- Những thí sinh sử dụng trích đoạn của ông đều đoạt giải cao trong "Chuông vàng vọng cổ" 2014. Ông có cảm xúc gì?
- Tôi cảm thấy vinh dự và hạnh phúc. Giữa bối cảnh sân khấu đìu hiu hiện nay, vẫn có những người trẻ, bỏ qua mọi cơ hội khác để đến với cải lương. Họ khá dũng cảm khi dấn thân vào một loại hình nghệ thuật không hái ra tiền, không nhiều cơ hội để nổi tiếng. Là người may mắn đi trước và có nhiều kinh nghiệm hơn các em, tôi đã theo sát chương trình này từ mùa giải đầu tiên nhằm tìm kiếm đội ngũ kế cận.
Tôi hạnh phúc với niềm vui chung, vì bắt được những tín hiệu lạc quan qua mỗi mùa thi, không đơn thuần là chuyện các em sử dụng tác phẩm của tôi và đoạt giải.
- Theo ông, đâu là lý do sân khấu cải lương hiện nay khá vắng tác giả chuyển thể, trong nhu cầu về kịch bản hay luôn có?
- Lực lượng tác giả cùng trang lứa và trẻ hơn tôi hiện nay không thiếu. Hiện cả TP HCM chỉ có nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chuyên về cải lương. Cả nhà hát có 3 đơn vị nhỏ, một năm tiêu thụ nhiều lắm 5-6 kịch bản. Vì không có đầu ra nên những tác giả viết cải lương thưa vắng dần. Tôi may mắn hơn các bạn là có đầu ra ngay tại đoàn nghệ thuật 3 do tôi quản lý.
Thi thoảng tôi vẫn sử dụng kịch bản của soạn giả Năm Châu, Triệu Trung Kiên... hay tác phẩm của một tác giả nào đó hợp vai với diễn viên trong đoàn. Tôi cũng khổ tâm lắm khi sử dụng khá nhiều kịch bản của mình. Cái khó của tôi là các em diễn viên của đoàn không phải là ngôi sao. Vì thế, tôi phải "đo ni đóng giày" các vai diễn cho từng em, sao cho các em có nhiều nhất cơ hội được diễn và tỏa sáng trên sân khấu.
- Ông gặp khó khăn gì khi chuyển thể từ kịch nói sang cải lương?
- Nếu người chuyển thể không hiểu được tâm tư nguyện vọng của tác giả kịch bản gốc thì chủ đề tư tưởng của vở kịch sẽ bị lệch lạc. Cải lương có rất nhiều bài nhưng không phải bất cứ bài nào cũng hợp. Người chuyển thể phải đặt đúng tâm lý nhân vật, đúng hoàn cảnh để cho ra một kịch bản hẳn hoi là cải lương chứ không phải là kịch trong bài ca.
Trước khi chuyển thể, tôi phải bàn bạc, trao đổi rất kỹ với tác giả kịch bản gốc để đi đến ý kiến thống nhất. May mắn là tôi chưa gặp phải khó khăn nào với những tác giả trên. Trong giới viết kịch, Lê Duy Hạnh là tác giả khá kỹ tính, vậy mà tôi nhận được lời khen cho 6 đến 7 vở cải lương chuyển thể từ tác phẩm của ông.
So với sáng tác, chuyển thể khó hơn nhiều. Với sáng tác, tôi có thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc cũ để triển khai kịch bản theo hướng mới. Nhưng khi chuyển thể, tôi phải tôn trọng tuyệt đối ý tưởng của tác giả kịch bản gốc và làm cho nó hấp dẫn hơn ở thể loại cải lương.
- Chuyển thể cải lương khó như vậy, ông làm thế nào để kịch bản hấp dẫn khán giả giữa thời có quá nhiều lựa chọn cho các loại hình giải trí?
- Tính hấp dẫn phải có ngay từ kịch bản gốc. Nếu một kịch bản văn học nhạt, chủ đề tư tưởng cốt lõi không thật sự lôi cuốn, tôi sẽ không nhận chuyển thể vì biết nó không đủ tiềm năng để vực dậy và phát triển thêm.
Khán giả bây giờ thích những vở cải lương điệu Hồ Quảng, nhìn trên sân khấu thấy lung linh màu sắc, phục trang cầu kỳ, đẹp mắt. Vì vậy, trong kịch bản, tôi cũng chú trọng khâu phục trang, cảnh trí, âm nhạc và đạo cụ để tăng phần hấp dẫn cho vở diễn.
- Ngoài cải lương, ông còn thử sức với kịch bản phim truyện. Có gì khác giữa việc sáng tác kịch bản phim truyện và cải lương?
- Không chỉ được mời sáng tác, thời gian gần đây, tôi còn nhận được đề nghị chuyển thể ngược từ kịch bản cải lương sang kịch bản phim truyện. Tôi cho rằng sáng tác kịch bản phim truyện dễ hơn nhiều so với sáng tạo một vở cải lương. Phim truyện chỉ đòi hỏi ở mức đơn giản là kịch bản văn học, có cốt truyện, phân vai, viết thoại mà không phải chạy theo niêm luật của nhạc lý.
Thù lao của kịch bản phim truyền hình theo tôi được biết, có đơn vị trả 5-7 triệu đồng một tập, trong khi một kịch bản cải lương viết khó và mất rất nhiều thời gian chỉ được trả cao nhất không quá 30 triệu.
- Đã bao giờ ông nghĩ mình sẽ chuyển hẳn sang viết kịch bản phim truyện để có thu nhập tốt hơn?
- Gác lại công việc chuyên môn để làm những việc khác nhiều tiền hơn không phải là mục đích lâu dài của tôi. Đến với nghề vì đam mê, lại không học qua bất cứ trường lớp bài bản nào, tôi có được vị trí như ngày hôm nay cũng nhờ cải lương. Từ khi bén duyên với loại hình nghệ thuật này, tôi được rất nhiều.
Cái được lớn nhất là thỏa mãn đam mê, được tiền bối, đồng nghiệp tạo điều kiện làm nghề và có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, nghệ sĩ và cả người quản lý. Do đó, tôi thấy mình có nhiệm vụ phải chăm lo cho lớp nghệ sĩ kế cận để cải lương sống được giữa thời buổi này. Khi có rất nhiều người tin tưởng, yêu quý, muốn hợp tác với mình để làm tốt công việc chuyên môn, hà cớ gì tôi phải đá sang sân khác.
- Chuyện kiểm duyệt cũng như tranh chấp tác quyền là điều tác giả nào cũng phải đối mặt. Ông nói sao về trường hợp của mình?
- Trong chuyện kiểm duyệt, điều khiến tôi trăn trở là đôi khi những người chuyên trách chưa đặt mình vào vị trí người bán vé và là người hàng đêm tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Vì thế, đôi khi tôi cũng phải ép lòng mình để sửa kịch bản. Cũng may, chuyện đó không quá phổ biến.
Còn chuyện tác quyền, không tránh được tình trạng người khác lấy kịch bản của mình và biên tập thành của họ. Tuy nhiên, tôi không để tâm nhiều. Còn có người quan tâm đến vọng cổ, tôi lấy làm mừng vì cải lương không bị mai một.
Hoàng Song Việt là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương. Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga... |
Châu Mỹ