Nhắc đến Givenchy là nhắc đến một "đế chế" hùng mạnh trong làng mốt. Hàng trăm cửa hiệu của hãng được đặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi mẫu thiết kế của các đời giám đốc sáng tạo tài năng như Alexander McQueen, John Galliano, Julien MacDonald hay như hiện nay là Riccardo Tisci đều tạo nên những "cơn bão" thời trang có sức công phá lớn trên cả sàn catwalk lẫn thảm đỏ Hollywood. Tuy vậy, để Givenchy có được thành công ngày hôm nay, không thể không nhắc đến người khai sinh ra hãng thời trang này, Hubert de Givenchy.
Được mệnh danh là "kẻ nổi loạn tuyệt vời" của làng thời trang, tên tuổi Hubert de Givenchy bắt đầu trở thành hiện tượng khi ông cho ra đời chiếc váy đen huyền thoại mà Audrey Hepburn khoác lên người trong bộ phim Bữa sáng ở Tiffany. Ông góp phần giúp cho hình ảnh "little black dress" (đầm đen liền) trở thành trang phục kinh điển của nhân loại, chiếc váy nhất thiết phải có trong tủ đồ của mỗi phụ nữ và trở thành từ khóa hot trên các tạp chí, trang web thời trang hiện đại.
"Được gặp Audrey Hepburn là mối duyên và cũng là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời tôi", Hubert từng bộc bạch và cho biết, chính vẻ mong manh, nhẹ nhàng của nữ diễn viên là nguồn cảm hứng vô tận cho các thiết kế tao nhã và nữ tính đặc trưng của ông.
Năm 1953, Audrey Hepburn tìm gặp Givenchy để chuẩn bị trang phục cho bộ phim Sabrina. Khi đó, nữ diễn viên vừa chân ướt chân ráo bước lên màn bạc còn Givenchy đã là tên tuổi nổi tiếng trong làng thiết kế. Sự ăn ý trong phong cách, đồng điệu về tâm hồn khiến hai người trở thành đôi bạn thân. Họ truyền cảm hứng cho nhau, cùng truyền bá "phong cách Givenchy" rộng rãi thông qua những bộ phim lớn như Funny Face, Charade hay Love Among Thieves. "Phim nào tôi đóng, trang phục sẽ do Givenchy làm", Audrey Hepburn từng tâm sự. Đến nay, những bộ phim dùng thiết kế của ông vẫn nằm trong danh sách có trang phục hợp mốt nhất.
Ngoài Audrey Hepburn, Hubert de Givenchy còn thiết kế cho nhiều minh tinh và phụ nữ thuộc giới thượng lưu khác. Vẻ sang trọng của thời trang Pháp pha trộn với nét tự nhiên phóng khoáng đậm tính Mỹ khiến mỗi bộ váy áo do ông tạo nên có sức quyến rũ kỳ lạ với phái đẹp vào những thập niên 1950-1960. Danh sách khách hàng của Hubert de Givenchy luôn có tên các nữ diễn viên hạng A, giới hoàng tộc, vợ tổng thống cùng những cô "công chúa" của các "ông trùm" truyền thông.
Thành công của Hubert de Givenchy không chỉ dừng lại ở danh tiếng. Năm 1993 tại Pháp, Givenchy đạt kỷ lục doanh thu 176 triệu USD, chỉ xếp sau thương hiệu Dior. Những thành công gặt hái được khiến Hubert de Givenchy tự tin khẳng định trên tạp chí rằng: "Tôi chính là bí mật của sự thanh lịch".
Ngược dòng thời gian, từ năm 10 tuổi, giấc mộng trở thành nhà thiết kế thời trang đã in hằn trong tâm trí Hubert de Givenchy sau lần đến Hội chợ Thế giới tại Paris. Tại đây, chàng thiếu niên đã bị choáng ngợp và thích thú trước những bộ cánh yêu kiều khoác lên tấm thân của 30 chân dài từ Pavilion Elegance - thương hiệu cao cấp nổi tiếng nhất của Pháp thời bấy giờ.
Givenchy quyết tâm theo đuổi đam mê và trở thành sinh viên trường École des Beaux-Arts tại Paris năm 1944 khi ông 17 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, ông xin việc tại văn phòng của Balenciaga - nhà thiết kế ông ngưỡng mộ khi còn nhỏ. Hubert de Givenchy bị từ chối thẳng thừng. Lời khước từ không khiến ông chùn lòng mà còn tạo thêm động lực để Givenchy khẳng định bản thân trên con đường đã chọn.
Một năm sau, ông bắt đầu những bước đầu tiên hiện thực hóa ước mơ khi thiết kế cho Jacques Fath, một trong ba nhà mốt Haute Couture quyền lực nhất của Pháp thời bấy giờ. Sau đó, Hubert tiếp tục rèn dũa dưới sự chỉ đạo của các nhà thiết kế trứ danh như Robert Piguet, Elsa Schiaparelli hay Lucien Lelong. "Khoảng thời gian được làm việc cùng những tiền bối tên tuổi nhất thời kỳ đó là một điều may mắn và là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này của tôi", ông chia sẻ.
Năm 1952, ước mơ của Givenchy dần trở thành hiện thực khi ông mở cửa hiệu riêng nằm ngay gần một cửa hàng của Balenciaga. Tiếp đó, ông cho ra mắt bộ sưu tập đầu tay. Các trang phục được đánh giá là thanh lịch, và đặc biệt là tạo được sự thoải mái khác biệt so với trang phục nặng nề và cầu kỳ của phụ nữ thời đó. Một trong những bí quyết là dùng vải cotton thô, chất liệu trước đây chỉ dùng cho đồ may thử. Bộ sưu tập gây ấn tượng mạnh với ngành công nghiệp thời trang lúc ấy, đẩy Givenchy thêm một bước lên nấc thang danh vọng.
Năm 1973, Hubert lần đầu đưa hãng Givenchy bước chân vào lĩnh vực thiết kế trang phục nam với sự ra mắt của dòng sản phẩm "Gentleman Givenchy". Sau đó, ông biến nhà mốt của mình trở thành người tiên phong trong việc giới thiệu bộ sưu tập ứng dụng (Ready to wear) cho phái nữ.
Hiện nay, Givenchy sống lặng lẽ tại vùng ngoại ô nước Pháp. Ông tìm đến thú vui sưu tầm đồ cổ sau khi từ bỏ sự nghiệp thời trang.
Thi Thi