- Cuộc sống thời dịch của chị ra sao?
- Tôi ở miền Nam California như bao năm qua, vẫn tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Mỗi sáng thức dậy, tôi tập thể dục, dành thời gian hít thở không khí trong lành rồi chăm sóc vườn hoa, cây cảnh quanh nhà - như thói quen lâu nay.
Hai năm rồi, tôi chưa trở lại sân khấu dù một số nơi mời hát. Một phần vì dịch bệnh, phần vì muốn mình luôn trong phong độ tốt nhất mỗi lần xuất hiện. Ngay cả trước dịch, tôi vẫn chọn lọc sự kiện khi được mời biểu diễn. Tôi không muốn chỉ đơn thuần đến hát, nhìn công chúng vỗ tay rồi đi về mà thích ngồi lại, cùng họ cảm nhận những ý niệm về tình yêu, cuộc sống với âm nhạc. Do vậy, khi dịch bùng phát, tôi không ôm nỗi lo về tương lai, vẫn luyện thanh mỗi ngày bên cây đàn piano. Cuộc đời tôi giờ có thể gói gọn trong hai chữ "đủ đầy", cả về đời sống vật chất lẫn tình cảm.
- Điều gì khiến chị cảm thấy đủ đầy trong tình cảm?
- Sau những năm tháng trống trải, tôi tìm được bến đỗ cuộc đời. Bảy năm đầu từ lúc anh Phương mất (năm 1999), tôi không thể chấp nhận nỗi đau, không còn muốn đi hát. Một thời gian dài, tôi vật vờ, thậm chí từng tìm cách tự tử. Bạn trai hiện tại - anh Phạm Khôi Nguyên - đến với tôi như một định mệnh. Anh là đại úy phi công trực thăng. Chúng tôi gặp lần đầu năm 2005 ở một đại hội không quân tại Mỹ - khi tôi tới hát cho sự kiện. Ngồi chung bàn, anh giới thiệu vốn là fan của tôi. Lúc đó, tôi không mấy ấn tượng với anh, ngoài chuyện trông anh nam tính, to cao nhưng tính tình từ tốn, hiền lành.
- Anh chinh phục chị ở những điểm gì?
- Ba ngày sau khi gặp, anh ngỏ lời, nói yêu tôi từ cái nhìn đầu tiên. Mất một thời gian dài, tôi mới dần có cảm tình với anh. Anh sống giản dị, đặc biệt rất hay kể chuyện tiếu lâm. Ở bên anh, tôi cười suốt ngày, không biết buồn là gì. Những năm gần đây, anh lo mọi thứ cho cuộc sống vững vàng để tôi thoải mái, tự do ca hát. Cũng như tôi, anh yêu âm nhạc, chúng tôi còn thu âm chung CD.
Anh râu ria xồm xoàm, là võ sư Vovinam nhưng rất hay làm thơ. Tôi nhớ mãi bài thơ anh viết tặng: "Mười năm quy ẩn mong tìm Phật/ Nghe 'phá Tam Giang' ngộ bất ngờ/ Cô láng giềng ơi, em có thật/ Hay từ tiền kiếp, thoáng qua mơ". Anh lấy cảm hứng từ tên hai bài tôi hát hôm đầu gặp anh. Bạn nghĩ thử xem, một người đàn ông như vậy, làm sao không thể yêu (cười)? Chúng tôi không kết hôn vì quan niệm đã gắn bó như thế, hôn nhân chẳng qua chỉ là thủ tục. Sống hạnh phúc cùng nhau từng ngày, như thế đã là quá đủ.
Anh còn dành sự trân trọng tuyệt đối cho người chồng quá cố của tôi. Những lúc tôi vắng nhà, anh thay tôi dọn dẹp bàn thờ, lau bụi di ảnh anh Phương. Tôi sống duy tâm nên tin rằng một mặt nào đó, anh Phương đã chọn anh để chăm sóc tôi suốt quãng đời còn lại. Ngày tôi gặp anh lần đầu cũng là ngày giỗ anh Phương.
- Chị lưu giữ những ký ức nào về nhạc sĩ Phương?
- Về mọi thứ. Tôi và anh quen nhau khi tôi mới là nữ sinh 15 tuổi lên Đà Lạt học. Chúng tôi đều là tình đầu của nhau. Ngày ấy, nhà tôi và chỗ anh sống chỉ cách một căn. Tôi được nhiều người theo đuổi, còn anh hơn tôi 11 tuổi, trông xấu trai nhưng ánh mắt rất đáng yêu. Anh thường đứng ở gốc mít nhà bên, hay nhìn trộm tôi.
Tôi cũng nhớ như in buổi tối hẹn hò đầu tiên với anh. Hôm đó, anh đưa tôi đi nghe nhạc, chơi tặng tôi violin bản Con thuyền không bến. Khi anh quay lưng, tôi nhận ra chiếc quần anh có hai miếng vá chằng chịt, to bằng bàn tay. Lúc đó, tôi nghĩ: "Mình phải yêu người này thôi. Mình là con nhà giàu nhưng lại bất tài, còn anh ấy nghèo, xấu nhưng tài năng biết mấy". Tôi còn khắc ghi hình ảnh căn nhà ở số 18, Võ Tánh, Đà Lạt sau bao năm xa cách. Vẫn bảng số nhà, màu sơn ấy, vẫn là cây cầu thang ọp ẹp phủ bụi mờ. Hai năm qua, nhờ nghỉ hát, tôi ôn dòng ký ức xưa cũ đó để viết hồi ký.
- Kế hoạch ra mắt hồi ký của chị thế nào?
- Tôi đã hoàn thành được khoảng 60%. Rất may, khi sang đây, tôi mang theo tất cả tấm hình từ lúc mới quen đến khi anh Phương qua đời. Sách sẽ giới thiệu nhiều bức ảnh lần đầu công bố của bộ đôi Lê Uyên Phương, như khoảnh khắc đi lưu diễn cùng Phạm Duy. Tôi dự định phát hành bản tiếng Anh và tiếng Việt. Tác phẩm dù chưa viết xong đã được đặt hàng trước 1.000 cuốn để giới thiệu trong một số thư viện. Tôi cũng thực hiện song song những đoạn phim ngắn tư liệu về chân dung anh Phương, phát Youtube cho khán giả trẻ muốn tìm hiểu về cuộc đời anh.
- Chị còn tâm nguyện nào trong âm nhạc?
- Năm sau, tôi dự định về nước thực hiện tour diễn ở các đại học trên cả nước. Tôi muốn tái hiện những ngày tháng tươi đẹp của một thuở ca hát bồng bềnh bên tiếng đàn anh Phương, ở sân trường, trước các bạn sinh viên Văn khoa, Luật khoa, Sư phạm... thập niên 1970. Tôi muốn sống lại quãng thời gian chúng tôi có nhau và tin rằng dòng nhạc Lê Uyên Phương vẫn âm ỉ chảy sau hàng chục năm anh đi. Tôi chọn Quang Thành làm bạn đồng hành vì cảm nhận sự đam mê, nghiêm túc với nghề của một nghệ sĩ trẻ, có thể giúp những ca sĩ thế hệ đi trước như tôi truyền "lửa" tới khán giả đương đại.
Sao bao năm, tôi tin giọng hát mình chưa nhuốm màu thời gian. Một lần, Quang Thành đến nhà thăm, đúng vào dịp tôi luyện thanh. Không biết có khách tới chơi, tôi vẫn mải mê hát. Vừa dứt bài, Thành nhận xét chất giọng tôi vẫn như lần đầu cậu ấy được nghe. Tôi mừng lắm, bởi một khi tiếng hát vẫn còn đây, tôi vẫn sẽ gắn bó dài lâu với công chúng, dù không có anh Phương bên cạnh.
- Ở tuổi gần 70, chị làm thế nào để giữ dung nhan?
- Nhiều người quen gần đây hỏi tôi có đi sửa sắc đẹp không. Tôi bật cười và nói: "Trời ơi, nếu muốn sửa sang, tôi đã làm từ mấy chục năm trước". Tôi ăn uống và tập tành kỹ lưỡng, chủ yếu ăn rau, tránh thực đơn thừa dinh dưỡng. Ngoài ra, tôi sống như anh Phương tâm niệm: đơn giản và học cách chấp nhận. Không mưu cầu, tham vọng, tôi hạnh phúc với những gì đang có.
Lê Uyên Phương là nghệ danh chung của nhạc sĩ Lê Minh Lập (1941-1999) và ca sĩ Lê Uyên (tên thật là Lâm Phúc Anh, sinh năm 1952). Lê Uyên Phương nổi tiếng với loạt tình khúc tại Sài Gòn trước năm 1975, như "Dạ khúc cho tình nhân", "Lời gọi chân mây", "Vũng lầy của chúng ta", "Cho lần cuối", "Hãy ngồi xuống đây"... Âm nhạc Lê Uyên Phương bàng bạc triết lý nhưng vẫn gợi cảm giác gần gũi về niềm hạnh phúc, sự chia ly. Nhiều ca sĩ hát nhạc của Phương, nhưng đến nay, người được xem thể hiện thành công nhất chính là vợ ông - Lê Uyên. Giống như Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương là bộ đôi tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam. Năm 1999, nhạc sĩ qua đời vì ung thư phổi ở California, Mỹ.
Mai Nhật