Hoài Nam
Thử đặt một câu hỏi: trong số các nhà văn Việt Nam hiện nay, ai là người viết khỏe nhất, viết đều đặn nhất và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt nhất? Tôi tin rằng, dù chúng ta có chọn ra một top 10, top 5, hoặc thậm chí top 3 đi chăng nữa, thế nào trong đó cũng có cái tên Hồ Anh Thái. Thì, chính những con số thống kê lạnh lùng đã cho biết điều đó. Bắt đầu viết văn từ lúc 18 tuổi, anh đã có thâm niên 30 năm cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa. 30 năm với khoảng 30 đầu sách đã xuất bản (tính cho đến thời điểm này), nghĩa là gần như năm nào anh cũng có sách in ra. Nghĩa là trong suốt 30 năm qua, lúc nào anh cũng đang viết. Phải nhấn mạnh chi tiết này, bởi lẽ, nó cho thấy rất rõ tính chuyên nghiệp trong con người nhà văn của Hồ Anh Thái, điều mà xem ra khá nhiều người có danh xưng là nhà văn ở ta hiện nay chưa, hoặc không có.
Nói như vậy hẳn sẽ bị ai đó (thậm chí là nhiều ai đó) phản bác, rằng văn chương thì "quý hồ tinh bất quý hồ đa", rằng không thể lấy số lượng đầu sách làm thước đo giá trị của một nhà văn, rằng người viết văn chỉ có thể viết khi có cảm hứng và chỉ như thế tác phẩm mới làm xúc động lòng người, rằng viết nhiều in nhiều mà không có độc giả và không đọng lại được thì cũng vô ích... Thật ra, tôi cho rằng từ trong truyền thống của văn chương trung đại phương Đông và văn học lãng mạn chủ nghĩa, chúng ta đã bị "nhiễm" thói quen thần bí hóa công việc viết văn. Chúng ta ưa nghĩ rằng chỉ nên viết khi tâm hồn đã được "yên sĩ phi lí thuần" (inspiration - cảm hứng) gõ cửa. Nhưng nếu "yên sĩ phi lí thuần" không đến thì sao? Thì đó chính là điều tiện nhất để chẳng ít người viết sẽ túm lấy nó làm lý do biện hộ cho sự tắc tị của mình - sự tắc tị mà nhiều khi chỉ đơn giản là hệ lụy của sức ỳ và tính lười nhác (chưa muốn nói đến sự bất tài ở đây).
![]() |
Nhà văn Hồ Anh Thái. |
Không phủ nhận vai trò của cảm hứng trong sáng tạo văn chương, nhưng tôi tin là nhiều người cũng chia sẻ với tôi: rất thường khi cảm hứng đến trong chính quá trình viết. Chữ gọi chữ, câu gọi câu, tư tưởng gọi tư tưởng, anh không bắt tay vào viết thì sẽ chẳng có cảm hứng nào xuất hiện hết! Nhà văn chuyên nghiệp là người phải biết tự ép mình vào một thứ kỷ luật viết. Và nhà văn chuyên nghiệp là người có đủ kỹ năng và nghệ thuật để khi ngồi vào bên bàn, có thể huy động cảm hứng đến. Hồ Anh Thái đã làm được điều ấy. Đó là công việc hàng ngày đối với anh, tựa như người nông dân hàng ngày phải lao động trên cánh đồng của mình để làm ra hạt lúa củ khoai (không lẽ người nông dân lại khước từ việc trồng trọt cấy hái chỉ bởi lý do... chưa có cảm hứng!) Mặt khác, nếu xét ở hiệu quả của lao động, thì sản phẩm văn học "made in Hồ Anh Thái" luôn là mặt hàng được chú ý trên thị trường sách hiện nay -phản ánh qua lượng phát hành và số lần tái bản. Anh sống được, sống khỏe chỉ bằng việc viết văn, và chẳng lẽ đó không phải là dẫn chứng đáng kể nữa về tính chuyên nghiệp của một nhà văn? Người ta có thể thắc mắc rằng, biết đâu đấy, những thứ này chẳng qua chỉ là thời thượng, rằng nó không chắc chắn sẽ trụ lại lâu dài trên dòng nước bạc của thời gian. Có thể như thế thật. Nhưng, những tác phẩm văn chương mang giá trị bền vững thì luôn là của hiếm đối với không riêng một nền văn học nào; vả lại, viết sao cho bạn đọc đương thời nồng nhiệt đón nhận mình cũng là thách thức chẳng dễ vượt qua. Nói chung, trên phương diện này tôi vẫn quen nghĩ rằng Hồ Anh Thái thuộc mẫu nhà văn không thích lấy một thứ tương lai mơ hồ để biện hộ cho hiện tại buồn tẻ.
Một nhà phê bình văn học có lần đã phân kỳ lộ trình sáng tác của Hồ Anh Thái (tính cho đến nay) thành ba giai đoạn: tiền Ấn Độ, Ấn Độ, và hậu Ấn Độ. Giai đoạn tiền Ấn Độ có thể được tính từ lúc Hồ Anh Thái bắt đầu viết văn cho đến cuối những năm 1980. Theo tôi, ở giai đoạn này, kênh giọng chủ đạo của văn xuôi Hồ Anh Thái là trữ tình đôn hậu, và tác phẩm xuất sắc là cuốn tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (1989). Với cuốn tiểu thuyết này, Hồ Anh Thái đã làm được một sự khác trên mặt bằng văn học đương thời. Trước hết là một cốt truyện lạ, đầy chất huyễn tưởng - một thứ của hiếm trong văn xuôi lúc bấy giờ: trong cơn hôn mê cận kề cái chết (do bị điện giật) nhân vật chính của tiểu thuyết đã từ năm 1987 ngược thời gian trở lại với năm 1967, khi anh ta còn chưa ra đời! Ở đó, anh ta gặp bà nội, bà ngoại, cha mẹ và những người hàng xóm trong bối cảnh Hà Nội đang còn bời bời bom đạn chiến tranh. Tất cả đều trẻ hơn hai mươi tuổi so với chính họ ở thời điểm bắt đầu chuyện kể. Và điều quan trọng là, họ sống hồn nhiên hơn, cởi mở hơn, đối xử với nhau thân ái hơn so với hai mươi năm sau. Tính luận đề của tác phẩm được bật ra từ chính điểm này: qua cặp mắt trong veo của cậu trai mười bảy tuổi, tấm màn quá khứ vén lên, và người ta chợt nhận ra rằng thời gian đã hủy hoại con người đến thế nào! Thậm chí ở đây, từ bản thân các chi tiết được cài vào cốt truyện, ta còn có thể nói đến một triết luận về thời gian của Trong sương hồng hiện ra: quá khứ - hiện tại - tương lai là những thì liền lạc với nhau trong một quan hệ biện chứng. Tương lai có thể tái sử dụng con tàu đắm của quá khứ sau khi đã trục vớt, tân trang nó. Nhưng tương lai cũng có thể phải hứng chịu vụ nổ của quả bom còn sót lại từ quá khứ, hay một vụ sập nhà mà căn nguyên là sự ngu dốt và bệnh thành tích của con người trong quá khứ. Đưa nhân vật của mình trở lại với hai mươi năm trước, Hồ Anh Thái đã mổ xẻ quá khứ và góp lời giải cho những băn khoăn trước thực tại của con người thời đổi mới: hãy xem chúng ta đã làm gì để nhận quả đắng ngày hôm nay, và chúng ta sẽ phải làm gì để cho ngày mai được tử tế hơn! Có thể nói, trên mạch cảm hứng phê phán thực tại của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, Trong sương hồng hiện ra của Hồ Anh Thái là tác phẩm đã tạo được một ngã rẽ khá bất ngờ khi chạm tới hiện thực ở bề sâu, mang tính phổ quát.
Ấn Độ - giai đoạn trung tâm của sự phân kỳ nói trên - là giai đoạn được đặc trưng bởi tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước. Nó ghi dấu quãng thời gian sáu năm (1988 - 1994) anh sống và làm việc trên quê hương của R. Tagore, cũng là quãng thời gian sáu năm anh say mê ngụp lặn trong cái đại dương văn hóa Ấn Độ cổ kính và kỳ vĩ. Nói về Tiếng thở dài qua rừng kim tước, tốt nhất tôi sẽ dẫn lại một nhận định của tiến sĩ K. Pandey trên tờ The Hindustan Times, đây là "những mũi kim châm cứu theo kiểu Á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ". Nhiều bạn đọc hẳn còn nhớ đến hai truyện tiêu biểu trong tập sách rất giàu chất exotic này, là Người Ấn và Người đứng một chân. Giữ vai một lữ khách trên đất Ấn Độ, người kể chuyện ở cả hai truyện ngắn đã tiếp cận với hiện thực đời sống Ấn, hiện thực tâm hồn Ấn ở chính điểm giao thoa giữa cái dung tục tầm thường và cái cao cả thiêng liêng. Trong Người Ấn, những trò vui xác thịt của anh chàng Navin luôn ở thế đối diện với bộ hài cốt của người mẹ quá cố mà anh hằng tôn kính. Trong Người đứng một chân, anh Ananda đã trút cả đời mình vào cái tư thế một chân co một chân chống - tư thế của thần Shiva trong thần thoại Ấn Độ - để đòi viên giám đốc nhà máy sản xuất bao cao su phải bỏ một triệu rupee ra xây đền thờ cho bằng được. Tất cả chỉ vì những lời thề: Navin thề trước vong linh mẹ rằng sẽ không bao giờ bỏ bà đơn độc, Ananda thề trước thần lửa Agni rằng sẽ dựng bằng được ngôi đền cho làng. Kết cuộc: Navin thì lang thang cùng trời cuối đất với chiếc ba lô đựng hài cốt mẹ trên lưng, Ananda thì nằm chết co quắp tại nơi anh đã đứng một chân từ đằng đẵng bao nhiêu năm trời! Tôi cho rằng, với kênh giọng chủ đạo là tỉnh táo và sắc lạnh, Hồ Anh Thái đã phơi mở một bi kịch nhân sinh trong tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước - phản ảnh rất rõ qua hai truyện ngắn nói trên: người ta có thể sống không hề hời hợt, sống một cách quyết liệt với xác tín cá nhân, người ta có thể đặt cọc bằng cả đời mình vì xác tín ấy, nhưng cũng nhiều khả năng tất cả chỉ là sự hy sinh vô nghĩa cho các ảo tưởng mà thôi.
Giai đoạn hậu Ấn Độ trong lộ trình sáng tác của Hồ Anh Thái được tính từ năm 1995 cho đến nay, đánh dấu bằng một loạt tác phẩm: các tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, và tiểu thuyết Mười lẻ một đêm (tôi không xếp vào đây hai tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế và Đức Phật, nàng Savitri và tôi, có phương pháp và văn phong khác). Không như các giai đoạn trước - đôn hậu trong sáng hoặc tỉnh táo sắc lạnh - giọng điệu văn xuôi Hồ Anh Thái lúc này nghiêng về giễu cợt, trào lộng, mỉa mai sâu cay và không hề nương nhẹ trước đối tượng. Trong truyện, anh luôn tạo được những tình huống "chẳng giống ai", những tình huống truyện mang chức năng của những nút nhấn để từ đó các panorama hiện ra với tất cả đường nét và dáng vẻ xiêu xó tức cười. Nhà văn phát hiện rất nhanh nhạy cái lố bịch trong đời sống, khai thác đến cùng phương diện gây cười của nó để đưa vào tuyến vận động của cốt truyện một cách thật nhuần nhuyễn. Tương hợp tối đa với sự phát hiện này là một kiểu văn phong bất chấp chuẩn mực ngữ pháp tiếng Việt, câu cú xô lệch thụt thò, khi dài lê thê, khi cụt lủn cộc lốc. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm cọ xát của nhà văn với ngôn ngữ đời sống thực tế đã được huy động: những khẩu ngữ, lối nói nhại, nói lái, tiếng lóng... có mặt trong truyện của anh với tất cả nồng nã bụi bặm phố phường của nó. Hoàn toàn không có sự nổi loạn của nhân vật. Nhân vật ở đây chỉ là những con rối trong bàn tay điều khiển của nhà văn. Chúng xuất hiện và hành động chỉ để thể hiện cho cái cảm quan của anh về một trần thế ngả nghiêng đầy rẫy sự tức cười. Mà quả thật, ở một xã hội mà sự hôn phối giữa căn tính bao cấp kéo dài với thói xốc nổi học đòi thời mở cửa vẫn chưa qua hết, thì đâu có thiếu chuyện nực cười. Vấn đề là nhà văn có nhìn thấy, có biết cười, có dám cười và khiến người khác bật cười hay không. Hồ Anh Thái, tôi nghĩ, đã làm được điều ấy.
Điểm qua ba giai đoạn sáng tác nói trên của Hồ Anh Thái, dễ thấy rằng anh là người "ngọ nguậy không yên", không tự bằng lòng với sự ổn định của cái mà người ta vẫn quen gọi là "phong cách". Một nhà văn đa phong cách? Một gã Don Juan của sự sáng tạo? Giản dị hơn, tôi nghĩ anh là nhà văn của tinh thần tự đổi mới liên tục, không lặp lại người khác và cũng không lặp lại chính mình. Có lẽ chính điều này đã giúp tôi cắt nghĩa được sự nhiệt tình rất mực của anh đối với những cây bút trẻ, đặc biệt là những cây bút trẻ có yếu tố mới và lạ trong cái viết. Tôi dám chắc rằng trong số các nhà văn Việt Nam đã thành danh hiện nay, Hồ Anh Thái là người nhận được bản thảo tác phẩm (thơ, văn xuôi) của các bạn trẻ nhiều nhất. Không ít người chưa một lần gặp anh, song họ tin tưởng anh, họ meo bản thảo tác phẩm cho anh nhờ đọc và góp ý. Anh đọc tất. Nếu đó là những bản thảo tốt - theo gout của anh, đương nhiên - anh còn giúp đến nơi đến chốn để nó được in ra, tự nguyện viết lời giới thiệu, lấy "thương hiệu văn chương" của mình ra để đồng hành với những tên tuổi mới toanh ấy. Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Phương Trinh, Trương Anh Quốc, Hồng Hạnh..., đặc biệt là "tác giả trẻ" Mạc Can, có thể dẫn ra ở đây như những ví dụ. Tôi cho rằng đây là một sự hy sinh. Hy sinh khối lượng thời gian mà lẽ ra anh dành cho công việc sáng tác của mình. Hy sinh cả sự yên ổn tinh thần vì phải đối mặt với bao lời ra tiếng vào của dư luận khi anh nhiệt tình giới thiệu các cây bút mới với văn giới. Có thể trong một vài trường hợp anh đã tỏ ra hơi quá nồng nhiệt, song cái gốc của vấn đề ở đây là niềm vui vô tư khi được đọc, được chia sẻ với mọi người về sự xuất hiện của một nhân tố mới. Điều này thì không phải ai cũng đồng cảm. Nhưng chẳng bao giờ thấy anh nói lại trước những lời chỉ trích. "Không hơn gì nhau câu nói" - tôi nhớ Hồ Anh Thái đã có một bài tản văn với cái nhan đề như vậy trên báo Thể Thao và Văn Hóa. Có thể, đó là triết lý sống mà anh đã học được từ quá trình nghiền ngẫm Phật học chăng?
Hà Nội 18 tháng 12 năm 2007
(Nguồn: Văn Nghệ, Tết Mậu Tý 2008)