Sau một thời gian chuẩn bị, vở sân khấu đầu tay của đạo diễn Việt Linh và Phạm Hoàng Nam ra mắt khán giả trong ba đêm, từ 14 đến 16/2 tại Nhà hát TP HCM. Nội dung, phong cách của kịch mang điểm nhấn khác biệt so với bối cảnh chung của sân khấu tại thành phố nhiều năm qua.
Dù chưa hẳn xuất sắc như sự kỳ vọng của nhiều người, vở là điểm sáng, một nét thâm trầm, sâu sắc giữa sự náo nhiệt của sân khấu Sài Gòn hôm nay khi thể hiện phong cách chính kịch bao hàm nhiều vấn đề xã hội...
Sàn diễn Thiên Thiên được dựng mang tính ước lệ với phông màn, bục bệ khá đơn giản. Vì thế, điểm nhấn của tác phẩm không nằm ở khâu thiết kế mà ở lời thoại, những màn đối đáp giữa các nhân vật. Mỗi cuộc đối đáp đều có các câu thoại xoáy vào lòng người, đòi hỏi khán giả suy ngẫm.
Việc lấy lời thoại làm trọng tâm tạo cho các nghệ sĩ một áp lực khá lớn. Nhất là khi việc nghệ sĩ quên thoại không còn là chuyện hiếm. Bao năm qua, nhiều diễn viên cũng quen với loại hình kịch sinh hoạt, kịch hài... Do đó, với Thiên Thiên - một vở diễn đòi hỏi sự chiêm nghiệm trong từng lời phát ra - không ít nghệ sĩ ngay từ đầu bày tỏ với đạo diễn sự hoang mang, lo lắng, thậm chí không tin mình có thể nhập tâm vào những lời thoại dài, quá nhiều cảm xúc như thế.
Trên sàn tập, nghệ sĩ Cát Tường phải diễn đi diễn lại nhiều lần mới khiến đạo diễn tạm thấy hài lòng ở cảnh nhân vật của chị ngẩng cao đầu nói với ông chủ: "Cháu xin lỗi chú, chuyện mà chú cứ khăng khăng rằng cháu ăn cắp cũng giống như ai đó vô tâm đái xuống sông. Sông không vì vậy mà dơ đâu chú. Ngoại cháu nói, lòng sông rộng lắm".
Để vào vai ông Teng Beng, nghệ sĩ Lê Bình cũng phải vượt qua chính mình để thoát đi lối diễn xuất quen thuộc trước đây của ông. Có thể còn có nhận xét Lê Bình nhập vai này chưa sâu, nhưng với bản thân nghệ sĩ, có lẽ ông đã vượt qua chính mình. Thanh Thủy còn bê nét diễn hài tếu táo vốn có của chị vào vai bà Si. Vai này lẽ ra còn có thể đào sâu với sự chua cay, đáo để và rỗng tuếch qua nét diễn trầm hơn, ít ồn ào hơn...
Với cấu trúc "chuyện lồng trong chuyện", "kịch lồng trong kịch", tác phẩm sân khấu kéo dài gần hai giờ đồng hồ được dựng nên từ những mảnh vỡ, lát cắt của cuộc sống ồn ào. Mỗi mảnh vở chứa đựng một số phận. Chúng có điểm chung là bị hút về phía Thiên Thiên - một người đàn bà cô độc làm nghề xếp hạc giấy, kiêm công việc chuyên nghe người ta tâm sự bí mật đời tư.
Với thủ pháp điển hình hóa, mỗi nhân vật tìm đến Thiên Thiên trong vở này không chỉ đại diện cho hoàn cảnh riêng của họ mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho những tầng lớp, những loại người khác nhau. Đó là ông Teng Beng mang "vô số khuôn mặt". Ông ta rách nát và nhàu nhĩ trong tâm hồn, tư cách nhưng lại khoác bộ mặt hạnh phúc, đạo đức. Đó là bà Si, cả một đời chỉ biết si mê tiền bạc, ôm nỗi bất hạnh là không thể hiểu được ông chồng làm "nghề trí thức" của mình. Đó là Trầm Luân, một kẻ cơ hội chính hiệu, thăng tiến bằng nịnh hót, bợ đỡ. Hắn luôn mang trong mình bi kịch sợ người khác giỏi hơn mình...
Một góc thế hệ trẻ bị vô cảm trước cuộc đời vì sống trong sự thiếu thốn, quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương của gia đình cũng được tái hiện qua hình ảnh hai cô gái trẻ tìm đến ngôi nhà của Thiên Thiên; hình ảnh một cô đầy tớ gái dạy cho ông chủ bài học về lòng tự trọng; hình ảnh một người vợ tuyệt vọng khi sống trong sự dối trá của chồng... Tất cả đều là những con người thấp cổ bé họng muốn tìm ra lối thoát cho cuộc sống.
Hơn ai hết, đạo diễn Việt Linh hiểu rõ, chỉ với ba đêm, nghệ sĩ vẫn chưa kịp thấm thật sâu vào nhân vật và khán giả cũng chỉ kịp "cưỡi ngựa xem hoa" để thưởng thức tác phẩm. Nhưng để duy trì cuộc chơi nghệ thuật này được dài lâu là một thách thức lớn với những người thực hiện. Bởi không phải lúc nào họ cũng hội đủ các yếu tố về thời gian, tâm sức, tiền bạc...
Thất Sơn
Ảnh: Đại Ngô