- Gương mặt Hoài Linh hiện phủ kín các chương trình truyền hình với vai trò giám khảo, MC. Anh chia sẻ gì về hai lĩnh vực này?
- Tôi là nghệ sĩ mà, ai mời thì tôi cứ tham gia nếu thích hợp. Nhớ lần đầu làm MC cho chương trình "Tôi là người chiến thắng", tôi đắn đo một tuần lễ. Cuối cùng tôi đồng ý vì muốn thử thách bản thân. Ngày đầu tiên cầm kịch bản, tôi đã nổi da gà khi trên tay là tập giấy dày trong đó vừa nói thể lệ chơi, vừa nói nhà tài trợ. Nó làm tôi căng thẳng, vì xưa đến giờ tôi chưa bao giờ cầm một kịch bản ghi chi tiết như vậy. Nếu gạch đầu dòng để cho tôi nói về trời mưa, thì tôi nói trời mưa theo cách của tôi. Còn bắt tôi học thuộc lòng thì không thể nào trong vòng 4 tiếng đồng hồ, tôi có thể học hết kịch bản được.
Gần đây tôi làm MC cho gameshow vận động "Người đi xuyên tường" nên không bị gò bó vào một khuôn khổ nào hết. Tôi không cần diện những bộ vest lịch lãm mà mặc đồ thể thao, style hiphop trẻ trung, thấy mình năng động hơn.
- Các chương trình truyền hình không tránh khỏi việc sắp đặt theo kịch bản. Anh "đối phó" thế nào?
- Từ kinh nghiệm vài lần làm MC, với bất kỳ chương trình gì tôi cũng yêu cầu ban tổ chức để tôi tự nhiên theo cách của tôi. Làm giám khảo cũng vậy, nếu gò ép hoặc buộc tôi cho người này điểm cao, người kia điểm thấp thì tôi nói ngay từ đầu là tôi không ngồi vào đó. Tính tôi kỳ cục lắm, không thích làm theo cách người ta sắp đặt.
Khi ký hợp đồng cho một chương trình thực tế, tôi đều thêm vào mục không làm theo sự sắp đặt. Nếu họ không đồng ý, tôi không làm. Tôi đến với chương trình không phải vì tiền mà vì đam mê. Tôi làm giám khảo thì phải cho lớp sau thấy được sự đàng hoàng trong nghề nghiệp. Hiện tôi bận làm giám khảo và MC đến mức hầu như không có ngày nào để nghỉ ngơi.
- Làm nhiều như vậy, sức khỏe của anh ra sao?
- Ai gặp tôi cũng cảm thấy đau lòng vì tôi làm việc quá sức. Tuy nhiên, khán giả, bạn bè và người thân hiểu được niềm đam mê của tôi. Trong cuộc sống, tôi không cô đơn nhưng cô độc. Chính vì sự cô độc đó nên tôi muốn tìm đến nhiều công việc.
- Cát-xê của anh được cho là cao nhất trong số những người được mời tham gia các chương trình thực tế. Anh nghĩ sao?
- Một số bài báo có viết, tôi là một trong những người nhận lương cao nhất khi tham gia chương trình truyền hình thực tế. Tôi có thể hãnh diện có được điều đó. Nhưng không phải vì tiền mà tôi lăn lộn. Nếu vì kinh tế thì tôi giàu cách đây 10, 20 năm rồi, không phải giờ này vẫn lẹt đẹt.
Tiền bạc quan trọng thật nhưng mình phải biết sử dụng. Tôi không ham xe sang, hột xoàn, tiền tỷ hay quần áo nghìn đô. Cuộc sống của tôi rất đơn giản, ăn cơm với cá khô. Tôi không ngồi bàn ăn mà chỉ ngồi lết dưới đất. Cái cốt nhà quê ăn đã ăn sâu vào trong tôi nên không sửa được. Tôi muốn đồng tiền mình làm ra có ý nghĩa hơn. Ông bà mình có câu: “Tạo phước thì sau này mình sẽ lãnh phước”. Có tiền, mình còn làm được nhiều việc khác như giúp đỡ xã hội, những mảnh đời bất hạnh...
- Làm nghệ thuật khá nhiều năm rồi, anh có tâm nguyện nào ấp ủ?
- Tôi sống vì nghiệp tổ, cái tâm của tôi. Đến giờ này, tôi cảm ơn tổ nghiệp đã cho tôi được cái nghề, khán giả đã cho tôi được miếng cơm manh áo. Tuy rằng đó là công sức của tôi, nếu không có sự ủng hộ của khán giả thì cái nghề này dù bỏ bao nhiêu công sức cũng chỉ là con số 0.
Tôi không mơ ước xe hơi, nhà lầu. Tôi chỉ có tâm nguyện suốt 16 năm là xây được ngôi đền thờ tổ chung để kết nối anh em nghệ sĩ. Việc này với những đứa em mới bước vào nghề rất tâm linh. Chính các em cũng muốn có một chỗ dựa tinh thần để làm nghề. Tôi muốn xây dựng nơi đây là ngôi nhà chung để mỗi năm đến ngày giỗ tổ, mọi người có dịp hội ngộ gắn bó yêu thương nhau.
- Ngôi nhà thờ tổ của anh thực hiện đến đâu rồi?
- Hiện công trình của tôi đã khởi công với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương ở Bình Dương. Tôi mua miếng đất rộng hơn 7.500 m2 và tự tay thiết kế mọi thứ. Tôi đắp một quả núi nhỏ, trong đó xây phòng khách và một phòng nhỏ cho riêng tôi. Với những nghệ sĩ lớn tuổi không có nơi nương tựa, tôi sẽ đưa các cụ lên trên đó. Có nghệ sĩ nào mất mà không có nhà, tôi sẽ mang về nhà thờ đó. Tôi sẽ cho gửi tro cốt trên bức tường nhà thờ tổ, giống như mỗi đứa con nghệ sĩ là một viên gạch góp vào để xây lên nghiệp tổ.
- Một công trình lớn như vậy, anh lấy kinh phí từ đâu?
- Tôi đang làm việc cật lực đấy thôi. Có thể đó là số tiền cả đời của tôi. Tôi cũng chia sẻ với bố mẹ mình về điều này. Bố mẹ tôi lớn tuổi, con tôi cũng bắt đầu lớn tuổi rồi, nhà cửa có cũng không để làm gì, con cháu thì ở xa. Tôi xin phép bố mẹ cho tôi bán ngôi nhà ở TP HCM để làm xong cái bàn thờ tổ ở Bình Dương. Bố mẹ tôi bảo tâm nguyện của tôi thì tôi cứ làm.
Tôi chỉ cầu cho cho mình sức khỏe cho tôi ráng làm việc. Nếu tôi kêu gọi chung sức của nhiều nghệ sĩ sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng tôi không làm vậy. Vì tôi không muốn xin xỏ ai. Nếu ai có tấm lòng tặng cái ghế đá, cái cây xanh trồng xung quanh nhà thờ tổ thì tôi sẽ đề tên công đức.
- Anh dự định khi nào nghỉ ngơi khi tâm nguyện hoàn thành?
- Tôi có nguyện cầu tổ nghiệp là khán giả thương tôi đến ngày nào thì tôi sẽ diễn đến ngày đó. Tôi không có dự định nghỉ ngơi.
Tâm Giao thực hiện