Thanh Huyền
- Điều gì khiến ông gợi lại "huyền thoại Oedipus" [ 1] trong cuốn tiểu thuyết "Kafka bên bờ biển". Ý tưởng này hình thành ngay từ đầu hay là trong quá trình viết cuốn sách?
- "Huyền thoại Oedipus" là một trong vài motif mà tôi rất hứng thú nhưng không phải là chủ đề trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Ban đầu, tôi định viết về một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi để chạy trốn người cha độc ác và bắt đầu cuộc hành trình tìm mẹ. Ý tưởng đó ngẫu nhiên có sự liên hệ với huyền thoại Oedipus. Tôi nhớ là khi mới bắt đầu viết tôi không hề nghĩ đến Oedipus. Nhưng điển tích và các giai thoại văn học là nguyên mẫu cho mọi nhà văn, chúng là kho chất liệu để sáng tạo.
- Ngoại trừ "Rừng Nauy", các tiểu thuyết khác của ông, đặc biệt là "Kafka bên bờ biển", đều chứa yếu tố siêu thực. Điều gì khiến ông thường xuyên sáng tác với phong cách này?
- Rừng Nauy, đúng như bạn nói, là cuốn sách duy nhất được viết theo phong cách hiện thực. Tất nhiên, tôi làm như thế là có chủ ý. Tôi muốn tự chứng minh rằng tôi có thể viết được cuốn sách 100% hiện thực. Và đó là một thử nghiệm hữu ích cho những sáng tác tiếp theo của tôi. Nó khiến tôi tự tin rằng mình có thể viết được theo cách đó. Nếu không, sẽ rất khó khăn cho tôi khi viết những tác phẩm tiếp theo. Với tôi, viết một cuốn tiểu thuyết cũng như là đang mơ. Viết cho phép tôi mơ một cách có chủ định ngay trong lúc đang thức. Hôm nay, tôi có thể mơ tiếp giấc mơ đang dang dở hôm qua.
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: AFP. |
- Ông có một lượng đông đảo độc giả hâm mộ là người Mỹ. Ông nghĩ, yếu tố nào từ tiểu thuyết của ông tạo nên sức hấp dẫn cho độc giả Mỹ?
- Tôi nghĩ, những người cùng giấc mơ với tôi thì sẽ thích đọc tiểu thuyết của tôi. Đó là điều tuyệt vời.
- Điều gì thuộc về văn hóa Nhật mà độc giả có thể thu nhận được từ cuốn tiểu thuyết của ông? Điều gì ông muốn người đọc phải biết rõ trước khi đến với tác phẩm của ông?
- Khi viết, tôi huy động tất cả những gì mình có, bất kể là từ văn hóa Nhật hay từ văn hóa phương Tây. Tôi không có sự phân biệt rõ ràng. Tôi không biết độc giả Mỹ tiếp nhận như thế nào. Nhưng đối với một cuốn tiểu thuyết, nếu câu chuyện của nó hấp dẫn, người đọc không nhất thiết phải hiểu cặn kẽ mọi chi tiết. Cũng như tôi, tôi không hiểu địa lý và bối cảnh xã hội của London thế kỷ 19, nhưng tôi vẫn rất thích đọc các sáng tác của Dickens.
- Mèo thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của ông và đóng vai trò khá quan trọng. Tại sao vậy?
- Chắc chắn là như thế rồi, bởi tôi rất yêu loài mèo. Tôi thân thiết với chúng từ khi còn rất nhỏ. Nhưng tôi không biết nó có ý nghĩa đến thế trong tác phẩm.
Bản tiếng Việt cuốn "Kafka bên bờ biển". |
- Nhà xuất bản ở Nhật đã xây dựng hẳn một website để giúp độc giả dễ nắm bắt cuốn tiểu thuyết này của ông. Ông có thể chia sẻ một vài gợi ý?
- Từ website này, trong vòng 3 tháng tôi nhận được hơn 8.000 câu hỏi của độc giả. Tôi chỉ trả lời được chừng 1.200 câu. Tôi quá bận, nhưng tôi rất vui. Có một điều tôi nhận ra là, chìa khóa để hiểu cuốn sách nằm ở chỗ, bạn phải đọc đi đọc lại nó rất nhiều lần. Điều này có vẻ là cả một thử thách. Nhưng đúng là như vậy. Tôi biết mọi người cũng bận. Và còn phụ thuộc vào việc họ có thích đọc lại cuốn sách không nữa, nhưng nếu có thời gian, tôi nghĩ, bạn nên đọc cuốn sách từ hai lần trở lên. Mọi thứ sẽ trở nên dễ hiểu hơn bắt đầu từ lần đọc thứ hai.
- Là một tác giả đồng thời cũng là dịch giả, theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để có một bản dịch tốt?
- Tôi đã dịch rất nhiều tác phẩm văn học Mỹ ra tiếng Nhật. Và tôi nghĩ, một dịch giả giỏi, trên hết phải có sự thụ cảm ngôn ngữ tốt và có sự am hiểu sâu sắc về tác phẩm mình đang dịch. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, bản dịch sẽ thiếu hấp dẫn.
(Nguồn: Books)