"Để trở thành một idol Kpop thành công, bạn phải có sự can đảm, đam mê, kỷ luật và may mắn", Patti Sunio viết trên SCMP, trong bài báo nói về hành trình trở thành một idol.
Đầu tiên, các tài năng nhí cần được ký hợp đồng làm thực tập sinh của một công ty. Theo Koreaboo, nhiều trẻ em ở Hàn Quốc ứng tuyển từ năm 10 tuổi, tham gia trung bình 30 buổi casting trước khi được ký hợp đồng thực tập. Theo xu hướng toàn cầu hóa của ngành công nghiệp Kpop, các nhà đầu tư mở rộng quy trình casting trên phạm vi toàn cầu, tạo cơ hội cho trẻ em nhiều quốc gia khác.
Lisa của Blackpink là một ví dụ. Cô là người duy nhất vượt qua buổi tuyển chọn của tập đoàn giải trí YG tại Thái Lan, là thực tập sinh nước ngoài đầu tiên được ra mắt ở YG. Ngoài áp lực tập luyện, các thiếu niên ngoại quốc phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa để hòa nhập. Các công ty quản lý sẽ chi trả mọi chi phí gồm nhà ở, đào tạo, ăn uống và nhiều khoản khác. Số tiền trung bình cho một thực tập sinh Kpop rơi vào khoảng 50.000 USD một năm.
Việc làm thực tập sinh chỉ mới là bước đầu mở ra chặng đường khó khăn để trở thành một thần tượng. Trong thời gian thực tập kéo dài trung bình bảy năm, công ty quản lý sẽ đánh giá tài năng, khả năng hòa nhập vào nhóm và chịu áp lực. Ngoài thanh nhạc, vũ đạo, họ phải học ngoại ngữ, cách quản lý hình ảnh, trả lời các phương tiện truyền thông, giao tiếp với đồng nghiệp, duy trì cân nặng lý tưởng. Ngoài ra, nhiều công ty yêu cầu thực tập sinh cam kết không sử dụng chất cấm, uống rượu khi lái xe và dính vào các bê bối tình ái. Nhà báo người Mỹ gốc Hàn Euny Hong viết trên The Paris Review: "Đào tạo ngôi sao Kpop là giáo dục toàn diện con người".
Nhiều thiếu niên dành cả thanh xuân để làm thực tập sinh, tìm kiếm cơ hội ra mắt. G-Dragon của Bigbang đã trải qua 11 năm đào tạo - 5 năm với SM Entertainment và 6 năm tại YG. Nhiều thần tượng Kpop cũng trải qua thời gian thực tập dài như Jihyo (TWICE, 10 năm), Heo Chan Mi (10 năm), Jennie (Blackpink, 6 năm), Suho (EXO, 6 năm).
Khi còn là thực tập sinh, họ có thể sử dụng mạng xã hội, làm một số việc khác như đóng quảng cáo, các video ca nhạc, người mẫu, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy tắc của công ty. Dựa trên những đánh giá định kỳ, đơn vị quản lý sẽ quyết định khi nào họ sẵn sàng ra mắt. Khi làm giám khảo chương trình Idol Producer, Lay (EXO) nói về quá trình cạnh tranh trước khi ra mắt cùng nhóm: "Trong 120 người, họ chọn lấy 100 rồi tiếp tục loại 60 để còn 24. Rồi từ 24 người, họ chọn 12 người cuối. Mỗi tuần đều có một thực tập sinh rời đi".
Khi quay 24/365 with Black Pink, Jennie cho biết cô và các bạn thường đi ngủ lúc 2h mỗi ngày, sau khi mệt nhoài với các bài tập hát, nhảy và ngoại ngữ. Trong phóng sự của CNA, Yanagi Mizuha (người Nhật) cho biết cô không ăn sáng, chỉ ăn salad buổi trưa, nhịn bữa tối, luyện tập ngày đêm nhưng cuối cùng vẫn không hoàn thành ước mơ.
Theo allkpop, In Jin Woong - một trong những giáo viên đào tạo thần tượng nổi tiếng - cho biết mỗi năm, chỉ có 10% số thực tập sinh được ra mắt. "Họ gia nhập làng giải trí khi mới 8, 9 hoặc 10 tuổi, được đào tạo trong khoảng 7 năm và debut ở độ tuổi 15 hoặc 16, ở giai đoạn chưa hình thành các giá trị sống. Tất cả những gì họ nhìn thấy là những cô gái chàng trai lớn hơn ăn kiêng, ca hát, nhảy múa. Đối với họ, điều đó là bình thường", giáo viên nói.
Anh cũng nhận xét nhiều thực tập sinh tài năng nhưng không được chọn. Dù có ngoại hình đẹp, kỹ năng tốt, họ vẫn bị loại nếu không phù hợp với dự án mới. "Giả sử, bạn là vũ công giỏi, hát hay. Bạn có hình tượng cá tính giống Jennie hoặc N0:ZE nhưng công ty lại đang muốn thành lập một nhóm nhạc dễ thương như A Pink, bạn sẽ không được chọn dù tài năng đến đâu. Hơn nữa, không phải công ty nào cũng có dự án mới hàng năm. Bạn có khi phải đợi đến 4-5 năm tiếp theo và trở nên quá già", In Jin Woong nói.
Với những người không được debut, In Jin Wong cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường, bởi thiếu kiến thức, kỹ năng xã hội cơ bản. Đa số họ không học đại học, bận rộn với lịch trình đào tạo từ sáng đến tối. Một số khác sau đó làm các công việc như vũ công, giáo viên dạy nhảy.
Mỗi thành viên trong các nhóm nhạc Kpop đều được định hướng vai trò cụ thể từ thời còn thực tập. Họ được sắp xếp vị trí hát chính, nhảy chính, rapper, tùy theo khả năng. Jennie (Blackpink) cho biết cô thích ca hát nhưng được yêu cầu trở thành rapper.
Ngoài việc ra album, tổ chức concert, gặp gỡ người hâm mộ, các công ty quản lý tạo sức hút cho thần tượng qua các show truyền hình, buổi phỏng vấn. Họ được xây dựng cá tính, màu sắc riêng, mang lại sức hấp dẫn cho cả nhóm. Chẳng hạn, Mino của Winner được nhiều fan biết đến với gu thời trang độc đáo, thích tấu hài trong khi Park Bom của 2NE1 là idol thích nổi loạn.
Theo Seoulspace, SM là nơi đầu tiên tạo ra các nhóm nhạc với nhiều thành viên như Super Junior, SNSD. Việc tạo ra một nhóm đông người giúp đơn vị quản lý kiểm soát nghệ sĩ dễ dàng. Mỗi người được xây dựng với phong cách khác nhau, mang đến nhiều lựa chọn cho fan. Nếu có một thành viên nổi bật và thu hút hơn, công ty sẽ lăng-xê những người còn lại để tạo thế cân bằng. Ngoài ra, việc một idol rời nhóm đông người sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Dù luôn xuất hiện với hình ảnh hoàn hảo, sang chảnh, các thần tượng Kpop không kiếm được quá nhiều tiền như khán giả nghĩ. Trang Seoulspace phân tích nhiều công ty giải trí lấy đến 90% doanh thu, nghệ sĩ hưởng 10% còn lại. Giả sử, nếu kiếm được 1 triệu USD, họ chỉ nhận được 100.000 USD. Với nhóm nhạc có đến 20 thành viên như NCT, con số này thậm chí còn bị chia ra cho mỗi người, chưa kể tiền thuế.
Hà Thu (theo SCMP, allkpop, Koreaboo)