Nhân vật Út Nhỏ giới thiệu về quê hương của cô: "Đây là sông nước miền Tây. Cuộc sống ở đây rất đỗi đáng yêu và hiền hòa, hiền hòa như dòng chảy bao đời của các con sông. Tía tôi nói, con người miền Tây xưa nay vốn biết cách để sống thuận hòa với dòng chảy các con sông, dòng chảy cuộc sống.
Miền tây luôn chuyển động. Tươi tắn náo nhiệt và đôi khi cũng xô bồ, hỗn loạn. Vậy mà mọi thứ rồi cũng sẽ tuân theo quy luật hiền hòa - cái quy luật bất thành văn mà theo tía tôi là được xây đắp nên bằng chính những tình cảm đôn hậu của người miền Tây qua bao thế hệ".
Không gian lãng mạn của miền Tây. (TFS) |
Và vùng đất sông nước trong 29 tập của Hương phù sa đi theo tư tưởng hiền hòa ấy...
Sông nước miền Tây tấp nập cảnh chợ nổi, sông lãng mạn trong những cuộc hẹn hò và cũng mênh mang buồn khi con người chia tay. Với những con người đã "tắm mát cả đời" trên dòng sông quen thuộc, thì sông chính là "mẹ nước", để khi vui buồn, hờn giận họ đều trút cạn nỗi lòng của mình nơi đây.
Kết nối không gian đầy ắp sông nước của phim có 2 trại xuồng, một bến sông, một trại nuôi cá, một khu nhà cổ... Con người di chuyển từ nơi này qua nơi khác chỉ toàn bằng xuồng máy. Đi học, đi chơi, đi chợ, đi thăm hỏi nhau... đều bằng xuồng. Giữa kênh rạch chằng chịt, chiếc xuồng vừa gần gũi như một vật hữu dụng trong đời sống, vừa thiêng liêng như một báu vật. Chính vì vậy mà Út Nhỏ có lần đã bị ông Ba Rằng, cha cô, giận đến nỗi không thèm nói chuyện, khi dùng xe máy để đi sinh nhật bạn. "Nhà có xe nhưng phải đi bằng xuồng", đó chính là sự bộc lộ chân chất của người miền Tây với những gì mình yêu quý.
Trong khung cảnh như vậy, người miền Tây không còn mặc áo bà ba, đóng khăn rằn trên đầu. Con gái mặc đầm, con trai thì mặc quần jean, áo pull, đẹp hiện đại. Họ lái thuyền như đi Spacy, hò đối đáp trong những buổi tiệc có hoa tươi, có "nước có ga"... chứ không còn e ấp trên đồng lúa. Trò đùa cũng hiện đại, khỏe khoắn hơn nhiều. Trai gái không còn nghịch nước, trêu ghẹo nhau một cách yếu ớt mà dùng xe hơi, thuyền loại lớn để đùa... Người lớn thì thích hát karaoke, mặc comple tiếp đối tác làm ăn như dân Sài Gòn thứ thiệt. Có thể nói, phong cách sống miền Tây được Võ Tấn Bình cập nhật rất kịp thời.
Nhưng giữa những điều hiện đại ấy, nét đẹp trong con người vùng sông nước trên phim của anh vẫn vẹn nguyên. Người miền Tây sống hiên ngang giữa những sóng gió quanh mình bằng chất chân phương thấm sẵn trong máu. Út Nhỏ tiếp cận với thương trường, chịu vật lộn với những âm mưu kinh doanh ở tuổi mới vào đời nhưng vẫn chất phác, thật thà. Út Ráng dù sốc khi thua cuộc trong tình yêu đầu đời vẫn nghị lực vươn lên, yêu thương cuộc sống của mình và người thân. Cha của 2 cô gái này, Ba Rằng, ngồi xe lăn nhưng sự hào sảng trong đối nhân xử thế vẫn đậm đà. Chất bộc trực của người miền Tây còn có trong Việt, một chàng trai tha phương từ miền Trung. Anh chàng này "nghĩ sao làm vậy", không hiền, nhưng khảng khái trong chuyện đời, trong tình yêu...
Người miền Tây trẻ trung, hiện đại. (TFS) |
Những nhân vật không thiện của Hương phù sa cũng không như "quỷ sa tăng" mà người xem có thể bắt gặp đâu đó trong đời thực. Đó là Tư Hơn "sinh sau đẻ muộn", đố kỵ, tìm cách tranh ăn với trại xuồng đang phát đạt của Ba Rằng; đó là Hoàng, ham danh lợi, từ chối quê hương; là công tử bột Năm Đô phá của, vung tiền như nước... Đạo diễn tâm sự, anh đưa họ vào phim với suy nghĩ duy nhất: "Cái thiện hay cái ác phải hợp lý, không phải nói lấy được".
Với sản phẩm nhiều tâm huyết lần này, điều không kém phần quan trọng, theo tác giả kiêm đạo diễn, chính là bản chất trọng giá trị truyền thống của người miền Tây. Ba Rằng dạy con: "Dòng họ mình bao đời nay gắn với sông nước và coi ghe xuồng như máu thịt của mình. Lướt trên sóng nước, tâm hồn mình sảng khoái, thư thái biết bao. Chừng nào kênh rạch miền Tây hết nước thì chừng đó dòng họ mình mới từ bỏ nghề đóng ghe tàu".
Trước nhà của ông là một chiếc ghe cổ. Chiếc ghe không dùng để di chuyển nữa, nhưng vẫn được truyền qua nhiều đời của dòng họ như một báu vật thiêng liêng. Nó không những quan trọng trong tâm linh của người già, mà thiêng liêng cả với Út Nhỏ và Út Ráng, 2 con người đang sống trong dòng chảy hiện đại của nhịp sống trẻ. Lúc hồi hộp trước một quyết định trong đời, lúc giận hờn, chán nản, cô đơn hay thậm chí thất tình, họ đều sẻ chia cùng chiếc ghe, vì nó có một chức năng rất diệu kỳ: "Giống như hàn thử biểu tâm linh. Khi gia đình thuận hòa, chiếc ghe ấm áp gần gũi. Còn khi gia đình có chuyện lục đục, chiếc ghe trở nên âm u lạnh lẽo".
Khi tình chị em bị rạn nứt vì mối tình chung với Việt, Út Nhỏ cảm nhận: "Tôi đang nghe rất rõ cái không khí lạnh lẽo của chiếc ghe cổ. Tía chẳng nói sai bao giờ. Sự lạnh lẽo đến rợn người đang ngự trị nơi đây. Ông bà nơi chín suối hẳn là rất đau lòng".
Nhân vật chính này cũng thay tía của mình nói ở cuối phim: "Chắc chắn gia đình tôi sẽ giữ mãi nghề đóng ghe tàu bởi kênh rạch miền Tây sẽ không bao giờ hết nước. Hàng ngày những lớp phù sa tình yêu vẫn luôn đắp đầy cuộc sống. Nụ cười dường như luôn sẵn sàng nở trên môi, dù ẩn sau đó là những lo toan, nhọc nhằn, đau khổ. Tía tôi nói, điều quan trọng là phải biết cách đối diện với những khó khăn thử thách. Và quan trọng - điều quan trọng hơn là luôn biết cách để mỉm cười".
Kim Hiền, Tăng Thanh Hà thể hiện sinh động 2 nhân vật Út Ráng, Út Nhỏ. (TFS) |
Mê phim Hàn Quốc, Võ Tấn Bình chọn tất cả những yếu tố mà anh cho là cần thiết để hấp dẫn khán giả cho Hương phù sa: diễn viên, cảnh vật đẹp, tình huống éo le... Sau khi lặn lội trầy trật, đã "sở hữu" dàn diễn viên: Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Trương Minh Quốc Thái, Minh Thư, Huỳnh Anh Tuấn...; một kịch bản với nhiều chuyện tình oan trái; cái tứ cảnh vật miền Tây lãng mạn, đạo diễn nhắc nhở mình một điều: "Làm phải có chiều sâu, nếu không chỉ là phim câu khách hời hợt". Hoàn thành tác phẩm đã ngốn hơn 2 năm tuổi trẻ của mình, anh tự hào nói: "Chúng tôi đã nỗ lực 200%".
Hương phù sa đang "kéo" khán giả truyền hình, sau khi phim nhựa vừa làm xong cú hit kéo hàng trăm nghìn khán giả đến rạp. Ông Nguyễn Việt Hùng, giám đốc hãng phim TFS, nhận xét: "Hương phù sa hoàn toàn có thể cạnh tranh với phim Hàn, cả về chất lượng hình ảnh, âm thanh lẫn nội dung".
Đỗ Duy