* Bài viết tiết lộ một phần nội dung kịch
Tác phẩm mới nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh do Thành Hội và Ái Như đạo diễn, ra mắt đầu năm, dự kiến kéo dài đến hết tháng 3. Suất diễn sớm ngày 1/1 bán hết vé trước một ngày, 400 chỗ ngồi trong khán phòng được lấp đầy.
Câu chuyện lấy bối cảnh tại một gia đình khá giả, làm nghề dệt may vải thổ cẩm ở Phan Rang. Trung (Thế Hải - Ma Ran Đô) - con trai của ông Lạc (Thành Hội) và bà Phụng (Ái Như - Tuyết Thu) - sống bên gia đình cùng Hoàng (Công Danh), anh trai cùng cha khác mẹ. Cuộc sống yên bình của họ bỗng chốc bị đảo lộn khi Minh (Hoài Thương) - người bạn thuở nhỏ của hai anh em - tìm thấy một bức tượng kỳ lạ. Kể từ đó, mọi thứ trong nhà trở nên rối rắm.
Màu sắc tâm linh được tác giả thêm thắt nhằm làm mới vở kịch mang đề tài gia đình. Phía sau bức tượng mang hình dáng một người đang ngồi bó gối, miệng há to như kêu gào, than khóc là những bí mật mà các nhân vật muốn che giấu. Khi phát hiện bức tượng bị ếm bùa ngải, có người bất an, tìm cách hóa giải lời nguyền, nhưng cũng có người muốn tìm ra sự thật.
Sức hút của vở kịch còn nằm ở sự đối đầu liên tục giữa các nhân vật. Bề ngoài ông Lạc - bà Phụng là một gia đình khá giả, êm ấm, nhưng bên trong mỗi thành viên luôn xuất hiện xung đột. Họ đều có nỗi lo riêng, một bên tìm cách giải quyết sự cố, đồng thời cố che đậy tội lỗi trong quá khứ bằng nhiều cách. Còn một bên muốn bóc tách sự thật đang bị các thành viên khác che giấu. Tuy nhiên, càng giấu giếm, thành viên trong nhà càng bị bức tượng "trừng trị".
Bên cạnh những yếu tố tâm linh gây tò mò, tác phẩm mang đến thông điệp về trách nhiệm của các thành viên trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Mỗi người phải chấp nhận lỗi lầm, biết thông cảm và tha thứ cho nhau. Ở hồi kết, đạo diễn lồng ghép tình mẫu tử thiêng liêng để khép lại vở kịch.
Diễn xuất của dàn diễn viên gây ấn tượng. Công Danh trong vai Hoàng khắc họa tốt tâm trạng của đứa con loay hoay trong hành trình tìm kiếm người mẹ bỏ rơi mình. Anh lột tả sự bức xúc trong cảnh nhân vật đối thoại với cha về đạo đức làm chồng.
Dàn diễn viên phụ tận dụng tối đa đất diễn. Khánh Vân (vai vú Liên) tạo cảm giác nguy hiểm thông qua dáng đi, nét mặt. Huỳnh Thiện Trung (vai thầy bùa Chín Chuối) cho thấy diễn xuất thực lực. Hoài Thương diễn tròn vai Minh. Về cuối vở kịch, cô tạo được sự đột phá, gây bất ngờ cho khán giả.
Tác phẩm là một trong số ít vở tại Hoàng Thái Thanh có nữ chính là nhân vật phản diện, do Ái Như và Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Thu luân phiên thể hiện. Vai Phụng đòi hỏi diễn viên phải thể hiện được nội tâm phức tạp. Phụng là người phụ nữ mang theo nỗi ám ảnh về một sự kiện của 25 năm trước. Quá khứ đó luôn đeo bám bà đến cả trong những cơn mơ và bằng mọi cách, Phụng tuyệt đối không thể để lộ bí mật.
Ngoài Phụng, Ái Như còn đảm nhận vai thầy bùa Chín Chuối cùng diễn viên Hùynh Thiện Trung. Hai nhân vật có ngoại hình, tính cách hoàn toàn trái ngược. Ở nhân vật Chín Chuối, Ái Như "lột xác" thành bà thầy bùa có nỗi niềm riêng. "Đây là vai phụ, song cũng là nhân vật then chốt hóa giải nút thắt cho toàn bộ vở kịch", Ái Như nói.
Kịch bản do nhóm tác giả Huỳnh Trúc Anh (Huỳnh Công Hiển, Hồng Trúc, Lê Anh) viết. Nội dung vở kịch tạo không khí gay cấn, nhiều tình tiết liên kết chặt chẽ nhưng Hoàng Thái Thanh chưa thật sự đột phá trong cách kể chuyện. Êkíp đầu tư kỹ lưỡng về sân khấu, âm nhạc, ánh sáng... giúp chạm đến cảm xúc người xem.
Trước Trái tim oan khuất, sân khấu Hoàng Thái Thanh thêm thắt chi tiết ma mị vào các vở như Con ma nhà họ Hứa, Bàn tay của trời... Trong lần trở lại này, nội dung mang đậm nét rùng rợn với nhiều tình huống khiến khán giả hồi hộp, tạo suy đoán.
Tết 2023, ngoài vở diễn mới, sân khấu sẽ diễn thêm hai suất Mùi của hạnh phúc và một số kịch theo yêu cầu của khán giả như Nửa đời ngơ ngác, Bạch Hải Đường, Bông hồng cài áo...
Quế Chi