LHP Cannes lần thứ 68 sắp diễn ra tại thành phố biển xinh đẹp của nước Pháp vào tháng 5. Hàng trăm ngôi sao và các nhân vật hoạt động trong làng điện ảnh lại đổ về khách sạn Du Cap - một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của Cannes và là nơi lưu lại của bao thế hệ nghệ sĩ trong 125 năm qua. Nhân sự kiện này, nữ nhà báo Dana Kennedy đã tiết lộ nhiều câu chuyện ít ai biết tới về địa điểm mang tính biểu tượng của Cannes.
"Ngôi nhà chung" của các thế hệ huyền thoại điện ảnh
"Khu nhà màu hồng nhung, bề thế, kiêu hãnh này là chốn nghỉ dưỡng mùa hè dành riêng cho giới quý tộc và thượng lưu sành sỏi”, F. Scott Fitzegerald viết về Hotel Du Cap trong tiểu thuyết Tender Is the Night (1934). Khách sạn được mở từ năm 1870 bên bờ vịnh Riviera nước Pháp, có tên gọi đầy đủ là Hôtel du Cap-Eden-Roc, như đi vào huyền thoại từ đó.
Hơn 100 năm qua, giới nghệ sĩ, minh tinh - tài tử, chính khách nổi tiếng thế giới đã dạo chơi trong khu vườn hương nhài, thưởng thức đồ uống hảo hạng trong quầy bar và nghỉ dưỡng trong 117 phòng cao cấp. Nhiều người trong số họ trở lại đây năm này qua năm khác.
Từ thời huyền thoại Elizabeth Taylor, Richard Burton, Marlene Dietrich đến thời Madonna, khách sạn này là "tổ ấm" thứ hai của giới sao điện ảnh khi họ lưu trú ở Cannes. Công tước và Công nương xứ Windsor nghỉ trăng mật ở đây. Vào năm 1948, minh tinh Rita Hayworth và Hoàng tử Aly Khan của Iran hẹn hò ăn trưa tại lầu Eden Rock cạnh bể bơi ngoài trời trong khuôn viên, gây xôn xao báo chí. Năm 1955, danh họa Picasso vẽ thực đơn cho khách sạn khi trú ở nơi này. Năm 1938, gia đình Tổng thống Kennedy đến đây, lúc chàng Kennedy con 21 tuổi.
Nhà sản xuất Hollywood - Peggy Siegal - nhớ lại ấn tượng với Du Cap hồi bà lần đầu đến Cannes 25 năm trước. Bà chia sẻ: “Ở đây bạn thấy tỷ phú lẫn người trong giới showbiz, ai nấy phục sức thời thượng nhất. Du Cap giống như tạp chí Vogue khổng lồ trải ra đời thực hay một vùng đất thần tiên. Mỗi lần bước qua cửa chính, tôi đều há miệng ngạc nhiên”.
Nhà làm phim Harvey Weinstein, người từng ở nhiều khách sạn nổi tiếng hàng đầu thế giới nhận định: “Ngắm Nicole Kidman hay Jessica Chastain bước xuống bậc thềm danh tiếng đã trở thành một cảnh mang tính biểu tượng của LHP Cannes. Đây đúng là một trong số những nơi đẹp nhất tôi từng được nhìn thấy”.
Chốn thị phi của làng nghệ thuật thứ bảy
Lịch sử Du Cap cũng chứng kiến những bê bối và phi vụ hắc ám không tưởng. Năm 2007, nhà làm phim Gramham King trở về khách sạn và bắt quả tang bốn tên trộm mặc đồ giống hệt trang phục phim To Catch a Thief. Năm 1993, Marvin Davis từng bị chĩa súng vào đầu rồi bị bị cướp 10 triệu USD tiền mặt cùng trang sức khi đang lái đang xe sang trên con đường lộng gió dẫn tới tiền sảnh – như cảnh phim Brian De Palma. Hồi 1998, Kate Moss gây xôn xao vì bị cấm cửa khỏi khách sạn sau khi trở nên thịnh nộ và khuấy đảo phòng ở thành hỗn độn như trong phim Faye Dunaway. Trước đó, nhiều lần cô bị yêu cầu không được mặc bikini khi ra ngoài sảnh.
Một bê bối khác liên quan đến chính ông chủ cũ của khách sạn là Jean-Claude Irondelle. Quản lý khuôn viên khách sạn trong nửa thế kỷ từ năm 1995, Irondelle quyền năng tới nỗi khách quen sợ làm mất lòng ông.
Charles Finch, con trai tài tử Peter Finch - gia đình ba đời ăn tối ở khách sạn này mỗi mùa LHP Cannes - nhớ lại: “Irondelle là một nhân vật cực phức tạp và gây tranh cãi. Ông ấy sẽ hét trẻ con nếu chúng cư xử không phải phép. Ông ấy đuổi mọi người ra ngoài ngay nếu họ mặc không đúng hoặc chỉ cần nói gì phật lòng. Ông ấy là một người Pháp truyền thống. Ai cũng khiếp sợ ông ấy". Charles Finch kể có lần, nhà làm phim tài liệu Nick Broomfield sơ ý treo quần soóc tắm ngoài ban công và đã bị Irondelle sang tận quầy bar tìm dẫn về, bắt nhặt chiếc quần soóc lên.
Jean Johnny Pigozzi, con trai nhà chế tạo xe hơi Simca Henri Pigozzi hồi tưởng, mỗi lần Irondelle sang Hollywood chơi, mọi người tổ chức tiệc mời ông với hy vọng được lòng ông ở mùa Cannes kế tiếp. “Irondelle từng là ngôi sao lớn nhất ở Du Cap”, Jean-Louis Keita, luật sư riêng của ông kể lại. “Khách sạn này giống như một trường trung học khổng lồ và ông ấy là ông chủ. Ông ấy ra lệnh cho các ngôi sao phải ngồi đâu và làm gì”.
Trớ trêu, Irondelle đã nghỉ hưu năm 2005 đúng lúc bị nhà quản lý mới Rudolf Oetker kiện tội biển thủ một triệu USD. Irondelle phủ nhận cáo buộc nhưng người ta lại càng tin vào điều đó hơn bởi ngay trước khi ông nghỉ việc, khách sạn chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Du Cap thời công nghiệp hóa
Ông chủ hiện tại của Du Cap là Philippe Perd, một người Pháp 45 tuổi. “Tinh giản, phóng túng và thượng lưu là phương châm của chúng tôi. Khách của chúng tôi thích truyền thống châu Âu”, ông nói.
Từ khi ông Philippe Perd tiếp nhận khách sạn đến nay, không khí nơi này bớt nghẹt thở hơn, dù người ta vẫn bị cấm mặc bikini trong sảnh lớn. Cũng thời ông Perd, khách sạn này được vi tính hóa, giúp theo dõi chính xác được khẩu vị của từng ngôi sao. Phục vụ của khách sạn giờ biết được tài tử Kevin Costner thích món bơ trong khi minh tinh Cameron Diaz thích súp gazpacho, siêu sao Tom Cruise thích salad dinh dưỡng đặc biệt còn Madonna thích dâu tây cùng cappuccino.
Năm 2014, Philippe Perd lắp đặt nhiều tiện nghi hiện đại với gói nâng cấp tiêu tốn 67 triệu USD. Phòng có giá rẻ nhất ở Du Cap giờ là 1.100 USD/đêm. Biệt thự trong khuôn viên khách sạn - nơi Brad Pitt và Angelina Jolie thường ở - có giá 12.000 USD/đêm.
Bí quyết thành công của Philippe Perd là mối quan hệ cá nhân với các ngôi sao hạng A. Số điện thoại của ông rất ít khi chia sẻ cho người khác, nhưng hầu hết siêu sao đều có. Đáp trả lại thịnh tình của Du Cap, các ngôi sao ký tên vào cuốn sổ vàng Golden Book. Johnny Depp từng phác thảo chân dung tự họa có một chút râu dê trong cuốn sổ này.
Không phải ai cũng thích Du Cap của hôm nay. Nhiều ngôi sao gạo cội Hollywood không chọn du Cap khi đến Cannes nữa. Nhà sản xuất lão làng Robert Evans 83 tuổi, từng nghỉ trăng mật với phu nhân ở khách sạn khi ông còn trẻ, cho biết: “Tôi đã có thời gian lãng mạn nhất ở đó. Thời đó khách sạn không quá mỹ miều nhưng là nơi của dân nghệ sĩ, ai cũng là nghệ sĩ. Giờ khách sạn cũng có cả giới thương gia, chỉ cần có tiền là ở được. Lần cuối ở đó tôi trả phòng sớm bởi nơi này công nghiệp quá".
Vũ Văn Việt