Đêm nhạc "Gọi tên bốn mùa" của nữ danh ca hải ngoại diễn ra ở Hà Nội. Trong chương trình, bà cùng bốn ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Uyên Linh mang đến một câu chuyện âm nhạc đong đầy cảm xúc.
Đêm nhạc diễn ra đúng như phong cách của Khánh Ly lâu nay - vừa sâu lắng, tĩnh tại cũng vừa dạt dào những tình cảm với đời, với người. Bà vẫn cho thấy cách xử lý ca khúc thông minh, chất giọng đậm tính tự sự. Qua âm nhạc, bà ý nhị trò chuyện cùng khán giả về cuộc đời và nhân sinh quan của mình.
Ở tuổi 70, trải qua rất nhiều thăng trầm, vui buồn, Khánh Ly đứng trên sân khấu Hà Nội với hình ảnh "người đàn bà hát". Bà dường như nén nỗi buồn của mình trong dáng đi chậm rãi, trong mái tóc ánh màu muối tiêu và bộ áo dài đen tuyền. Những nét nhăn trên khuôn mặt càng in hằn hơn khi Khánh Ly cất tiếng hát. Cả show diễn, Khánh Ly mặc hai bộ áo dài - màu đen và màu tím - theo đúng di nguyện của chồng. Ông từng dặn bà đừng mặc áo hoa, chỉ nên mặc áo đơn sắc. Bà đã chọn màu đen để dành tưởng nhớ ông, còn màu tím là tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu và âm nhạc.
"Con người ta tưởng đi được vách sầu này là hết nhưng cuối cùng lại gặp một phải vách sầu khác", lời nói mở đầu cho ca khúc Đời đá vàng như nói hộ những đau thương của nữ ca sĩ đang nặng trĩu trong lòng. Trong buổi họp báo trước chương trình, Khánh Ly từng nhắc về người chồng cùng thói quen mỗi chiều ngồi chờ ông trở về nơi cửa nhà, dù ông không còn. Nỗi niềm này gợi ý tưởng cho bà hát về cuộc đời của mình, về những vòng xoay bốn mùa sắp tới khi không còn người yêu thương nhất bên cạnh. "Cho tôi được xin, xin với đất trời, hát những ca khúc về mỗi mùa", danh ca giãi bày.
Đêm nhạc mở màn bằng năm ca khúc của Trịnh Công Sơn: Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng, Chiếc lá thu phai, Dấu chân địa đàng và Biết đâu nguồn cội. So với hai lần trước hát ở Hà Nội, ở phần đầu chương trình, giọng Khánh Ly phần nào bớt đi nội lực. Nguyên nhân là do âm thanh có lẫn tạp âm và cũng một phần do sức khỏe của bà đã sụt giảm trông thấy. Thậm chí, bởi quá xúc động, ban đầu bà hát trật nhạc và phải xin lỗi ban nhạc cũng như khán giả ngay khi ca khúc kết thúc.
Càng về sau, danh ca lấy lại phong độ, hát nhuần nhị và thấm hơn. Đến cuối chương trình, Khánh Ly thực sự thăng hoa. Giữa những luyến láy, Khánh Ly đủng đỉnh "chơi" lối hát nói đặc trưng - xuống hẳn âm thanh để nhiều lời hát trở thành câu nói nhưng vẫn giữ được nhịp điệu của ca khúc.
Nữ nghệ sĩ dẫn dắt đêm nhạc bằng những mẩu chuyện nhỏ qua chất giọng thủ thỉ. Khi vừa ra sân khấu, bà nghẹn ngào: "Tôi không nghĩ là tôi trở về Hà Nội sớm như vậy. Về đây lần này, tôi cảm thấy được an ủi bởi tấm lòng của các anh chị, các bạn trẻ. Những an ủi hỏi han rất ân cần khi thấy tôi đến Hà Nội một mình. Tôi tin một điều, tấm lòng tất cả anh chị hôm nay sẽ làm cho trái tim của tôi ấm áp. Tôi rất mong được trở lại và được hát để thấy mùa thu Hà Nội đẹp như thế nào, như những nhạc sĩ đã viết về Hà Nội cách đây 50 hay 60 năm...".
Dấu ấn về tuổi tác, về những hoài niệm của đời người cũng được bà kể lại. Trong những dòng tâm sự đó, bà không quên kỷ niệm đẹp với người tri kỷ trong âm nhạc - Trịnh Công Sơn.
"Có những lúc, nửa đêm thức dậy, tôi chợt thấy mình đã già. Ai cũng rồi đến tuổi đó. Đó là nơi chúng ta sẽ gặp nhau khi tóc đã bạc. Ở công viên, đặc biệt vắng người, có những đôi tình nhân tóc bạc phơ ngồi lặng im cạnh nhau đến khi chiều xuống. Tôi thường nhìn theo hai bóng đó đi dần xa. Trong tôi chỉ còn lại hình ảnh một ngày nào đó chỉ còn lại một mình mình, tóc bạc trắng, đi một mình trong chiều để nhìn những lá thu rơi phai tàn trên hè phố. Có lẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng yêu mùa thu và ông cũng cảm nhận thấy, một lúc tóc ông sẽ bạc như thế, tóc tôi cũng sẽ bạc như thế và hai anh em sẽ chẳng bao giờ còn có những giây phút đi cùng với nhau trong mùa thu".
Ngoài các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly dành không ít thời gian thể hiện ca khúc nổi tiếng của những nhạc sĩ tên tuổi Phú Quang, Lam Phương, Phạm Duy, Vũ Thành An...
Đêm nhạc mang nhiều màu sắc hơn khi bốn ca sĩ thế hệ đàn em của Khánh Ly lần lượt xuất hiện trên sân khấu. Trong số khách mời, Uyên Linh trẻ nhất nên được chọn tượng trưng cho mùa xuân. Cô xuất hiện trên sân khấu ngay sau Khánh Ly và hát những tình khúc nồng nàn như Yêu của Văn Phụng, Xin thời gian qua mau của Lam Phương.
Mỹ Linh và Hồng Nhung hát những ca khúc về mùa hạ và mùa thu. Mỹ Linh thể hiện ca khúc Rừng xưa đã khép và bản nhạc kinh điển Tình ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Còn Hồng Nhung khoe chất giọng khỏe khoắn, tràn đầy cảm xúc khi trình diễn những bản nhạc làm nên tên tuổi của cô trong dòng nhạc Trịnh Công Sơn như: Hạ trắng, Ru tình và Ru em từng ngón xuân nồng. Trong các bản nhạc này, cô đều thể hiện kỹ thuật ngân giọng ở những nốt luyến rất dài và thanh.
Ánh Tuyết xuất hiện cuối cùng. Chị đại diện cho hình ảnh mùa đông qua các nhạc phẩm: Niệm khúc cuối, Trăm nhớ ngàn thương và Ô mê ly. Ánh Tuyến tạo phong cách rất riêng trên sân khấu, khi man mác buồn, da diết, khi linh hoạt biến hóa. Cuối chương trình, Khánh Ly và bốn khách mời hòa ca trong Gọi tên bốn mùa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca khúc kinh điển cùng tên của nhạc sĩ họ Trịnh được chọn mở đầu và kết thúc show diễn ngụ ý về vòng tuần hoàn của trời đất và sự hòa hợp của tình yêu.
Vũ Văn Việt
Ảnh: Giang Huy