Kịch bản do nghệ sĩ Lê Quốc Nam phóng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vở kể về mối quan hệ giữa Thúy Kiều (My Trần đóng) với Đạm Tiên (Lê Lộc) và Hoạn Thư (Phạm Yên). Tác phẩm có các phân cảnh như Kiều gặp Đạm Tiên qua giấc mộng, Kiều báo oán Hoạn Thư... Trong vở, nhân vật Thúy Kiều hiện lên đa chiều. Vở sẽ ra mắt khán giả TP HCM cuối tháng 12 tại sân khấu kịch Chợ Lớn (quận 5).
Hồng Vân cho biết chị chọn lát cắt nhỏ trong tác phẩm gốc để gửi gắm thông điệp: bi kịch của Kiều là do thiên định hay nhân định. Vở được dựng theo kiểu nhạc kịch, gồm người dẫn chuyện đọc những câu thơ và diễn viên hát minh họa. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phụ trách âm nhạc cho vở. "Tôi chọn thể loại nhạc kịch vì muốn câu chuyện dễ dàng truyền tải cảm xúc đến người xem qua giai điệu, ca từ", Hồng Vân nói.
Hồng Vân từng giới thiệu vở tại Hà Nội vào giữa tháng 10 trong một dự án về Truyện Kiều. Khi đó, tác phẩm chỉ được diễn trích đoạn ngắn khoảng 30 phút, không bán vé, số khán giả hạn chế. Đợt diễn sắp tới là lần dàn dựng hoàn chỉnh nhất của Hồng Vân.
Nhà thiết kế Minh Châu đảm nhận phần trang phục. Anh kể mất nhiều tháng nghiên cứu tư liệu để chọn màu sắc, họa tiết phù hợp. Anh dùng chất liệu lụa, voan, tính co giãn cao để diễn viên thoải mái cử động khi ra sân khấu. Với vai Tú Bà (Ốc Thanh Vân), anh may ba bộ khác nhau để thể hiện tính cách diêm dúa của nhân vật.
Hồng Vân sinh năm 1966, quê Bắc Ninh. Từ năm 1989 đến năm 2000, chị là diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Năm 2012, chị được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị tham gia nhiều bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình như Cô Ba Sài Gòn (2017), Xóm trọ 3D (2017), Gạo nếp gạo tẻ (2018)... Ngoài đóng phim, chị còn "bà bầu" của sân khấu kịch Phú Nhuận, SuperBowl... Gần đây, chị đóng cửa sân khấu SuperBowl sau 12 năm thành lập vì phải trả lại mặt bằng.
Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc). Truyện lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh nhà Minh (1521 - 1567). Nhân vật chính - nàng Kiều - phải bán mình làm lẽ rồi lưu lạc vào lầu xanh. Tác phẩm được coi là "Tập đại thành của văn học cổ điển nước nhà". Ngôn từ, lời lẽ trong tác phẩm được dùng để đối đáp trong sinh hoạt văn hóa người Việt như: lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều, hát ví dặm Nghệ An, Hà Tĩnh bằng lời thơ trong Kiều...
Tam Kỳ