Họa sĩ Nguyễn Cầm. |
- Tại sao lâu thế ông mới trở lại Hà Nội?
- Sau chuyến thăm Việt Nam năm 1997, tôi có nhiều dự án ở Mỹ và Tây Ban Nha nên cũng bận. Vả lại, nếu về nước mà không có việc gì, chỉ về chơi tôi cũng không thích. Tôi muốn gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp qua công việc, mà còn gì hơn là một triển lãm. Từ hơn 2 năm nay, tôi quen Susan Letch, chủ gallery Art Việt Nam. Năm nay, bà có ý mời tôi sang đây, vẽ tranh và triển lãm ngay tại gallery của bà. Đây là cơ hội tốt để trở về như mong muốn của tôi.
- Trong các triển lãm trước, sáng tác của ông sử dụng chất liệu như dây thừng, bao bố, màu sắc cũng chói mắt hơn, khác hẳn chỉ có hai màu đen trắng, giấy dó và khung toan như lần này. Ông nói gì về bước chuyển này?
- Đó là sự chuyển đổi tự thân trong con người tôi. Lần trở về trước, tôi vẽ những gì bên ngoài làm tôi cảm xúc, như một thứ cảm xúc tức thời, nhưng dường như nó vẫn là cái gì đó bên ngoài mình, một kiểu phản ứng với cái bên ngoài. Thời gian và vốn sống làm cho tôi dần dần nhận ra cái gì là cốt lõi trong nghệ thuật. Và lần này, có lẽ đã đến lúc tôi làm việc trong trạng thái tĩnh tâm hoàn toàn, giống như một người đang ngồi thiền, mọi ý nghĩ, mọi điều đều lộn xộn bị đuổi ra khỏi đầu óc, chỉ còn lại những gì tinh túy nhất trong con người tôi và tôi muốn vẽ lại những gì tinh túy đó, đúng hơn là để chúng tràn trên tranh một cách tự nhiên. Đó là nghệ thuật của tôi.
- Sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng ông vẫn là người cổ điển, ông nghĩ sao về điều này?
- Không. Tôi hoàn toàn không cổ điển mà rất mới. Tất cả các nghệ sĩ nhà nghề đều quan niệm như vậy. Tôi thấy không ít họa sĩ của chúng ta hiện nay cứ cho rằng phải làm một điều gì đó khác đi để lấy cảm hứng trong khi vẽ, như uống rượu chẳng hạn. Như vậy, con người mình sẽ ở trong trạng thái không còn minh mẫn, không còn là một cách nguyên bản nữa, như vậy làm sao mà có được nghệ thuật của mình?
- Hiện nay, thế hệ họa sĩ trẻ của Việt Nam đang tìm đến với những hình thức mỹ thuật ngoài giá vẽ và họ cho rằng đó là cái mới, mỹ thuật thế giới có gì thì Việt Nam cũng có cái đó, ông đánh giá gì về sự đổi mới này?
- Nhưng họ có thực sự biết về hình thức đó không để làm. Đúng là thế giới đã làm việc về những hình thức mỹ thuật ấy từ rất lâu, nhưng xuất phát quan niệm của chúng chỉ là chất liệu, giống như sơn dầu và khung toan mà thôi. Họa sĩ dùng chúng để nói bằng được tâm hồn và tư tưởng của mình, đây mới là điều cốt lõi. Còn nếu như anh coi đó là một cái gì đó mới mẻ để "loè" thiên hạ thì không phải là làm nghệ thuật rồi. Mới trong nghệ thuật là mới trong tâm hồn nhưng vẫn không ra ngoài cái phong cách của mình. Như vậy, cái mới trong nghệ thuật của hôm nay phải được bắt rễ từ cái cũ hơn của chính mình hôm qua để mình mới mà vẫn luôn là mình vậy.
- Khi ông cầm bút, cảm hứng nghệ thuật và sự tỉnh táo của lý trí có vị trí như thế nào?
- Cảm hứng phải có chỗ trú ngụ: chỗ đó là sự lao động miệt mài hàng ngày, và lao động một cách có kỷ luật. Họa sĩ chuyên nghiệp hay nhà nghề đều không làm việc theo kiểu chờ cảm hứng đến, cảm hứng thực ra ở ngay trong con người mình. Nếu mình làm việc miệt mài hàng ngày thì cảm hứng sẽ có một căn nhà lớn và đẹp đẽ để trú ngụ.
- Như vậy, khi nghệ sĩ làm chủ được mình thì ngoại cảnh còn tác dụng gì, thưa ông?
- Rất quan trọng là đằng khác. Ví dụ như tôi đây. Để vẽ được bức tranh theo ý mình trong thời điểm hiện nay, tôi cần phải được tĩnh tâm hoàn toàn, nhưng điều đó là rất khó nếu như tôi phải đi lang thang trên phố Hà Nội hiện nay, hay phải ở trong chốn ồn ào. Hà Nội đã mất nhiều vẻ yên tĩnh so với trước đây. Thế nhưng khi bước chân vào bên trong gallery Art Việt Nam, mọi ồn ào ngoài phố không còn nữa. Ở đó chỉ còn tiếng nước chảy nhẹ nhàng trong khoảng ao nhỏ nuôi cá vàng mà thôi, thích hợp hoàn toàn với tôi. Tất nhiên, để làm việc một cách nhà nghề thì các họa sĩ cũng rất cần có một môi trường tương ứng. Cái đó chưa có ở Việt Nam. Môi trường làm việc ở đây ít có cái mới, cái thay đổi. Chính vì thế, tôi trở về lần này cũng mong muốn được gặp gỡ các anh em, các cháu từng làm việc cùng mình trong những lần trước, chia sẻ với họ, để đem lại một chút gì đó mới mẻ hơn so với thực tại mà họ đang sống.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)