- Nhiều năm không đóng phim truyền hình, vì sao chị nhận lời tham gia Cây táo nở hoa?
- Có ba lý do khiến tôi gật đầu tham gia dự án phim lần này. Thứ nhất là khi đọc kịch bản, tôi thấy đây là câu chuyện về gia đình rất quen thuộc, gần gũi và đầy cảm xúc. Tôi thấy bóng dáng của mẹ, của dì mình ở trong nhân vật Hạnh. Vai diễn nặng ký, có nhiều chất liệu để diễn viên thỏa sức sáng tạo. Thứ hai, tôi biết mình được đóng cặp anh Thái Hòa.
Quan trọng nhất là tôi muốn đóng phim cho bà ngoại, các cô, dì ở dưới quê xem. Ở nhà, mọi người thích xem phim truyền hình dài tập lắm. Bà ngoại cứ hay nói: "Nhà có đứa cháu làm diễn viên mà lâu lắm rồi không được xem phim nó đóng". Tôi thường làm phim điện ảnh, bà dưới quê, không có điều kiện ra rạp. Nhưng điều khiến tôi tiếc nuối là phim chưa phát sóng thì ngoại đã qua đời rồi.
- Thái Hòa là một trong những lý do chị nhận vai, trên phim trường, anh chị hợp tác ra sao khi hóa thân vợ chồng?
- Trước khi bấm máy, chúng tôi có một tháng ngồi với nhau để tập kịch bản, phân tích nhân vật. Tôi và anh Hòa đều cố gắng diễn chân thật, gần gũi nhất. Có lần, khi quay cảnh vợ chồng Ngọc - Hạnh ôm nhau khóc ở tập 14, tôi và anh Hòa đều biết đó là cảnh khó. Bình thường, Thái Hòa là cây hài của cả đoàn, lúc nào cũng vui vẻ, trêu đùa mọi người. Nhưng hôm đó, anh ấy cứ lầm lì. Không có cảnh quay nhưng anh ấy cứ ngồi ở chỗ sửa xe, tháo ra lắp vào rồi ném, đá đồ đạc lung tung hết. Mọi người trong đoàn thấy vậy thì sợ lắm, né hết.
Ban đầu, tôi nghĩ không biết trong nhà anh ấy có việc gì không. Nếu Thái Hòa cứ giữ tâm trạng đó, tôi cũng không diễn được, mà phân cảnh đó rất quan trọng. Sau đó, tôi lân la, cố tình hỏi cái này, cái kia để nói chuyện. Cuối cùng, biết được anh ấy lo kịch bản khó, không biết thể hiện sao cho tốt nhất. Hai anh em trao đổi, tìm cách nâng đỡ cảm xúc cho nhau. Riêng cảnh đó, tôi diễn vừa là nhân vật Hạnh, vừa là Hồng Ánh quan tâm Thái Hòa ở ngoài đời.
Sau đó, tôi hiểu rằng diễn xuất là cách bày tỏ trạng thái cảm xúc đời thường, vì vậy, nếu chịu khó quan sát, quan tâm đến bạn diễn, sẽ dễ làm tốt các phân cảnh tình cảm. Diễn đôi với nhau, không phải chỉ cần hô bấm máy, bước vào set quay là xong mà phải tương tác, quan tâm nhau để cảm nhận được sự chân thành, thân thiết. Chứ lúc đó, Thái Hòa cộc lắm, trả lời gọn lỏn à. Nếu tôi không thông cảm, tự ái, khó có cảnh quay tốt.
- Ngoài tương tác với bạn diễn, chị gặp khó khăn gì?
- Ban đầu, khi nhận vai tôi rất lo sợ. Vốn là diễn viên sân khấu, nhiều năm không đóng phim truyền hình, vì thế, tôi sợ biểu cảm của mình bị thái quá. Và nếu rơi vào trường hợp đó tôi phải làm sao để điều chỉnh.
Hạnh là mẫu người tình cảm, quan tâm đến người khác nhưng lại không khéo ăn nói, hành động nóng nảy. Để lột tả được tính cách trái ngược trong con người nhân vật giúp khán giả thấu hiểu là điều không hề đơn giản. Tôi phải đọc kỹ kịch bản để hiểu và đồng cảm với nhân vật, rồi bám vào đó để diễn. Kinh nghiệm đóng vai vợ trên màn ảnh cũng giúp tôi rất nhiều khi quay phim.
- Ở hầu hết phân cảnh, Hạnh xuất hiện là khóc. Chị lấy cảm xúc ra sao?
- Khi đã nắm rõ nhân vật, tình huống, bối cảnh, mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Tôi luôn tập trung cao độ, không dám lơ là một phút nào. Ở cảnh Hạnh nói với chồng chị bị trầm cảm, dù xung quanh êkíp đang dời máy, đèn... tôi cứ phải đeo tai nghe rồi gục đầu xuống để không bị ảnh hưởng, làm trôi đi cảm xúc nhân vật.
- Việc nuôi dưỡng cảm xúc nhân vật ảnh hưởng đến tâm lý chị thế nào?
- Cây táo nở hoa không vất vả về thể chất nhưng rất nặng về tinh thần. Phim dài 70 tập, quay suốt hơn một năm trong khi nhân vật có quá nhiều cảm xúc tiêu cực như: giận dỗi, la mắng, khóc, ức chế... Tôi vốn là người tích cực mà cũng phải stress, kiệt sức vì vai Hạnh. Nhiều lúc, tôi còn lôi nhân vật vào cuộc sống riêng. Có hôm đi quay về, tôi bực bội, cáu gắt, giận cá chém thớt với các thành viên trong gia đình. Khi thấy người thân hoặc xung quanh có tình huống nào giống trong phim, tôi có những phản ứng thái quá. May mắn là tần suất không nhiều và mọi người cũng hiểu, thông cảm.
Chưa kể, trên phim trường có nhiều áp lực ngoại cảnh như: tiến độ quay, thời tiết, dịch bệnh... Tôi cũng lo lắng, ức chế khi diễn không tốt, chưa khắc họa được nhân vật. Bởi vậy mà quay phim xong tôi thấy mình xấu thê thảm: nếp nhăn sâu hơn, da sạm đi, tóc thì rụng nhiều.
- Đây là điểm giống nhau của nhân vật Hạnh và Hồng Ánh ngoài đời?
- Tôi thấy mình giống Hạnh là nếu còn thương, còn yêu, cái gì tôi cũng vượt qua. Tôi sẵn sàng sống chết vì chồng, con, anh em, bạn bè mà không quan tâm, suy nghĩ đến bản thân. Thậm chí, cái gì có thể cho được tôi cho hết. Tôi xuất thân trong gia đình lao động nên không ngại khó khăn, vất vả. Trong tình yêu cũng vậy, nhiều người nói tôi mù quáng, thiệt thòi nhưng tôi lại cảm thấy rất hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi đã không còn tình cảm hoặc ai đó khiến tôi mất niềm tin, tôi cực kỳ lạnh lùng, khắc nghiệt và khó hàn gắn lắm. Bởi vậy, tôi đề cao sự chân thành, trung thực.
- Vai diễn của chị nhận được nhiều lời khen, nhân vật Hạnh còn được gọi là "chị dâu quốc dân", chị đón nhận ra sao?
- Tôi thấy hạnh phúc vì chứng tỏ khán giả hiểu nhân vật. Có hiểu được lý do cô ấy cáu gắt, mắng mỏ, ức chế... thì họ mới thương, mới gọi đó là "chị dâu quốc dân". Có nhiều ý kiến bình luận về vai diễn, nội dung phim trên mạng xã hội, có thời gian tôi đều đọc và tiếp thu.
Tôi nghĩ, mẫu người như Hạnh có rất nhiều ở đời thực. Khi xem phim, nhiều người chắc sẽ thấy đó như mẹ, dì hay chị dâu của mình nên mới đồng cảm. Chẳng hạn như mẹ tôi, khi xem phim, thấy con gái cực khổ, bà bảo: "Ôi, nhìn thấy xót quá". Tôi trêu rằng nếu lùi lại mấy chục năm trước, mẹ cũng y xì Hạnh. Trước kia, nhiều lần tôi thấy bố với mẹ cãi nhau "nảy lửa". Hồi đó tôi nghĩ với những gì mẹ nhận xét về bố thì sao không bỏ nhau đi cho rồi. Chớp mắt một cái đến giờ mấy chục năm trôi qua, có bỏ đâu. Tôi hiểu, mẹ có thể cực khổ, nhiều lúc không vui nhưng vì tình yêu, thấy chồng, con khỏe mạnh thì chuyện gì cũng vượt qua được hết.
Hiểu Nhân