Mới đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo đã được Cục Bản quyền Tác giả cho phép tiếp tục thu 25.000 đồng mỗi tivi một năm đối với các khách sạn sau khi dừng ba tháng. Trung tâm sẽ triển khai lại hoạt động này trong tháng 10.
Bà Dương Thị Thơ - Phó chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng - bức xúc. Bà cho biết chiều nay (13/9), hiệp hội sẽ triệu tập một cuộc họp để thống nhất văn bản phản đối việc thu phí. “Chúng tôi phải họp và thống nhất không nộp phí tác quyền âm nhạc qua việc đếm số tivi trong khách sạn”, bà Thơ nói.
Theo bà Thơ, VCPMC sẽ “không thu được một đồng nào” vì không đối chất sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà đã tiếp tục thông báo thu phí. "Thu không hợp lý thì một đồng chúng tôi cũng không đóng”, bà nhấn mạnh.
Bà Thơ cho rằng doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước như phí phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự… "Còn tivi, tủ lạnh chúng tôi đã bỏ tiền ra mua về, phải đóng tiền điện, truyền hình cáp rồi, nhưng lại đòi thu thêm phí tác quyền bài hát là không hợp lý. Mà nói cho sòng phẳng là khách họ rất ít nghe nhạc Việt. Đi chơi cả ngày về, họ chỉ dành chút ít thời gian xem tivi, nhưng không phải ai mở tivi lên cũng để nghe nhạc”, bà Thơ nói.
Phó chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng phân tích khách Việt chủ yếu đến các điểm du lịch vào mùa hè. Còn khách Hàn, Trung Quốc… không hiểu tiếng Việt, cũng không thể mở nhạc Việt để nghe. Như thế khách sạn không có căn cứ để thu thêm phí. Bà đề xuất nếu phía VCPMC muốn biết khách du lịch có nghe nhạc Việt không thì phải khảo sát thực tế.
Khi VCPMC thông báo thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi, một số khách sạn ở Đà Nẵng do người nước ngoài quản lý đã đóng phí. “Họ cứ thấy Nhà nước thu là đóng, còn khách sạn do người Việt quản lý thì không đóng vì biết nó không hợp lý”, bà Thơ nhận xét.
Chị Tâm, chủ một khách sạn mới hoạt động trên đường An Thượng 3 (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bất ngờ khi nghe việc phải trả phí tác quyền âm nhạc trên tivi trong phòng. “Tôi chưa nhận được thông báo gì. Nhưng sao lại có khoản thu vô lý, phí chồng phí như thế được. Nếu nhận được thông báo đóng khoản phí này, phía đơn vị thu phải lý giải cho doanh nghiệp lý do thu và minh bạch khoản thu ra sao", chị Tâm nói.
Ông Phó Đức Phương - giám đốc VCPMC - khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thu phí. "Việc thu phí tác quyền không thể dừng lại được vì nó hoàn toàn đúng luật”, ông Phương nói.
Trước ý kiến cho rằng VCPMC muốn thu phải chứng minh khách vào khách sạn có xem tivi hay không, ông Phương cho biết sẽ có phương án. Theo ông Phương, Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu VCPMC xây dựng lộ trình thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong phòng khách sạn một cách chi tiết, rõ ràng. “Phương án không thể có trong ngày một ngày hai nhưng chúng tôi cố gắng hoàn thiện vào thời gian sớm nhất", ông nói.
Trước đó vào tháng 5, vì nhiều ý kiến phản đối đóng tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn, Cục Bản quyền từng yêu cầu VCPMC dừng thu. Cục yêu cầu trung tâm xác định các tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC. Trung tâm cũng phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Đông - Hà Thu