Sách tái hiện chân dung những hình mẫu nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nghệ thuật. Tác phẩm giúp người đọc hình dung về tiểu sử, lý lịch của từng nhân vật. Thông qua đó, sách cung cấp kiến thức lịch sử, triết học liên quan tới những nhân vật ấy.
Nhiều nhân vật quen tên với thiếu nhi, trong đó Heracles hiện lên như một biểu tượng của sức mạnh, người hùng được kính nể nhất thời cổ đại. Sindbad là hiện thân của các chuyến phiêu lưu do thủy thủ toàn thế giới kể lại. Nhân vật Tintin được yêu thích với sự nhanh nhẹn, mưu trí. James Bond xuất hiện từ năm 1953, là chàng điệp viên cự phách, trải qua bao thâm trầm của thế kỷ 20. Cậu bé phù thủy Harry Potter được khắc họa là một thiếu niên dũng cảm, bước vào cuộc đấu tranh, đối đầu thiện ác...
Hầu hết chân dung trong sách đều là những nhân vật hư cấu. Duy chỉ có D' Artagnan (1610 - 1673) là có thật. Chàng lính ngự lâm trở thành huyền thoại khi trở thành cảm hứng trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas.
Hướng tới đối tượng độc giả nhỏ tuổi, sách có nhiều hình ảnh minh họa. Lấy thời hiện tại làm điểm nhìn, tác phẩm viết về các nhân vật bằng văn phong mới mẻ. Bởi thế, chàng Ulysses - người hùng nổi tiếng thời cổ đại - với chuyến phiêu lưu 20 năm được kể: "Ulysses chẳng sùng kính gì thần Zeus và vì bị truy đuổi do cơn giận dữ của chính Zeus cùng một vài thần khác, chàng sẽ phải đi dọc ngang khắp Địa Trung Hải...".
Là cuốn bách khoa từ điển, Bách khoa thư những nhân vật kinh điển sắp xếp nhân vật theo vần giúp người đọc dễ tra cứu, theo dõi. Sách đưa ra mốc niên đại để xác định vị trí trong lịch sử văn học, điện ảnh của những nhân vật trong tác phẩm.
Bách khoa thư những nhân vật kinh điển được biên soạn bởi nhóm tác giả: Francis Mizio (nhà báo), Anne Blanchard (tác giả viết cho thiếu nhi), Serge Bloch (họa sĩ châm biếm). Sách được chủ biên bởi Jean- Bernard Pouy - một tác giả trinh thám nổi tiếng tại Pháp. Nhân dịp phát hành cuốn sách tại Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng cho tái bản hai cuốn cùng bộ, gồm: Bách khoa thư học sinh lười và Bách khoa thư những người cứng đầu.
Lam Thu