- Làm đạo diễn, đóng rất nhiều phim nhưng cái tên Bùi Cường luôn gắn liền với nhân vật Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ông nói sao về điều này?
- Tôi cho đó là một may mắn của đời mình. Diễn viên nào cũng ao ước có một vai diễn để đời, được khán giả gọi bằng tên nhân vật mỗi khi xuất hiện. So với bạn bè cùng học khóa hai, lớp diễn viên trường Nghệ thuật Điện ảnh, tôi không phải người có thế mạnh về ngoại hình nên cơ hội tìm được vai diễn hay rất ít. Hồi đó, sau khi đã chọn diễn viên chán chê, cuối cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa quyết định giao vai Chí Phèo cho tôi vì cho rằng ngoại hình, gương mặt và chiều cao của tôi rất hợp với tướng tá một anh lực điền. Tôi thấy vui mừng nhưng cũng vô cùng áp lực vì trước khi bước vào phim. Chí Phèo đã là một nhân vật điển hình của văn học.
Trong sự nghiệp diễn xuất, tôi luôn mang ơn đạo diễn Phạm Văn Khoa và nhà văn Nam Cao. Sự sáng tạo nghệ thuật của cả hai đã giúp tôi có được vai diễn để đời như ước nguyện.
- Nhắc về vai diễn này, điều gì khiến ông nhớ nhất?
- Tôi thử uống thật nhiều rượu để biết cảm giác của người say nhưng không ăn thua. Sau cùng tôi luyện cách tập trung nhìn một ngón tay thành hai ngón để tạo ánh mắt đờ đẫn. Tôi để ý thấy ai nhập vai say cũng nhắm mắt, chân đi vắt chéo loạng choạng rồi nói lè nhè. Làm vậy trông "kịch" lắm. Tôi tập cho Chí Phèo của mình tướng đi dạng chân khật khưỡng. Khó nhất với tôi là làm sao tạo cho nhân vật của mình một giọng cười có một không hai của kẻ say. Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, tôi chợt nảy ra ý tưởng Chí Phèo khi bị đẩy vào đường cùng khác nào một con chó cắn càn. Do đó khi diễn, tôi cười khùng khục giống chú chó bị hóc xương.
Bình thường Chí Phèo suốt ngày chửi bới. Tôi nghĩ lên phim mà như vậy không nhân văn cho lắm. Tôi bèn xin đạo diễn cho nhân vật của mình hát. Khi đó tôi nhớ tới lời hát ru từ bà vú nuôi của con gái mình: "Tình tính tang, anh đang rang tép, anh thấy cô mình đẹp, anh đổ tép đi...". Không ngờ chi tiết đó trở nên hiệu quả trong phân đoạn Chí Phèo ngồi mơ về một mái ấm hạnh phúc.
Sở dĩ tôi phải đầu tư kỹ cho nhân vật như vậy vì thời đó kinh phí có hạn. Mỗi cảnh chỉ được quay tối đa hai ''đúp" vì quay nhiều rất lãng phí tiền tráng phim.
- Trong điều kiện làm phim như vậy, thù lao của diễn viên chính như ông được trả ra sao?
- Nói thật, thời đó chúng tôi làm phim vì đam mê, thù lao nhận về chỉ đủ để trả tem phiếu. Tôi nhớ hồi đó giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" cho vai Chí Phèo được một triệu đồng. Số tiền đó đủ để đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn nhận giải thưởng và chiêu đãi bạn bè, đồng nghiệp.
Bù lại, vợ và các con tôi rất tự hào vì vừa có người thân là diễn viên vừa được cải thiện bữa ăn do tem phiếu được phân phối nhỉnh hơn một chút nhờ khoản "bồi dưỡng thanh sắc". Khi đó, mỗi tháng tôi được 15 kg gạo. Gọi là gạo nhưng nó bao gồm cả gạo và bột mì. Ngày đó chưa biết cán mì sợi hay làm bánh như bây giờ nên bột mì chỉ được vo tròn thả vào nước sôi rồi vớt ra ăn. Thịt chỉ mong lấy được miếng nhiều mỡ về rán lấy tóp và mỡ nước để xào rau. Thời đó, nhà tôi cũng như mọi gia đình công chức Hà Nội khác, thường xuyên ăn cơm độn khoai sắn. Nhờ có tiêu chuẩn nghệ sĩ của tôi mà cả nhà được "tự hào" hơn hàng xóm.
- Ông chăm lo thế nào cho gia đình với thu nhập không cao?
- Tôi may mắn có được người vợ yêu, hiểu chồng và biết thu vén gia đình. Trong thành công của tôi không thể thiếu sự hy sinh của vợ. Từ một công chức ngành dược, cô ấy nghỉ việc ra ngoài buôn bán đủ thứ để lo cho chồng và con, từ bán cà phê đến nhận may gia công quần áo. Nhờ vậy tôi mới yên tâm ra Bắc vào Nam đóng phim liên tục những năm 1980. Sau Chí Phèo tôi còn có nhiều vai diễn đáng nhớ trong các phim Biệt động Sài Gòn, Không có đường chân trời, Kẻ giết nguời...
- Đầu những năm 1990, ông không đóng phim mà chuyển qua làm đạo diễn. Vì sao vậy?
- Những năm 1990 là thời kỳ điện ảnh Việt Nam trầm lắng, diễn viên không có nhiều phim để đóng. Mà không làm phim, tôi chẳng biết làm gì. Tôi chỉ đam mê điện ảnh. Ngày đó dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, tôi quyết không bỏ nghề trong khi các bạn cùng lứa nhiều người từ bỏ nghiệp diễn.
Cảm nhận mình có tố chất đạo diễn, tôi đánh liều bỏ tiền làm phim. Khi tôi làm phim đầu tay Anh hùng râu quặp, nhiều người bảo tôi dở hơi. Họ nói tôi có tiền không đi đầu tư đất mà "chơi ngông" đi làm phim. Tuy nhiên tôi tự tin vào khả năng của mình, quan trọng hơn vợ tôi hết lòng ủng hộ quyết định này. Rất may bộ phim gây tiếng vang vào thời điểm đó, đưa tên tuổi nghệ sĩ hài Minh Vượng đến với công chúng. Trên đà đó, tôi Nam tiến đạo diễn nhiều bộ phim "mỳ ăn liền" như: Chuyện tình một ngôi sao, Kẻ cướp cô dâu... Sau đó, VTV3 có chương trình "Văn nghệ Chủ nhật", tôi bắt đầu sự nghiệp làm phim truyền hình từ đó. Hiện tại tôi đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn để làm đạo diễn.
- Ông đánh giá sao về thực trạng làm phim hiện nay so với thời kỳ 1980 - 1990?
- Tôi thấy làm phim bây giờ khó hơn thời trước rất nhiều. Đạo diễn luôn phải đảm bảo ba yếu tố: chất lượng, tiến độ nhanh, kinh phí rẻ trong khi diễn viên nhiều nhưng ít người biết cảm nhận vai diễn. Do tôi đã kinh qua nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên nên vẫn điều tiết được ba yếu tố trên.
- Trăn trở lớn nhất của ông với nghệ thuật là gì?
- Khát vọng của tôi về một bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa, mang giá trị nhân văn sâu sắc nhiều năm nay vẫn chưa thành hiện thực. Từ lâu tôi ấp ủ làm một bộ phim liên quan đến cố nhà văn Nam Cao. Tôi đặt tên phim là Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc. Trong phim tôi đề cập đến mâu thuẫn trong gia đình, xã hội quanh việc tranh giành đất đai. Tôi sẽ đặt nhân vật chính vào trong những bối cảnh đối lập và đẩy kịch tính lên tới mức khốc liệt. Các hình thức diễn xướng dân gian như Ca trù, Ả đào, hát Xẩm... sẽ được sử dụng làm âm nhạc chính trong phim. Nếu thực hiện được bộ phim này, coi như tôi đã hoàn thành tâm niệm cuối đời.
Châu Mỹ thực hiện