Lana Del Rey đặt cho album của mình một cái tên rất đỗi ngọt ngào – Honeymoon - nhưng lại nhuộm toàn bộ ca khúc trong đó bằng một màu xanh buồn bã. “Đó là màu yêu thích của tôi, cũng là tông yêu thích cho các bài hát”, cô thú nhận trong The Blackest Day – một bản Ballad u ám như chính tên gọi. Sau đó, nữ ca sĩ tiếp tục hát về chuỗi ngày đen tối của mình, về những xúc cảm khó diễn đạt bằng lời khi người tình bỏ cô đi xa.
Đây là album phòng thu thứ tư, đánh dấu mốc năm năm từ khi cái tên Lana Del Rey xuất hiện trên bản đồ âm nhạc. Dường như cô chưa bao giờ thoát khỏi “thế giới tàn bạo” mình tạo ra. Nghe Honeymoon, khán giả thấy cô vẫn quanh quẩn đâu đó trên con đường một mình, tìm kiếm tình yêu dẫu biết đó là trò chơi mà Lana chỉ là kẻ thua cuộc.
Ý tưởng dành cho Honeymoon bắt đầu sau khi Lana Del Rey phát hành Ultraviolence (2014) vào tháng 6 năm ngoái. Quá trình thực hiện album mới diễn ra cũng rất nhanh, trong vòng chưa đầy một năm. Lana cho biết dự án mới này không giống Ultraviolece mà có phần tương đồng album trước đó của cô là Born to Die (2012) và đĩa Paradise (2012).
Tuy nhiên, âm nhạc của Ultraviolece thiên về Rock, Born to Die lại nổi tiếng bởi chất liệu Trip-Hop, trong khi các bài hát của Honeymoon phần lớn là Ballad, sử dụng kèn và bộ dây mang âm hưởng nhạc Jazz thập niên 1940, 1950. 14 ca khúc - gồm một bản Interlude và một bài cover – được phối nhẹ nhàng, tiết chế, giai điệu chậm rãi còn ca từ thì “đặc sệt” Lana Del Rey khi viết về tình yêu tan vỡ.
Ca khúc đầu tiên cũng là ca khúc chủ đề, Honeymoon, cho thấy những thay đổi của Lana Del Rey trong album mới. Bộ dây kéo từng hồi dài thiết lập một không khí hoài cổ và ủ rũ. Lana sau đó cất lời tâm sự về tình yêu của mình: “We both know, that it’s not fashionable to love me” (Cả hai ta đều biết rằng yêu em là không hợp thời). Cô buông chữ “fashionable” nhẹ như đang nhả khói thuốc rồi ngân nga từng từ dịu dàng theo kiểu hát ru. Cứ thế, bài hát bồng bênh trôi trong vòng gần 6 phút mà không có bất cứ đoạn cao trào nào.
Ca khúc tiếp theo, Music To Watch Boys To, có giai điệu nhanh hơn một chút nhưng cảm giác gần như tương tự: không điểm nhấn và cứ trôi đều đều. Câu hát đầu tiên với phần giọng xếp chồng lên nhau cũng là điệp khúc được lặp đi lặp lại xuyên suốt, nói về cách Lana vượt qua nỗi buồn khi người yêu xa khuất: “I see you’re going, so I play my music watch you leave” (Em thấy anh đang ra đi nên em cất lên những nốt nhạc của mình để chứng kiến điều đó).
Khi đã đi qua hơn một nửa số ca khúc trong Honeymoon, Lana Del Rey tạm ngừng lại bằng một bản Interlude mang tên Burnt Norton, vốn là đoạn đầu một bài thơ cùng tên của T. S. Eliot. Cô thủ thỉ từng lời về thời gian: “Cả hiện tại và quá khứ, có lẽ đều có mặt ở tương lai và tương lai có mặt trong quá khứ”. Đây cũng là lời nhận xét mà Lana dành cho âm nhạc của mình – thứ âm nhạc “retro” khơi gợi những xúc cảm của quá khứ, dù chứa đựng giai điệu hiện đại.
Trong đĩa đơn mở màn - High by the Beach, Lana trở lại với chất Trip-Hop từng làm nên tên tuổi nhưng thay vẻ ngốc dại của Born to Die lẫn giận dữ của Ultraviolence bằng sự bất cần. Cô nhanh nhảu nối từ “baby” với “bye-bye” như lời chào tạm biệt, rồi thẳng thừng tuyên bố: “We won’t survive, we’re sinking into the sand” (Chúng ta không tồn tại, chúng ta đang chìm vào cát bụi). Những gì cô muốn hiện tại chỉ là được vui vẻ bên bờ biển.
Càng về sau, âm nhạc trong Honeymoon càng trở nên “đen tối hơn”, ca từ thể hiện rõ nỗi trăn trở về thời gian. Freak và Art Deco tiếp tục sử dụng Trap Beat nhưng với hai sắc thái hoàn toàn trái ngược. Một bài đầy thách thức (“Be a freak like me, too” - hãy cuồng dại như em), bài kia lại trống vắng đến nao lòng (“Cause you want more, why?” - bởi vì anh muốn nhiều hơn nữa, tại sao vậy?).
Khi viết về cảm giác hạnh phúc lúc được yêu, Lana không ngần ngại bày tỏ nguyện ước của mình trong Freak: “If time stood still, I’d take this moment, make it last forever” (Nếu thời gian đứng yên, em sẽ lưu giữ khoảnh khắc này mãi mãi). Biết rõ điều đó là không thể nên trong 24, cô hát: “There’s only 24 hours and that’s not enough” (Chỉ có 24 giờ mỗi ngày và không thể đủ được). Thậm chí trước đó, cô còn chèn những tiếng tíc tắc đồng hồ vào phần beat của Salvatore, như báo hiệu quỹ thời gian của mình đang cạn dần.
Đến Swan Song, Lana nhắn nhủ người tình rằng thế giới có thể đổi nhưng không gì ngăn được đôi ta: “Let’s just get lost, that’s what we want” (Hãy biến mất, đó là những gì chúng ta muốn).
Phần còn lại của Honeymoon là những bản Ballad “đậm đặc” nỗi buồn. Trong Terrence Loves You, chỉ còn Lana một mình đối diện với cô đơn: “I lost myself when I lost you” (Em đánh mất bản thân mình khi mất anh). Ở đoạn Bridge, Lana mượn lời từ Space Oddity của David Bowie và biến nó thành phần hay nhất trong bài hát: “Ground control to Major Tom, can you hear me all night long?”. Bên cạnh Bowie, xuyên suốt album, Lana Del Rey còn liên tục nhắc đến Lay Lady Lay của Bob Dylan, Hotel California của the Eagles và đặc biệt là The Blackest Day của Billie Holiday.
Cuối cùng, cô kết thúc “tuần trăng mật” buồn bã của mình bằng bản cover một ca khúc của Nina Simone - Don't Let Me Be Misunderstood. Để làm mới, nữ ca sĩ gột bỏ sự tha thiết của bản gốc, thêm vào đó một chút điên đảo và tăm tối. “Cause I love you” (Vì em yêu anh) - cô kết luận.
Honeymoon tiếp tục cho thấy Lana Del Rey như một biểu tượng kỳ lạ của âm nhạc đương đại. Dù những giai điệu mà cô tạo ra quả thực không hề “fashionable” (hợp thời), chúng lại có sức hấp dẫn khó thể chối từ. Đây có thể không phải là album thành công nhất của Lana Del Rey về mặt thương mại, nhưng lại thể hiện rõ tinh thần của cô nhất.
Trước đây, Lana từng sắm nhiều vai diễn: nàng Lolita ngây thơ, “cô gái buồn” si mê người tình lớn tuổi, hay thậm chí là kẻ thứ ba đứng sau cuộc tình. Đến Honeymoon, Lana Del Rey là người đàn bà dành trọn 24 giờ mỗi ngày để yêu nhưng dường như vẫn chưa đủ.
“Sinh ra để chết” nhưng “sống là để yêu” – đó là cách cô thể hiện trong những bài hát của mình.
Nghe album "Honeymoon" - Lana Del Rey |
Sơn Phước