Những ngày cuối tháng 10, Hoàng Thùy Linh nán lại Hà Nội sau buổi biểu diễn trong một chương trình âm nhạc trên phố đi bộ. Cô ký tặng đĩa cho một số bạn bè và người hâm mộ. Ca sĩ tiết lộ album phòng thu thứ ba - Hoàng - đang "cháy hàng", phải in thêm. Trên itunes, sản phẩm đứng thứ ba trong danh sách được download nhiều nhất. Hoàng Thùy Linh bất ngờ vì sự đón nhận của khán giả. "Tôi thực hiện album vì muốn thỏa mãn đam mê, cái tôi. Tôi từng sợ album khó nghe nên vô cùng phấn khích khi thấy khán giả thích thú", cô nói.
Hoàng, trước hết gửi gắm cái "tôi" ngạo nghễ của Hoàng Thùy Linh, ngay từ tiêu đề album. Cô giải thích chữ Hoàng mang nhiều ý nghĩa, vừa là họ của cô, lại gợi sự liên tưởng đến ánh sáng, sự rực rỡ. Trước đó, Hoàng Thùy Linh cũng đặt tên cuốn tự truyện ra mắt năm ngoái của mình - Vàng Anh và Phượng Hoàng. Trong tâm thư đính kèm album mới, cô trải lòng: "10 năm, nếu không có những tiền bối, những người đi trước động viên, khích lệ và tạo điều kiện thì Linh có lẽ sẽ vẫn chỉ là con chim Vàng Anh cứ loay hoay trong chiếc lồng sắt".
Hoàng có kết cấu chặt chẽ, gồm bảy ca khúc Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Lắm mối tối ngồi không, Kẽo cà kẽo kẹt, Tứ phủ, Kẻ cắp gặp bà già, được đặt giữa hai phần là Khởi đầu và Giải kết. Các ca khúc được sắp xếp theo ý tưởng xuyên suốt, kể về một cô gái vào đời với nhiều ước mơ, trải qua biến cố trong cuộc sống, cuối cùng trưởng thành, bản lĩnh hơn. Thai nghén Hoàng từ khi thực hiện Bánh trôi nước (2016) nhưng cô không đưa ca khúc vào album vì muốn mang lại sự mới mẻ cho sản phẩm.
Album sử dụng chất nhạc điện tử kết hợp phong cách World Music (thể loại nhạc mang âm hưởng Pop, ảnh hưởng từ văn hóa của các địa phương, vùng miền khác nhau). Dưới sự nhào nặn của Hồ Hoài Anh và nhóm DTAP, các ca khúc dễ nghe, dễ thuộc dù gửi gắm nhiều thông điệp sâu xa. "Càng dấn thân vào chất liệu âm nhạc dân gian, tôi càng cảm thấy mình và những người cộng sự như 'cá gặp nước'. Tôi mong muốn mang nét đẹp văn hóa vừa có tính lịch sử, vừa cộng hưởng tinh hoa thời đại vào ca khúc của mình", Hoàng Thùy Linh nói.
Nữ ca sĩ chọn nhiều hình tượng phụ nữ điển hình trong văn hóa, văn học Việt. Đó là Mị (Để Mị nói cho mà nghe), Kiều (Em đây chẳng phải Thúy Kiều), Tấm (Kẽo cà kẽo kẹt), cô Bơ (Tứ Phủ). Họ đều là những phụ nữ nết na, gặp nhiều biến cố nhưng vẫn một lòng trung trinh, son sắt. Tuy nhiên, khác với hình tượng văn học, người con gái trong âm nhạc của Hoàng Thùy Linh chủ động kiếm tìm hạnh phúc, làm chủ cuộc đời.
Để Mị nói cho mà nghe là ca khúc quen thuộc nhất trong album, nhờ vào hiệu ứng lan tỏa từ MV ra mắt trước đó. Cô gái trong đó bày tỏ khát khao sống hết mình với tuổi trẻ, gây đồng cảm nơi người nghe. Vì thế khi đi diễn gần đây, Hoàng Thùy Linh nói cô luôn phải chuẩn bị trang phục của Mị bởi chắc chắn khán giả sẽ yêu cầu. Với Em đây chẳng phải Thúy Kiều, ca sĩ khẳng định cô không chờ đợi được ban phát tình yêu: "Em đây chẳng phải Thúy Kiều/ Giam thanh xuân chờ tình yêu anh".
Kẽo ca kẽo kẹt là âm thanh của khung cửi, khi cô Tấm bị em cùng cha khác mẹ giết hại, phải nương náu linh hồn nơi cây xoan đào. "Kẽo ca kẽo kẹt/Lấy tranh chồng chị/Chị khoét mắt ra". Trong tích truyện dân gian, tiếng kẽo kẹt vang lên ghê rợn. Trong ca khúc của Hoàng Thùy Linh, âm thanh ấy ám chỉ nỗi đau của một người từng trải qua nhiều biến cố, đau thương.
Kẻ cắp gặp bà già đúc kết tư tưởng về nhân quả, trước hết là trong tình yêu - "Kẻ đi gieo tương tư giờ thành kẻ đi ôm tương tư ngược lại". Hoàng Thùy Linh khép lại album với Giải kết. Trong một phút 15 giây, Giải kết là bản mash-up những câu hát quan trọng trong các ca khúc trước, đúc kết tinh thần của album. Ca sĩ kết thúc với câu "Trò chơi hết rồi" của bài Kẻ cắp gặp bà già. Cô chia sẻ: "Tôi mong muốn gợi cảm xúc nhẹ nhàng, tươi vui cho người nghe, đồng thời mong mọi người coi những chuyện đã trải qua là một trải nghiệm, gạt bỏ tâm lý hơn thua trong cuộc sống".
Bảy ca khúc là bảy mẩu chuyện phản ánh những bài học, trải nghiệm trong tình yêu, cuộc sống của Hoàng Thùy Linh. Mỗi ca khúc trong Hoàng có sự chọn lọc, giao thoa giữa chất liệu văn hóa dân gian và các yếu tố hiện đại. "Hoàng là sự đúc kết trọn vẹn nhất cho hành trình đeo đuổi văn hóa dân gian của tôi kể từ ca khúc Bánh trôi nước. Tôi không muốn chỉ đơn thuần trở thành người khơi mào trào lưu mà không để lại dấu ấn gì sau đó. Sau 10 năm, tôi tự tin giới thiệu với khán giả về tư duy âm nhạc, định hướng nghệ thuật của mình và cùng họ nhìn lại con người hiện tại cũng như chặng đường trưởng thành của Hoàng Thùy Linh", cô nói.
Hà Thu