- Cơ duyên nào để anh làm dự án về Từ Dụ thái hậu?
- Tôi phát triển Phượng Khấu để giới thiệu lịch sử dân tộc, hy vọng nhiều người quan tâm hơn chủ đề này. Tôi chọn loại hình thực hiện là phim để hướng đến người trẻ, giúp câu chuyện dễ đi vào lòng người. Trước đây, tôi theo ngành ngữ văn ở đại học, học nhiều về văn, sử nên có nhiều đam mê với văn hóa dân tộc. Khi đến các nước châu Á, tôi ấn tượng cách họ quảng bá văn hóa bằng nghệ thuật như phim ảnh, tranh ảnh, kịch nghệ, qua đó tạo ra một nền công nghiệp.
Nhân vật Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức) được chọn vì nhiều lý do. Để thu hút khán giả, chúng tôi phải làm về nhân vật nhiều người biết. Bà Từ Dụ được biết đến rộng rãi qua bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM (được đặt theo tên bà). Ngoài ra, với phim đầu tiên về cổ trang, tôi muốn làm về nhà Nguyễn do còn nhiều hiện vật, sách vở về thời này - thuận tiện cho quá trình phỏng dựng và khảo cứu. Nếu phim được đón nhận, chúng tôi sẽ làm về nhà Lê, Trần, Lý - các triều xa hơn và cũng ít tài liệu tham khảo hơn.
- Anh áp lực thế nào khi làm phim về nhân vật nổi tiếng?
- Độ quan tâm dành cho Phượng Khấu quá lớn so với dự kiến của chúng tôi khi bắt đầu làm. Do đó, ê-kíp rất áp lực, sợ khán giả kỳ vọng nhiều. Tôi cũng ngại người xem so sánh Phượng Khấu với phim cung đấu nổi tiếng như Diên Hy công lược hay Như Ý truyện. Về kinh phí hay bề dày làm phim cổ trang, chúng tôi thua xa các ê-kíp này.
- Anh xây dựng kịch bản thế nào?
- Chúng tôi chủ trương phim không xuyên tạc, làm sai ngày tháng hay các diễn biến lịch sử. Để chuẩn bị kịch bản, tôi và ê-kíp tìm tất cả tài liệu chính sử về bảy năm thời vua Thiệu Trị (chồng bà Từ Dụ). Các sự kiện được ghi lại để làm khung sườn cho kịch bản, như ai mất năm nào, bị bệnh năm nào. Tôi tự tin với chất lượng của đội ngũ cố vấn, bao gồm nhóm nghiên cứu độc lập Thiên Nam Lịch đại Hậu phi, các giáo sư sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần.
Tuy nhiên, Phượng Khấu không phải phim tài liệu nên sẽ có một số đoạn do biên kịch nghĩ ra. Phần sáng tạo được phát triển từ các tình tiết không được nêu rõ hoặc chỉ nói vắn tắt trong sử. Chúng sẽ giúp lý giải những khoảng trống trong sử sách. Ví dụ như ở Huế, mộ bà Lệnh Phi (Hồng Vân đóng) có quy mô quá nhỏ so với danh hiệu. Phim sẽ nêu chuỗi tình tiết dẫn đến chuyện này. Vài nhân vật ở tuyến phụ được thêm vào để câu chuyện mềm mại, thu hút hơn. Nhưng kết cục của Phượng Khấu vẫn theo đúng lịch sử.
- Anh nghĩ sao nếu nói phim chưa sát lịch sử khi các nhân vật đều nói giọng miền Nam?
- Tiếng nói của các nhân vật là thứ khiến tôi băn khoăn nhất. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hoàng cung nhà Nguyễn khi đó có giọng nói pha tạp. Bà Từ Dụ và Lệnh Phi đến từ miền Nam, trong khi một số người khác gốc miền Trung. Tôi quyết định chọn giọng miền Nam cho toàn bộ nhân vật để phim tiếp cận nhiều khán giả. Đây cũng là cách làm phổ biến ở Hollywood, như các nhân vật phim Troy (kể trận chiến của liên minh Hy Lạp với thành Troy) đều nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, nhân vật Phượng Khấu vẫn xưng hô theo đúng các đại từ nhân xưng thời đó, ví dụ như "ngài ngự" chỉ nhà vua. Ngoài ra, tôi chủ động loại bỏ một số cách xưng hô của Trung Quốc còn dùng trong triều Nguyễn để khán giả không so sánh.
- Anh dự định tái hiện cảnh cung đình Huế như thế nào?
- Ở Huế, tôi chỉ quay ngoại cảnh và các địa điểm nổi tiếng như Thái Bình Lâu, chùa Thiên Mụ. Còn 70% cảnh sẽ được ghi hình trong phim trường ở TP HCM. Chúng tôi mướn một nhà xưởng để dựng cảnh, thiết kế nội thất cho các bối cảnh trong hoàng cung. Công việc này có thể mất vài tháng trước khi bấm máy. Ngoài ra, một số đại cảnh như buổi chầu, sự kiện lớn ở hoàng gia có thể được quay ở công viên Đại Nam, kết hợp với kỹ xảo để tạo ra quang cảnh rộng lớn.
- Kinh phí của dự án đến từ đâu?
- Tôi may mắn gặp được các nhà tài trợ yêu thích văn hóa Việt. Tôi bắt đầu dự án bằng cách tổ chức buổi nói chuyện, mượn một số trang phục của nhóm Ỷ Vân Hiên, mời các nghệ sĩ Hồng Đào, Hồng Vân, Thành Lộc chụp ảnh. Sau đó, một số nhà đầu tư chú ý và ngỏ ý hợp tác. Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư, quan trọng là mình có tạo được niềm tin cho họ hay không.
Hiện kinh phí phim là hai tỷ một tập, cao so với mặt bằng phim truyền hình. Một phần ba trong đó được dùng cho việc phỏng dựng trang phục, trong đó có các thiết kế phức tạp như áo của Diễm My tốn đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn là quá thấp so với các phim cung đấu Trung Quốc. Tôi hy vọng mùa đầu Phượng Khấu thành công để có thể làm tiếp hai mùa sau.
* Xem thêm: Tạo hình một số nhân vật trong phim
Phượng Khấu dự kiến gồm ba phần, mỗi phần sáu tập, kể cuộc đời Nghi Thiên Chương hoàng hậu (sau là Từ Dụ thái hậu, Hồng Đào đóng) - vợ vua Thiệu Trị (Thành Lộc đóng). Câu chuyện diễn ra vào giai đoạn từ năm 1840 đến 1847 - khi bà Từ Dụ vượt nhiều hiểm nguy để đưa con trai - hoàng tử Hồng Nhậm (Jun Phạm đóng) - lên ngôi, thành vua Tự Đức. Phim quy tụ diễn viên Lê Thiện, Minh Trang, Kiều Trinh, Diễm My, Huy Khánh, Vân Trang, Trịnh Tú Trung, dự kiến phát cuối năm nay trên các kênh trực tuyến có trả phí, sau đó chiếu miễn phí trên Youtube.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sinh năm 1982 ở Kiên Giang, từng gây chú ý với Lô tô (2017) - phim kể về các thân phận trôi dạt trong gánh hát. Năm nay, phim điện ảnh Ngôi nhà bươm bướm của anh dự kiến công chiếu, xoay quanh cuộc sống các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT.
Ân Nguyễn