Ngoài đóng chính, Atkinson còn là một trong các nhà sản xuất của Johnny English Strikes Again. Tác phẩm do David Kerr đạo diễn, ra mắt từ khi phần trước ra đời cách đây bảy năm. Lúc này, điệp viên Johnny English đang sống ẩn thân với nghề dạy học. Anh được chính phủ triệu hồi sau một vụ tấn công mạng làm lộ thân phận các đặc vụ Anh đang hoạt động. Do chưa bị lộ, Johnny được cử đi điều tra tên hacker. Trên hành trình, anh giáp mặt Ophelia (Olga Kurylenko đóng) - một cô gái Nga quyến rũ và bí ẩn.
Tập ba series Johnny English tiếp tục mang tinh thần giễu nhại dòng phim điệp viên, nhất là 007. Nhân vật chính ra vẻ ngầu đời, sành sỏi giống James Bond, từ cách tán tỉnh, lái ôtô hay gọi rượu. Tuy nhiên, anh liên tiếp mắc sai lầm do hậu đậu, dẫn đến nhiều "thảm họa" trên đường điều tra. Ở một trích đoạn, pha hành động của Johnny English lại nhái theo cảnh mạo hiểm nổi tiếng của Tom Cruise trong Mission: Impossible 4.
Các thiết bị có tính năng kỳ lạ vừa được Johnny dùng để hoàn thành nhiệm vụ, vừa là công cụ để biên kịch tạo ra các tình huống hài. Kịch bản còn tạo ra hoàn cảnh trớ trêu khi đặt Johnny - một điệp viên hoạt động theo lối cũ ở thế kỷ 20 - vào môi trường công nghệ mạng với rất nhiều khái niệm mà anh mù mờ.
Danh hài người Anh - Rowan Atkinson - duy trì phong độ trong tập mới. Tài tử 63 tuổi thể hiện sự dí dỏm qua nét mặt, hình thể và lời thoại. Lối biến hóa của Atkinson khá đa dạng, chuyển đổi giữa sự ngơ ngác, vụng về sang vẻ nghiêm trọng ở các cảnh cao trào. Ở một trích đoạn đáng nhớ, diễn viên rũ bỏ vẻ lạnh lùng, chậm chạp của người đàn ông lớn tuổi để trình diễn điệu nhảy sôi động và trào phúng. Cảnh nhân vật đeo kính thực tế ảo, tấn công thường dân vì tưởng là kẻ địch cũng gây ấn tượng. Phong cách của Atkinson trong loạt Johnny English gần như tương đồng với nhân vật Mr. Bean nổi tiếng của anh. Thực tế, phần một của series (năm 2003) được sản xuất chính nhờ sự hâm mộ của khán giả dành cho Mr. Bean.
Hỗ trợ cho nhân vật chính là điệp viên Angus Bough (Ben Miller đóng). Trong khi Johnny tự tin quá đà, Angus lại khắc khổ, chịu đựng sự trái nết của cấp trên, qua đó tạo tương phản tính cách. Còn diễn viên kỳ cựu Emma Thompson tròn vai khi hóa thân thủ tướng Anh. Sự căng thẳng quá mức của nhân vật khi đối mặt với các cuộc khủng bố mạng mang đến tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên, nhân vật Ophelia của Olga Kurylenko - diễn viên từng đóng Bond girl - hơi ít dấu ấn ngoài việc khoe vẻ đẹp hình thể.
Với kiểu phim trào phúng như Johnny English Strikes Again, yếu tố logic thường không quá quan trọng. Nhân vật chính có thể liên tiếp phạm sai lầm nhưng vẫn thoát nạn và đạt mục đích. Tuy nhiên, sự may mắn của Johnny được lặp lại quá nhiều trong hồi kết, dễ gây cảm giác nhàm chán. Khi anh đối mặt kẻ chủ mưu, tác phẩm thiếu một pha hành động độc đáo để gây bất ngờ cho người xem. Nhân vật phản diện này cũng được xây dựng khá nhạt nhòa, thiếu sự nguy hiểm hoặc hài hước trong kiểu vai này.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam với tựa Việt Johnny English: Tái xuất giang hồ và nhãn C13 (không dành cho khán giả dưới 13 tuổi).
Ân Nguyễn