Nhà thơ Nguyễn Phan Hách qua đời chiều 21/4 vì bệnh hiểm nghèo. Bạn văn và độc giả đều xót xa trước sự ra đi của ông. Để tưởng nhớ cố thi sĩ, nhiều người chia sẻ những vần thơ làm thổn thức nhiều thế hệ độc giả trong bài Hoa sữa.
Nguyễn Phan Hách viết bài thơ khi ở tuổi trung niên, trong một buổi chiều tình cờ ngang qua Nguyễn Du - con phố được mệnh danh là "lãnh địa" của hoa sữa ở Hà Nội. Những cảm xúc lãng đãng đưa ông về với ký ức của mối tình đầu. Khi còn sống, nhà thơ kể hồi ông gần 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, ông trở thành thầy giáo cấp hai ở tỉnh Hà Bắc (cũ). Ngày đó, thầy giáo trẻ thầm thương trộm nhớ cô học trò 15 tuổi họ Phan. Ông chỉ dám thể hiện tình yêu bằng nhiều bài thơ lãng mạn.
Tên ông thực chất là Xuân Hách, để kỷ niệm mối tình đầu, ông lấy bút danh là Phan Hách theo họ người yêu. Bạn ông, nhà văn Đỗ Chu từng đùa: "Nếu cậu lấy tên Xuân Hách đã không thành nhà văn". Thi sĩ từng làm một bài thơ về câu chuyện này.
Tên em cùng với tên anh
Yêu nhau đem đặt bút danh quen rồi
Oái oăm lắm mấy sự đời
Tên thì lấy được còn người thì không
Mối tình sau đó tan vỡ vì một số lý do. Thế nhưng những cảm xúc trong trẻo vẫn đủ sức khiến trái tim người đàn ông ngoại tứ tuần rung lên vì xúc động khi hồi tưởng. Hoa sữa khắc họa trọn vẹn những buồn vui khi lần đầu biết yêu. Trong thơ ông, cô thiếu nữ hiện lên với vẻ dịu dàng, thanh thoát.
Tuổi mười lăm em lớn từng ngày
Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh
Nhà thơ không kể chi tiết về mối tình đầu mà chỉ khắc họa qua vài nét chấm phá, vậy nên nhiều bạn đọc dễ dàng đồng cảm vì tìm thấy ký ức của mình trong đó. Bởi tình đầu dễ mấy ai quên. Khi tình cảm tan vỡ, Nguyễn Phan Hách không hờn trách, oán giận điều gì, chỉ đơn giản đặt ra những câu hỏi không lời đáp và đổ lỗi cho "con bướm vàng có cánh nó bay". Từ một áng thơ tình học trò, thi sĩ gửi gắm tư tưởng nhân văn về sự vị tha trong tình yêu.
Tại mùa thu, tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay
Hoa sữa kết thúc bằng việc lặp lại hình ảnh mùa thu, hương hoa, gợi cảm xúc ngọt ngào, say đắm. Mùi hoa sữa trở đi trở lại trong bài thơ, tựa ký ức khó quên trong cuộc đời mỗi người.
Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của mối tình đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau...
Khi tác phẩm hoàn thành, Nguyễn Phan Hách không lập tức giới thiệu với công chúng. Bài thơ sau đó được cố thi sĩ Xuân Quỳnh phát hiện, đưa vào tuyển tập thơ Tình bạn tình yêu của Nhà xuất bản Giáo dục, ra mắt những năm 1980. Sau đó, tác phẩm tiếp tục phổ biến trên tuần báo Văn nghệ, được bạn đọc nhiều lứa tuổi yêu thích. Trong những trang lưu bút của học trò nhiều thế hệ, Hoa sữa được chép lại, truyền tay như một chứng tích về mối tình đầu.
Là người thân thiết với tác giả Hoa sữa, nhà văn Phạm Việt Long đã phổ nhạc bài thơ, lấy tựa là Hoa sữa tình đầu. Bài hát đoạt giải ba cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP HCM qua phần thể hiện của Hoàng Hải Đăng.
Nhà thơ Thế Duy cũng lấy nguyên một số câu và phát triển tứ thơ của Nguyễn Phan Hách, phổ nhạc thành ca khúc Mối tình đầu.
Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ.
Tóc em dài như gió mùa thu.
Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ,
Theo năm tháng em lớn từng ngày.
Những kỷ niệm không bao giờ phai.
Và khi một ngày xuân em trở thành thiếu nữ,
Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu.
Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ.
Khi tôi đã biết yêu lần đầu
Tôi đã nói yêu em trọn đời
Cùng quê Bắc Ninh với nhà thơ Nguyễn Phan Hách, ở tuổi đôi mươi, nhạc sĩ Thế Duy phải lòng cô gái Hà Nội tên Hà. Mối tình đầu ra đời từ những cảm xúc ấy, giúp ông giành giải B của Hội Văn nghệ Hà Nội, giai đoạn 1991-1996. Qua tiếng hát của Tấn Minh, đến nay, ca khúc là một trong những áng tình ca được yêu thích về Hà Nội.
Hà Thu