Tập cuối phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong phát sóng tối 18/3 không có nhiều tình tiết đột phá. Ông Tài (NSND Tiến Đạt) bỏ thuốc giết em trai - ông Đẩu (Anh Tuấn) - để bịt đầu mối. Ông Đẩu giả vờ chết, sau đó hợp tác Khoa (Đình Tú) đưa bằng chứng tố ông Tài tội sai người cướp đất, nhận hối lộ và giết người lên công an.
Kịch bản không kể chi tiết việc xét xử và hình phạt cha con ông Tài phải nhận, thay vào đó điểm qua số phận của loạt nhân vật. Uyên (Phương Oanh) nhận lời yêu Khoa và được lên thị trấn dạy học, Đào (Việt Hoa) mở tiệm gội đầu làm lại cuộc đời, trong khi đó Mận (Hương Giang) sinh con trai đầu lòng sau khi Viễn - chồng cô - qua đời trong ngày cưới.
Nhiều khán giả nhận xét tập cuối diễn biến nhanh. Anh Thanh Hải (31 tuổi, Bắc Ninh) nói: "Phim có quá nhiều tình tiết bi kịch, đến tập 24, các nhân vật vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhưng chỉ sau đó một tập mọi chuyện êm xuôi, ổn thỏa hết".
Trong suốt phim, ông Tài trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết cho nhiều người trong làng Yên. Khoa, Cận nhiều lần thu thập bằng chứng, gửi đơn tố cáo hắn lên cấp trên nhưng không thành. Trong khi nhóm Khoa vẫn loay hoay tìm cách vạch tội ông Tài, chỉ nhờ kế giả chết của ông Đẩu mà mọi việc ngã ngũ. Một số người chỉ ra tình tiết vô lý khi nhân vật ông Đẩu ít học, sử dụng điện thoại kiểu cũ không có tính năng ghi âm nhưng lại thu được cuộc nói chuyện với ông Tài, copy ra USB đưa cho Khoa làm bằng chứng.
Chuyện tình của Uyên và Khoa - một trong những chủ đề chính từ đầu phim - diễn tả nhanh chóng trong vài phút cuối, khi cả hai nói lời yêu.
Tên phim Cô gái nhà người ta khiến nhiều khán giả thắc mắc. Tài khoản Kiều Ly viết: "Kết thúc rồi vẫn không thể hiểu được tên phim có ý nghĩa gì, liên quan thế nào đến nội dung". Bình luận nhận được nhiều lượt đồng tình. Đạo diễn Trịnh Lê Phong nói tiêu đề đơn giản gợi sự tò mò cho khán giả. Anh nói: "Cô gái nhà người ta là cô gái không phải của nhà mình thôi (cười). Tại sao tên phim cứ phải có một ý nghĩa cụ thể hay thật 'hoành tráng', quan trọng là nội dung tác phẩm".
Một số khán giả cho rằng kết phim nhân văn, thỏa đáng cho tất cả nhân vật. Tài khoản Thành Nguyễn bình luận: "Ông Tài gây ra tội ác phải trả giá còn những người dân lành trong làng như gia đình Uyên, Khoa, Mận... đều được đoàn tụ, hạnh phúc". Đạo diễn Trịnh Lê Phong cho biết phim gửi gắm bài học nhân - quả. "Con người cứ sống và yêu hết mình thì điều tốt đẹp sẽ tới. Giống như những thanh niên trong phim vậy", anh nói.
Cô gái nhà người ta gồm 25 tập, lấy bối cảnh thôn quê, thuộc thể loại hài tình cảm, kể chuyện thanh niên khởi nghiệp, tình yêu trai gái và những tranh chấp nhỏ ở làng Yên.
Hiểu Nhân