Hong Kong, năm 1962, ở một khu tái định cư của người Thượng Hải có hai cặp vợ chồng cùng chuyển đến sát nhà nhau trong cùng một ngày. Đó là Tô Lệ Trân, thư ký của một công ty hàng hải cùng người chồng thường xuyên đi công tác xa. Cặp còn lại là Châu Mộ Văn, một phóng viên và một người vợ cũng thường xuyên vắng nhà. Dần dần Châu và Tô phát hiện ra những người bạn đời đã lén lút hẹn hò sau lưng họ. Những cuộc gặp gỡ bất chợt, nỗi đau bị phản bội, tình yêu dành cho truyện kiếm hiệp và trên hết là nỗi cô đơn đã dần kéo họ lại gần nhau. Một cách chậm rãi từ từ, chính họ rồi cũng lặng lẽ sa vào một mối tình say đắm không thể tiến tới mà cũng không thể cưỡng lại.
* Trailer phim "Tâm trạng khi yêu" |
Có lẽ điều tuyệt diệu nhất trong mối tình của Châu và Tô là sự tiết chế. Khác với những câu chuyện tình kiểu Hollywood, những nhân vật chính sẽ sớm lăn xả vào nhau, trong In the Mood for Love, hai nhân vật chính chưa bao giờ đi quá một cái ôm, một cái nắm tay. Châu Mộ Văn chưa bao giờ nói trực tiếp với Tô Lệ Trân rằng anh yêu nàng, giữa họ không hề có một nụ hôn hay cảnh ân ái nào. Một câu chuyện tình đậm chất Á Đông, "sống để dạ chết mang theo" như cách Châu Mộ Văn, sau bao nhiêu năm trời, đã lặn lội đến Angkor Watt, thì thầm với những bức tường đổ nát rồi vĩnh viễn bịt kín lại bằng bùn. Bộ phim là một điệu khiêu vũ chậm, người này tiến thì người kia lùi, một trò cút bắt mà những người tình sẽ không bao giờ có được nhau.
In the Mood for Love là một thử thách cho cả Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc khi bộ phim có rất ít lời thoại. Những câu trao đổi trong phim thường là những lời xã giao mà người nói thường cố giấu đi cảm xúc thật của mình. Gương mặt Tô Lệ Trân luôn giữ vẻ bình thản, an nhiên khi đối diện với người khác cho dù lòng có đang "nổi sóng". Vậy mà chỉ một chút ngước mắt lên nhìn quanh, hàng mi chớp nhanh, một chút lạc giọng rất khẽ, Trương Mạn Ngọc đã thể hiện hoàn hảo nỗi lòng tan nát của Tô Lệ Trân. Người xem có thể cảm nhận được nỗi đau khổ từ dáng ngồi bất động của cô, nỗi hoang mang từ đôi bàn tay khẽ miết trên tay vịn cầu thang, sự chới với từ cách tay trái bấu víu lên tay phải...
Châu Mộ Văn thì luôn luôn nhìn xuống và luôn luôn mỉm cười. Nỗi buồn bã của anh tỏa ra từ đôi mắt đăm đăm nhìn xuống, từ làn khói thuốc dày đặc mà anh thường hút, từ hình ảnh anh đứng lặng trong khu di tích Angkor Watt, yết hầu khẽ rung rung theo những lời thì thầm anh nói với hốc đá. Diễn xuất của Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc đều được giới phê bình đánh giá rất cao. Lương Triều Vỹ chiến thắng ở hạng mục Nam chính trong cả Liên hoan phim Cannes và Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong. Trương Mạn Ngọc cũng được vinh danh với hạng mục Nữ chính xuất sắc tại giải Kim Mã.
In the Mood for Love đã chọn được một cách kể độc đáo không phải bằng lời thoại hay các tình tiết gay cấn mà thông qua những chi tiết nhỏ, tinh tế mang tính biểu tượng. Hình đồ đạc của Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân bị trộn lẫn vào nhau trong ngày họ chuyển nhà, ở ngay đầu phim như dự báo về mối quan hệ phức tạp của họ sau này. Chỉ một vệt son môi trên đầu lọc điếu thuốc đủ để cho Châu biết, Tô từng đến đây. Tấm vải đỏ lặng lẽ rủ yên khi Châu và Tô vẫn còn đơn thuần là những người bạn, rồi bắt đầu phất phơ bay trước gió trong cảnh Tô dựa đầu vào vai Châu khóc, rồi tung bay phần phật theo những bước chạy của Tô đến với căn phòng đã bỏ trống của Châu.
Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh và đoạn nhạc lặp đi lặp lại một cách ám ảnh: dáng đi tuyệt diệu của nàng Tô Lệ Trân huyền thoại trong những chiếc xường xám bó chặt, đẹp đến nghẹt thở; khói thuốc dày đặc của Châu Mộ Văn, những cơn mưa bất chợt, cầu thang tối chật hẹp, cửa sổ ôtô mù sương, chuông điện thoại đổ dồn không ai thưa... Bộ phim sang trọng, lộng lẫy với những tông màu đậm: đỏ, vàng, nâu, thẫm. Những cảnh slow motion (quay chậm) tạo một nhịp điệu uể oải trang nhã cho phim, thậm chí có những cảnh, nhân vật như đông cứng trong khung hình, đẹp như một bức tranh.
Một trong những thành công lớn của bộ phim là sự sáng tạo trong cách lựa chọn góc máy. Người xem hiếm khi nhìn trực diện nhân vật, mà thường là nhìn thấy hình bóng họ được phản chiếu trong gương, thấy bóng dáng họ lấp ló sau những đồ đạc, hoặc ẩn hiện sau làn khói thuốc... Mọi thứ đều e ấp, mơ hồ giống như chính bản thân câu chuyện tình giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân. Bộ phim tạo cảm giác khán giả đang ở đó, là một kẻ nhìn trộm qua khe cửa, chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối.
In the Mood for Love có tựa đề tiếng Trung là Hoa dạng niên huê, một cụm từ thường để chỉ những năm tháng tuổi trẻ, tình yêu và vẻ đẹp sớm tàn lụi của người phụ nữ. Tuy nhiên theo Vương Gia Vệ, tựa đề này dùng để chỉ những năm 1960 ở Hong Kong, giai đoạn mà theo ông là đẹp nhất của hòn đảo. Câu chuyện trong phim kết thúc vào năm 1966, thời điểm mà tình hình chính trị phức tạp đã buộc rất nhiều người dân phải di chuyển khỏi Hong Kong.
"Một thời đại đã kết thúc. Và tất cả những gì thuộc về thời đại đó cũng mãi mãi ra đi". In the Mood for Love mang một vẻ đẹp rực rỡ, diễm lệ và xa cách của một thời dĩ vãng đã không bao giờ còn thấy lại. Bộ phim xứng đáng được xem hai lần. Lần thứ nhất để choáng váng với sự rực rỡ, mê đắm của bộ phim, còn lần thứ hai là để có thể bình tĩnh lại và chiêm ngưỡng tài nghệ xuất sắc của đạo diễn họ Vương.
Anh Trâm