Nhà văn Hồ Anh Thái. |
- Tại sao anh lại vắng mặt trong lễ trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn VN ngày 29/12/2002 ở Hà Nội?
- Tôi không nhận tặng thưởng cho cuốn Tự sự 265 ngày vì tự thấy rằng không nên nhận. Nếu điều đó gây băn khoăn cho mọi người thì tôi mong được lượng thứ. Tiếng ì xèo đồn đại ở bên ngoài là điều tôi không muốn gây ra.
- Anh có ngại sau việc này sẽ bị coi là kiêu ngạo và thích chơi trội?
- Nếu quả thực chưa có ai từ chối thì không khí sinh hoạt văn nghệ chưa thật sự lành mạnh và bình thường đâu. Hội có quyền tặng, nhà văn có quyền nhận và không nhận. Nếu bạn được bạn bè tặng một món quà, bạn biết rõ đó là thứ không hợp với mình, chắc bạn sẽ từ chối để bạn bè đem tặng người khác cần hơn. Liệu như thế có thể coi là bạn kiêu kỳ và thích nổi trội hay không?
- Hội Nhà văn Hà Nội hàng năm cũng có trao giải thưởng, chọn trong số tác phẩm đã xuất bản của 450 hội viên và cả những tác giả không phải hội viên. Là tổng thư ký của Hội Nhà văn HN, anh sẽ có cải thiện gì để giải thưởng của Hội không bị người ta từ chối như trường hợp của anh lần này?
- Cơ chế xét tặng giải thưởng của chúng tôi có nhiều hạn chế lắm. Ban chung khảo chỉ gồm toàn bộ ban chấp hành và các chủ tịch hội đồng. Ban chấp hành do đại hội bầu ra, không thể thay đổi được, vì thế, cũng không thể thay đổi gu, khó hy vọng quyết được một cái gì mới mẻ. Nhiều khi rất muốn mời thêm một số tác giả chấp nhận cái mới vào ban xét giải, nhưng ban chấp hành không cho. Bù lại chúng tôi cố gắng tạo dựng một văn hóa giải thưởng: Khi công bố giải, không xếp tác phẩm theo hạng A, B, C; không chia loại 1, 2, 3; cũng không xếp theo thứ tự số phiếu cao thấp. Giải thưởng hàng năm chứ không phải là một cuộc thi, người ta có tình nguyện ra thi thố đâu mà xếp giải nhất nhì. Chúng tôi không dùng quyền hành chính để phân ngôi thứ, phân chiếu trên chiếu dưới cho tác phẩm. Chỉ cần lập một hội đồng khác là thứ bậc giải thưởng sẽ khác ngay. Chúng tôi chỉ là ông từ được phân công trông coi ngôi đền văn học ở thủ đô mà thôi, không dám tự cho mình cái quyền phán xét trịch thượng.
- Anh có nghĩ rằng mình từ chối tức là tạo một "tiền lệ" cho người ta từ chối giải thưởng của chính Hội Nhà văn Hà Nội?
- Thú thực là đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng sẽ có người từ chối. Như vậy hợp quy luật và thấy yên tâm hơn. Không nên cứ thuận mãi một chiều, có trao là có nhận, êm ả quá báo hiệu nhiều sóng ngầm.
- Anh từng nói "quyền xếp loại và phân ngôi thứ là của người đọc và thời gian", vậy anh nghĩ gì về những thế hệ độc giả trẻ tuổi hiện nay, khi họ không mấy tha thiết với văn học VN đương đại?
- Viện đến người đọc và thời gian chỉ là một cách nói. Bởi vì câu ấy vẫn cần mở ngoặc đơn: đó phải là người đọc trưởng thành trong nghề đọc và phải là thời gian dành cho sự phát triển của văn học, những thứ mà ở ta vẫn còn thiếu. Còn chuyện giới trẻ không mấy tha thiết với văn chương thì cả ở những nước có nền văn học phát triển cũng vậy thôi. Xu thế thời đại, băn khoăn làm gì? Văn học đang trở thành chuyên môn hẹp của những người làm nghề văn và một số ít người ham thưởng thức văn. Mà món ngon dường như thời nào cũng hiếm. Không thích món này thì thanh niên người ta đi tìm món khác.
- Nhìn lại năm 2002, anh thấy mình được và mất những gì?
- Tôi không quan tâm đến được và mất, thành và bại, hơn và kém... Cái tưởng được chưa hẳn đã là được, cái mất chưa hẳn đã là mất. Điều đáng sợ nhất là khi anh bị xúc phạm mà lại ngậm miệng cúi đầu.
- Dự định của anh trong tương lai?
- Tôi cũng không có khái niệm dự định nữa. Rất đơn giản là chỉ có những việc phải làm. Một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn đang viết, cuối năm nay phải xong. Một tập tiểu luận đang tập hợp lại. Trước mắt là tuyển tập truyện ngắn VN gồm 45 truyện do tôi chủ biên và dịch sẽ ra mắt bằng tiếng Anh ở Mỹ vào cuối mùa xuân: Love after War: An Anthology of Contemporary Fiction from Vietnam (Tình yêu sau chiến tranh - Tuyển tập văn xuôi VN đương đại). Đây có lẽ sẽ là hợp tuyển văn xuôi VN bề thế bậc nhất xuất bản ở Âu-Mỹ lâu nay.
Thu Hương thực hiện