Sau bốn tháng, Thương nhớ ở ai do Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh đạo diễn phát sóng tập cuối vào chiều 4/3. Đây là phiên bản truyền hình của tác phẩm Bến không chồng (1999) - dự án điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng.
Tập cuối phim tập trung thể hiện cuộc sống bốn năm sau, kể từ đêm ái ân giữa nhân vật Hạnh (Trà My) với Vạn (Lâm Vissay). Hạnh là con gái của Nhân (Ngọc Anh) - tình cũ của Vạn. Sau thời gian dài bỏ làng lên thành phố, Hạnh cùng bé Ban Mai (con của cô với Vạn) trở về, quyết định gắn bó cuộc đời với Vạn. Sự việc vỡ lở, dân làng Đông xúm lại dè bỉu và dùng lời lẽ miệt thị người thân của Hạnh. Kết phim, Vạn bế tắc, lương tâm dằn vặt vì lỗi lầm nên bỏ đi, để lại mẹ con Hạnh bơ vơ, tự chèo chống trước lời cay nghiệt của xóm làng.
Trên fanpage, nhiều khán giả chia sẻ sự hẫng hụt vì Vạn chối bỏ trách nhiệm thay vì phải ở lại cùng Hạnh chia sẻ gánh nặng, chăm sóc con cái và thay đổi nhận thức cổ hủ của người dân làng Đông. Mặt khác, nhân vật ông chủ xưởng thêu - người cưu mang, dành tình cảm chân thành cho Hạnh - xuất hiện cuối phim khiến người xem đợi chờ cái kết viên mãn. Thế nhưng, Hạnh khước từ ông chủ xưởng để hy vọng tương lai tốt đẹp với Vạn.
Lý giải về kết phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ: "Chúng tôi phải quay đến hai cảnh kết. Cái kết đầu tiên, chúng tôi làm theo nguyên tác - nhân vật Vạn treo cổ tự tử, Hạnh và bé Ban Mai vấn khăn tang đi trên cánh đồng. Tuy nhiên, sau cùng, tôi chọn phương án Vạn bỏ đi vì muốn tạo sự nhẹ nhàng cho phim”.
* Trích "Thương nhớ ở ai"
Diễn viên Trà My (vai Hạnh) cho biết cô không đồng tình với kết mới của Thương nhớ ở ai. Theo nữ diễn viên, kết ban đầu hợp lý hơn vì lột tả được sức ảnh hưởng khủng khiếp của hủ tục và thức tỉnh lương tri con người. Còn khán giả Hoài Anh đồng tình với tình tiết thay đổi so với nguyên tác văn học. "Hạnh, Cúc, Thắm đều từng bỏ làng đi tìm hạnh phúc nhưng rồi cũng quay về. Nên việc đạo diễn để nhân vật Vạn bỏ đi là cái kết mở và nhân văn", khán giả này nhận xét.
Ngoài kết phim nối dài bi kịch nhân vật Hạnh, khán giả đặt dấu hỏi về các tình tiết chưa được giải quyết triệt để, gây mơ hồ. Đó là sự biến mất đột ngột của nhân vật Hơn (Hồng Kim Hạnh), việc nhận lại con rơi của nhân vật ông Bánh chưa có hồi đáp... Khán giả Thanh Hương chỉ ra chi tiết phi lý, cô viết: “Ở thời kỳ trước 1975, tại làng quê nghèo và lạc hậu, đa số phụ nữ không ra khỏi làng mà nói gì đến chuyện thụ tinh nhân tạo”.
Bên cạnh những ồn ào như cảnh nóng, diễn viên không mặc áo ngực, thậm chí hai diễn viên Ngọc Anh và Trà My xô xát ngoài đời thực vì mâu thuẫn cá nhân, phim vẫn được người xem khen bởi khắc họa cuộc sống người Việt Nam ở vùng quê trước năm 1975. Phim nhìn thẳng và tái hiện những định kiến, lề lối hà khắc, tư tưởng bảo thủ của làng xã. Trải qua hai cuộc chiến, làng Đông vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến không chồng. Họ khao khát tình yêu và hạnh phúc nhưng không thể vượt rào cản dư luận.
Ca khúc Trầu không - nhạc phim - khiến người xem xao xuyến. Khán giả có nickname Hoa Ban bình luận: “Những lời ca ai oán đầy xót xa trong ca khúc này giống như tâm sự của thiếu phụ, góp phần khắc họa rõ nét bi kịch đàn bà góa bụa ở làng Đông ngày ngày tụ tập ở bến không chồng”.
* Ca khúc "Trầu không" do ca sĩ Hồng Duyên thể hiện
Phim có sự tham gia của diễn viên Lâm Vissay (Vạn), Ngọc Anh (Nhân), Trà My (Hạnh), Hồng Kim Hạnh (Hơn), Quất (Thiện Tùng), Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan (bà Bánh), Thanh Hương (Nương), Jimmii Khánh (Đột).
Trọng Trường