh hài hước trêu ông "lớ ngớ" (từ trong bài thơ Cỏ và mưa của Nguyễn Trọng Tạo).
Giáng Son, Phú Quang - hai khách mời đặc biệt trong đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo
Nhà thơ Bình Nguyên Trang từng gọi Nguyễn Trọng Tạo là người mang thơ đi "ở đợ". Ông không tự phổ nhạc cho thơ của mình bởi quan niệm trong thơ đã có nhạc, ông không thích làm mất đi tính nhạc tự thân của nó. Nhiều sáng tác nổi tiếng của ông đều phổ từ thơ người khác: Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu), Làng quan họ quê tôi (thơ Nguyễn Phan Hách)... Thế nhưng, tác phẩm của ông lại được Phú Quang, Giáng Son phổ nhạc. Sự xuất hiện của Giáng Son và Phú Quang trên sân khấu cho thấy một Nguyễn Trọng Tạo khác. Đó là một nhà thơ dữ dội, máu lửa trong tình yêu, cuộc sống. Điều này được thể hiện qua hai sáng tác: Một dại khờ, một tôi và Cỏ khát.
Trên sân khấu, nhạc sĩ Giáng Son kể tình bạn của cô và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bắt đầu từ cuối những năm 1900. Cô may mắn được ông tặng tập thơ Đồng dao cho người lớn. Nữ nhạc sĩ ngay lập tức ấn tượng với bài thơ Cỏ và mưa. Tuy nhiên, bài thơ chỉ dài bốn câu. Sau khi phổ nhạc, Giáng Son phải nhờ nhạc sĩ viết lời cho đoạn điệp khúc. Nguyễn Trọng Tạo hài hước: "Giáng Son phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo rồi Nguyễn Trọng Tạo lại phổ nhạc Giáng Son".
* Năm dòng kẻ hát "Cỏ và mưa"
Nhạc sĩ Phú Quang là người tự đệm đàn, trình diễn ca khúc Một dại khờ, một tôi. Ông tự trào rằng mình là "điểm mới" của chương trình bởi từ đầu, khán giả đều được thưởng thức các giọng ca hay. Nhạc sĩ nhận ông là người hát dở duy nhất trong đêm nhạc.
* Ca khúc "Một dại khờ, một tôi"
Liveshow Nguyễn Trọng Tạo kết thúc lúc 22h30. Nhiều bạn bè thân thiết của ông như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cùng khán giả ùa lên sân khấu chúc mừng nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc khi được góp mặt trong đêm nhạc đầu tiên của Nguyễn Trọng Tạo". Ông đánh giá chương trình mang lại cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bày tỏ ông thích cách trình diễn, dàn dựng, phối phí các ca khúc đậm chất dân ca. Liveshow cũng khắc họa nên chân dung Nguyễn Trọng Tạo qua các ca khúc của ông. "Tôi rất thích bài Con dế buồn", ông Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.
* Một số hình ảnh trong đêm nhạc
Hà Thu