Chiều 2/2, đại diện Google ở Việt Nam trả lời VnExpress: "Chúng tôi đã thực hiện một Doodle đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của bà Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, Doodle này đã thể hiện hình ảnh không chính xác với chân dung của bà. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự cố này và đã tạo nên những xao lãng không đáng có trong việc tôn vinh các thành tựu đáng kính của bà Sương Nguyệt Anh".
Sáng 1/2, trên trang Google search tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh mặc áo dài, tóc búi cao, xung quanh là các trang viết, bình hoa mai. Tác phẩm do họa sĩ Camelia Phạm thực hiện.
Ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng tác giả nhầm lẫn hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh. Người trong tranh được cho là nhà giáo Đặng Kim Chi - hiệu trưởng đầu tiên của Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh.
Trên trang cá nhân, họa sĩ Camelia Phạm mong công chúng bỏ qua cho sai sót này. Cô cho biết dựa trên những thông tin về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh do Google cung cấp kết hợp tìm kiếm trên mạng, các tác phẩm thơ của bà để vẽ tranh. "Dù kết quả ra không giống với dung mạo thật của bà, tôi cũng mong là có thể gửi gắm được toàn bộ tâm huyết của mình để khắc hoạ ra được tinh thần của bà một cách trân trọng nhất", họa sĩ nói.
Trước đó, thông tin, hình ảnh về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh từng nhiều lần bị nhầm lẫn. Cuốn Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975, Nguyễn Đình Thống chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành năm 2018, cũng đăng hình được cho là bà Đặng Kim Chi ở phần thông tin về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ngoài ra, nhiều nơi cũng nhầm tên của nữ sĩ là Sương Nguyệt Ánh.
Nhà giáo Đặng Kim Chi qua đời năm 2010, tại Paris, Pháp. Trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh thành lập năm 1971, là trường nữ đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi phương pháp dạy học tổng hợp như các quốc gia khác. Ngoài học văn hóa, học sinh còn được học về nữ công gia chánh, kế toán, âm nhạc, hội họa...
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu về báo chí thế kỷ 20, ông không thấy hình ảnh về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. "Tôi không thấy có tờ báo thời xưa nào có đăng ảnh của bà. Thời đó các phương tiện chụp ảnh cũng rất hiếm hoi. Còn về trường hợp hình ảnh bà được lưu giữ ở đâu đó nhưng không công khai, thì tôi chưa rõ".
Theo Google Doodle, bà Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống của bà trải qua nhiều vất vả. Cha qua đời khi bà 24 tuổi, bà cùng anh trai tiếp quản trường học để dạy cho người địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho kết hôn và sinh được một con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.
Ngày 2/1/1918, tờ báo Nữ giới chung lần đầu xuất bản, bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Bà viết nhiều tác phẩm về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là "Nguyệt Anh góa bụa". Bà qua đời ngày 20/1/1921, ở tuổi 57.
"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở TP HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu", trang này viết.
Google Doodles là những biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng, nhân loại.
Hình thức vinh danh này xuất hiện lần đầu vào năm 1998. Khi người dùng nhấn chuột vào bức ảnh trên trang chủ, Google sẽ đưa họ tới trang tìm kiếm thông tin về nhân vật. Trước đó, nữ sĩ Xuân Quỳnh, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái... là những tên tuổi Việt Nam được vinh danh.
Hiểu Nhân - Xuân Tân