Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 khai mạc sáng 11/2. Bên cạnh các hoạt động ngâm, vịnh thơ, thả thơ quen thuộc, ban tổ chức còn dựng "Con đường thi nhân" dọc theo lối đi từ cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khách tham quan nhanh chóng phát hiện hình ảnh trên panô tôn vinh thi sĩ Hàn Mặc Tử là nhà thơ Yến Lan. Hình ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc với độc giả cũng như giới chuyên môn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết "Con đường thi nhân" được thi công gấp rút trong đêm trước ngày khai mạc. Vì thế, ban tổ chức không có thời gian kiểm duyệt kỹ càng nên để xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc. Hiện tấm panô đã được gỡ xuống và thay thế. Ông Hữu Thỉnh hy vọng sự cố này sẽ không ảnh hưởng đến thành công của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15.
Tương tự, trên "Con đường thi nhân" này, hình ảnh cụ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) cũng bị nhầm lẫn với cụ Phan Thanh Giản (1796 - 1867). Cụ Phan Thanh Giản là đại thần làm quan dưới ba triều của nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Cụ sinh trước cụ Nguyễn Khuyến 39 năm.
Ngoài các sai sót trên, ở "Con đường thi nhân", độc giả cũng phát hiện nhiều câu thơ trích dẫn không chính xác. Câu: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được chuyển thành "Đời còn để có hôm nay".
Nhiều người thất vọng vì con đường này được trang trí sơ sài, đơn điệu. Cách thức in ảnh nhà thơ đương đại trên panô vinh danh cũng gây tranh cãi khi một số người nhận xét là giống "ảnh thờ".
Trước đó, ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn chia sẻ "Con đường thi nhân" là nơi vinh danh hơn 200 nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam cùng tác phẩm hay của họ về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Theo ông, con đường này có thể phần nào khắc họa tinh thần dân tộc và tâm hồn người Việt. Hội Nhà văn kỳ vọng có thể dựng tượng tôn vinh các nhà thơ Việt Nam trong những lần tổ chức sắp tới.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chủ đề xuyên suốt của sự kiện năm nay là "60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước".
Ngày thơ có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá thi ca trên cả ba sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn. Ban tổ chức cũng dành không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi, bên cạnh khu vực thơ của các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Ngày thơ có không gian triển lãm "60 năm Hội nhà văn Việt Nam" trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của hội.
Vĩ Thanh