- Từ Mỹ về nước tham gia hoạt động kỷ niệm 30 năm Hoa hậu Việt Nam, hội ngộ các hoa hậu nhiều thế hệ, chị ôn lại thời thanh xuân của mình ra sao?
- Tôi không phải là dạng người hay tiếc nuối mà luôn nhìn về phía trước. Lúc tôi mới qua Mỹ, nhiều người bất ngờ vì một cô gái đang có tất cả lại bỏ đi mọi thứ, đang được tung hô trên mây nhưng chấp nhận bước xuống đi bộ. Rồi sau đó, người ta lại bảo tôi may mắn quá, hai lần đoạt danh hiệu hoa hậu cấp quốc gia, học vấn cao rộng, muốn gì được nấy. Nhưng thực sự, tôi cũng có những bất hạnh riêng khó bày tỏ cùng ai.
Điều quan trọng nhất, nhìn lại quãng đời vừa qua, tôi thấy mình vượt qua những chuyện tưởng chừng khó thể. Ngày xưa, mẹ mất rồi, khi đi thiện nguyện, tôi thích giúp đỡ trẻ mồ côi. Còn bây giờ, tôi chung mối tâm tư với những phụ nữ phải nuôi con một mình. Tôi hiểu rằng trong cuộc sống có những mất mát ta phải chấp nhận để trưởng thành hơn.
- Mất mát lớn trong cuộc sống của chị là gì?
- Cuối năm 2015, chồng tôi bị nhồi máu cơ tim. Sự việc xảy ra ngay ở công ty anh, lúc chín giờ sáng trong phòng làm việc riêng. Đến trưa, đồng nghiệp phát hiện ra thì đã quá muộn. Anh là sếp nên cả công ty trở nên hỗn loạn. Trước đó, anh làm việc với cường độ rất cao vì vốn là người của công việc.
Lúc ấy, tôi vừa đưa con trai đến trường. Nghe tin, tôi thấy đất trời sụp đổ, chân không đứng vững. Suốt hai năm sau đó, tôi bị sốc, mọi công việc phải đình lại. Một thời gian dài, tôi sống trong mơ màng, đêm nào cũng nằm mơ thấy anh. Đang phấn đấu vì cuộc sống ngày thêm tốt hơn, tôi bỗng chốc không muốn làm gì nữa. Nỗi mất mát ấy khó lòng nào diễn tả bằng lời, nhưng dù đau đớn ra sao, tôi phải cố gượng dậy vì con. Nhiều đêm liền, thằng bé khóc nức nở nhớ cha.
Anh là người hoàn hảo đến mức tôi không bao giờ nghĩ anh có thể ra đi. Anh đang có tất cả - gia đình hạnh phúc lẫn sự nghiệp đỉnh cao và cả tương lai phía trước. Anh không kịp để lại di nguyện nào vì chính anh cũng không tin mình sẽ sớm nằm xuống. Dự đám tang, bạn bè, đồng nghiệp hết thảy đều bàng hoàng.
- Ai là người ở cạnh an ủi chị trong quãng thời gian ấy?
- Có lẽ không ai cả. Gia đình tôi lúc ấy ở Việt Nam nên mọi người không chia sẻ được gì nhiều. Tôi cũng không trải lòng với bạn bè vì không thích kể lể, tâm sự. Ngoài ra, nỗi đau về sự chia ly sinh - tử là điều chỉ có thể giữ cho riêng mình, người ngoài khó thấu cảm được. Có những thứ trong đời, khi xảy ra đã tự đặt dấu chấm hết, ta không thể tìm cách giải quyết, cứu vãn, chỉ có thời gian là cách bù đắp tốt nhất. Tôi tìm đến các chuyên gia tâm lý để nguôi ngoai phần nào. Một tuần hai lần, tôi cùng con đến gặp bác sĩ, được họ hướng dẫn cách suy nghĩ tích cực. Sau hai năm, mẹ con tôi dần bình tĩnh và gượng dậy sống tiếp.
Tôi cũng thường xuyên đi chùa, hướng về tâm linh nhiều hơn. Sự ra đi của anh khiến tôi nhận thức lẽ vô thường ở đời, có đó rồi mất đó. Tôi từng trải qua nỗi đau tột cùng như thế khi mẹ qua đời, lúc đó tôi còn học Ngoại thương. Tôi cũng mất một thời gian dài trầm cảm bởi mẹ là người gần gũi nhất với tôi lúc ấy. Bà ra đi đầy bất ngờ ở tuổi 39. Bà lâm bệnh, khi nhập viện được chẩn đoán mổ vì bác sĩ cho là bướu lành. Sau đợt mổ đấy, sức khỏe mẹ tôi yếu dần, hai tháng sau thì mất.
- Chị lưu giữ những kỷ niệm gì về chồng?
- Anh vốn là học trò của cha tôi ở Việt Nam. Một lần về nước thăm cha tôi, anh và tôi gặp nhau. Anh hơn tôi mười mấy tuổi, rất thông minh. Lúc mới quen nhau, anh đã là giáo sư đại học San Jose State, chuyên về ngành kỹ thuật máy tính. Anh còn là CTO (Chief Technical Officer - Giám đốc kỹ thuật) của một công ty công nghệ. Anh giỏi đến mức, lúc còn học ở đại học Berkeley (California), người thường học 12 tín chỉ trong một học kỳ, riêng anh học đến 24 tín chỉ, các giáo sư lúc đó còn thỉnh thoảng nhờ anh chấm bài thi.
Tôi rất thích những người đàn ông tài giỏi, đó cũng là một trong những điểm ở anh khiến tôi bị thu hút. Trong cuộc sống, anh là dân kỹ thuật nên tính cương định, có phần khô khan. Anh rất yêu tôi nên hay ghen, sợ mất vợ. Lúc tôi mới sang Mỹ, anh không thích tôi đến những chỗ đông người, khuyên tôi đừng nên quá thân thiết với đối tác. Biết ý anh, tôi luôn giữ khoảng cách ở mức xã giao mỗi dịp tiệc tùng.
Anh có phần gia trưởng nhưng đó cũng là ưu điểm nơi anh - người đàn ông của gia đình. Anh thuộc típ người truyền thống, cổ điển, thường muốn vợ ở nhà làm hậu phương chăm con, bếp núc, còn mình đảm nhận vai trò trụ cột. Điều này trái với mục tiêu của tôi khi sang Mỹ, nhưng nhờ nhượng bộ, dung hòa, cuộc sống vợ chồng vẫn thuận buồm xuôi gió.
- Ngoài nỗi đau tinh thần, chị gặp khó khăn về tài chính ra sao khi chồng qua đời?
- Lúc ra đi, anh là trụ cột về kinh tế trong gia đình, nhưng nhờ công việc của tôi, cuộc sống hai mẹ con không đến nỗi nào. Sau này, tôi tiếp tục đầu tư tài chính vì tương lai của con. Bé trưởng thành trước tuổi, ham học hỏi, thích tìm hiểu về các lãnh đạo quốc gia và lịch sử thế giới. Về điều này, bé có phần vượt trội so với cha, vì anh lên đến trung học mới bắt đầu học giỏi.
Tôi chưa nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa vì thấy tội nghiệp con. Thằng bé chỉ còn mỗi mình mẹ, tôi có trách nhiệm chăm sóc con với điều kiện tốt nhất có thể. Ai cũng nói hạnh phúc nhất là khi có đôi có cặp, còn tôi tin vào đạo lý nhà Phật là tùy duyên.
Thiên Nga tên đầy đủ là Nguyễn Thiên Nga, sinh năm 1975 tại TP HCM. Năm 1996, cô đăng quang cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khi còn là sinh viên đại học Ngoại thương TP HCM. Ba năm sau, cô tiếp tục chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1999 do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức để tìm đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị Thế giới. Một thời gian, cô là gương mặt chủ chốt ở nhiều sàn diễn thời trang trong nước. Năm 2001, Thiên Nga qua Mỹ học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh (MBA) ở đại học San Jose State. Sau khi ra trường, cô đảm nhận vai trò cố vấn kinh doanh cho một tổ chức ở Thung lũng Silicon phía Bắc tiểu bang California. Năm 2003, cô lập gia đình và có một con trai.
Mai Nhật thực hiện