Buổi tọa đàm giới thệu cuốn “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh diễn ra mới đây tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học như: Nguyễn Huy Thiệp, PGS- TS Ngô Văn Giá, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Sương Nguyệt Minh...
Kỳ nhân làng Ngọc là tập truyện ngắn gồm 14 truyện, lấy bối cảnh một làng quê vùng Kinh Bắc, cũng chính là quê hương của tác giả. Nhưng “làng Ngọc” không phải là một ngôi làng cụ thể. Trong đó ẩn chứa đủ mọi thân phận từ kẻ bần cùng cho đến người đức cao trọng vọng. Dù là ai, họ cũng phải chịu những biến đổi to lớn cuả thời cuộc, nhất là thời kỳ sau đổi mới.
Trần Thanh Cảnh sinh ra và lớn lên ở Thuận Thành, Bắc Ninh, là một dược sĩ, tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội. Bước vào nghề khá muộn, hơn 40 tuổi mới bắt đầu cầm bút nhưng tác giả đã sớm để lại dấu ấn riêng. PGS Ngô Văn Giá nhận xét: “Trần Thanh Cảnh vào nghề muộn nhưng chín sớm”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: "Là một người từng trải và va vấp nhiều, Trần Thanh Cảnh đến với văn chương như một cứu cánh. Văn học trước thời kỳ đổi mới luôn chạy theo những cái bất thường, còn văn học sau đó tìm về những cái bình thường, hay cái đạo của đời thường. Và Nguyễn Thanh Cảnh là người đã phát hiện ra một trong những cái đạo ấy"
Là một người đã đọc văn của Trần Thanh Cảnh từ những buổi đầu, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: “Nguyễn Thanh Cảnh là một nhà văn mạnh về đời sống. Anh đã thu nạp hết hiện thực, đến một thời điểm thích hợp cho nó vỡ òa trong con chữ. Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh mang tầm vóc của một tiểu thuyết. Hiện thực được dồn nén, cô đọng đến cực điểm. Các nhân vật trong tác phẩm vừa có chất người vừa có gì đó quái quái. Cái kết của một số truyện ngắn khiến người ta xót xa nhưng lại rất nhân văn”.
Kỳ nhân làng Ngọc đã được NXB Trẻ phát hành trong tháng 3.
Quỳnh Anh