Cuốn hồi ký Rong chơi của giọng ca Bức Tường vừa ra mắt độc giả. Sách được viết qua lời kể của Trần Lập, Yo Le (Lê Thu Thủy) chấp bút. Tác phẩm không phải tiểu sử về cuộc đời nam ca sĩ mà nói về những đam mê của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường như âm nhạc, xe mô tô và những cung đường. Yo Le có sáu tháng đi theo Trần Lập trong các cuộc chơi, lục tìm quá khứ, nghiền ngẫm thực tại, chứng kiến biến cố bất ngờ trong đời Rocker.
Nhân dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng bốn phần của cuốn sách này.
Phần 1: Tuổi mới lớn bí bách, túng quẫn
Vào những năm đầu thập niên 90, khi Trần Lập bước sang tuổi mười bảy mười tám, ước mơ ca hát nảy nở từ bé cùng tình yêu nhạc Rock đã biến chuyển thành một mơ ước rõ ràng hơn: cậu muốn trở thành ca sĩ và có một ban nhạc của riêng mình. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn trong những năm tháng mới lớn này không phải là mảnh đất tốt lành nuôi dưỡng những ước mơ.
Hồi ấy, Trần Lập cùng cha mẹ sống trong một căn hộ chỉ vỏn vẹn 16 mét vuông nằm nép mình trên tầng ba của một khu tập thể xuống cấp và xập xệ trong quân khu Nam Đồng. Cha Trần Lập lúc này đã liệt nửa người do tai biến, trong khi mẹ cậu vì căn bệnh thấp khớp mãn tính nên cũng gần như bại liệt. Gia đình vốn đông con, nhưng các chị lớn đều đương phải bươn chải mưu sinh ở nước ngoài. Ở nhà, dẫu còn người anh trai là dân xã hội, nhưng bản thân anh còn có gia đình riêng cần lo toan nên ngoài chuyện đường phố ra cũng chẳng thể đỡ đần cậu được việc gì.
Từ việc cơm nước nhà cửa cho đến chăm sóc ăn uống vệ sinh cho cả hai người ốm, một mình cậu em út Trần Lập phải cáng đáng hết. Không những thế, vì cha mẹ đã mất sức lao động trong khi cậu đang ngồi trên ghế nhà trường nên lại phát sinh thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền. Của nả trong nhà có bao nhiêu cũng lần lượt đội nón ra đi. Cho đến giờ, Trần Lập chỉ còn giữ lại được hai món đồ: chiếc máy khâu và hộp thuốc nhôm của bố. Nhiều khi nhìn cảnh nhà u tối mờ mịt, rồi lại nhìn sang cuộc sống vô ưu vô lo của bạn bè đồng trang lứa, cậu không sao tránh khỏi những suy nghĩ bồng bột của tuổi mới lớn. Có lúc túng quẫn quá, cậu chỉ muốn tung hê hết tất cả, muốn nhảy béng từ tầng ba nhà xuống cho đi xong hết những cục uẩn ức, nặng nề.
Chỉ có thể nói rất may rằng, cơn tiêu cực bay loạn xạ trong đầu nhưng vẫn chưa đủ để tạc thành hành vi. Thương bố mẹ, cậu lại cố gắng gồng mình lên vừa đi học vừa chăm sóc mẹ cha vừa từng bước tìm cách kiếm tiền. Lơ ngơ bước vào đời, có thể làm được việc gì Trần Lập đều xắn tay vào làm hết. Thậm chí có những công việc đẩy cậu đứng trên vạch ranh giới tranh tối tranh sáng, chỉ cần sảy chân một chút là có thể rẽ sang ngõ tối tự lúc nào...
Vào khoảng thời gian học hè giữa năm lớp 11 và lớp 12, chị cả của Trần Lập ở bên Đức có gửi về cho hai anh em ở nhà mỗi người một chiếc xe Simson (Simson là dòng xe được ưu ái đặt cho cái tên "dòng xe vang bóng một thời", bởi vào những năm 1980 - 1990, nó được coi là niềm mơ ước của nhiều người, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể mua được). Sau khi tiêu hết chiếc xe của mình, anh trai bắt đầu gạ Trần Lập hãy bán nốt chiếc xe của cậu để cùng hùn vốn làm ăn với anh, còn dặn dò không được nói với ai, kể cả mẹ và chị cả. Sau một hồi loay hoay suy nghĩ không biết nên quyết định thế nào, rốt cuộc Trần Lập cũng xuôi theo, và rồi vỡ nhẽ vụ làm ăn kia hóa ra liên quan đến trò đen bạc. Cụ thể, cậu được anh trai thuê đi... ôm bảng đề.
Thời bấy giờ, người ôm bảng bao giờ cũng là thành phần rất có máu mặt và đúng lý sẽ được hưởng trọn phần ăn chia. Thế nhưng một cậu chàng ngây thơ như Trần Lập dĩ nhiên không hiểu được điều này, nên cậu đồng ý để anh trai quản lý hết số tiền thu được, và nhận mười nghìn tiền công vào mỗi cuối ngày. Thật ra, mười nghìn lúc đó cũng là một số tiền không hề nhỏ (bởi giá một bát phở khi ấy mới chỉ khoảng một nghìn rưỡi mà thôi), nhưng thực tế cậu cũng chỉ được trả đều đặn vài tuần, rồi tiền công cũng bốc hơi đi đâu mất. Thì chuyện đỏ đen muôn đời vẫn vậy, bao giờ chẳng là thắng ít thua nhiều. Khi thắng thì không sao, nhưng khi thua, ai cũng hiểu anh trai cậu làm gì có tiền để trả.
Bước chân vào một công việc có dính dáng tới giới giang hồ, nên Trần Lập cũng phải khoác lên mình tấm áo của dân xã hội. Tức là, trong những ngày tháng đó, cậu thường trực xuất hiện với hình ảnh mặc áo nato cùng quần ga, đầu đội mũ cối chóp vàng, chân đi đúc tàu, y chang bất cứ thành phần bất hảo nào trong các quân khu. Người bình thường nhìn thấy cậu tất sẽ nảy sinh cảm giác dè chừng, nửa sợ nửa khinh chứ chẳng bao giờ nghĩ rằng dưới cái bộ dạng kia, Trần Lập vẫn trần trụi là một cậu chàng ngây thơ với những niềm tin trong sáng. Cậu đơn giản là không thể cứ giữ lối ăn mặc thư sinh như trước, bởi cái hình thức ngông nghênh, bặm trợn ấy mới là thứ giúp cậu tồn tại được trong cái giới này. Nó giúp cậu tăng sức nặng trong lời nói, khiến cậu được vì nể trong các cuộc làm ăn.
Nhưng suy cho cùng, mớ áo giáp uy phong đó đâu phải cái Trần Lập thật sự cần. Điều cậu mong muốn chỉ giản đơn là có được một công việc tương đối ổn định, đủ chi trả cho cuộc sống khó khăn hàng ngày. Và hẳn nhiên, việc đi ôm bảng đề rồi nhận mấy đồng mười nghìn bập bà bập bõm lúc cuối ngày hoàn toàn chẳng đáp ứng được nguyện vọng đó. Vì vậy, ngay khi tìm được công việc khác, cậu bỏ luôn, trút hết đám áo nato, quần ga, mũ cối gì gì đó, khoác lên người những bộ đồ cũ giản dị mà bạn cùng lớp thương tình đem cho, rồi trở lại với cái bản chất lành tính vốn có của mình.
còn tiếp...
(Trích sách Rong chơi - Trần Lập, rock, moto và những cung đường, tác giả Yo Le, 1980 Books - Nhà xuất bản Lao Động).