- Là nữ nhạc sĩ trẻ nhất Hội Nhạc sĩ VN, chị đến với nghệ thuật như thế nào?
- Tôi sinh ra trong một gia đình cả nhà làm nghệ thuật. Bố là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu chèo Hoàng Kiều. Mẹ là giảng viên bộ môn múa chèo Bích Ngọc, các anh chị đều làm nghệ thuật. Từ bé tôi đã được làm quen với các làn điệu chèo cổ, các trích đoạn chèo kinh điển nên cũng đã tập tành múa hát suốt ngày. Lên 8 tuổi thì thi vào sơ cấp piano trường Nghệ thuật Hà Nội và cứ thế theo âm nhạc đến bây giờ.
![]() |
Nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Một số ca khúc của chị như "Giấc mơ trưa" đã có đất sống trong lòng công chúng. Chị sáng tác ca khúc này trong hoàn cảnh nào?
- Giấc mơ trưa tôi viết vào tối mùng 4 Tết năm 2004. Viết rất nhanh, chỉ hai tiếng là xong. Nhưng phải sau đó đến nửa năm, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến và cộng tác với anh về phần lời, lúc đó ca khúc mới hoàn thành.
- Ngày Tết dễ tạo xúc cảm để viết nhạc, làm thơ. Chị có dự định sáng tác gì dịp xuân Mậu Tý này?
- Năm mới, tôi hy vọng sáng tác nhiều ca khúc mới, được giới chuyên môn đánh giá cao và có đời sống lâu dài trong lòng công chúng. Có những bài hát tôi viết vài năm mới xong nhưng cũng có những ca khúc chỉ viết trong vài giờ. Nói chung công việc sáng tác không nói trước được, vì mình làm theo cảm hứng. Dĩ nhiên mùa xuân dễ gây cho người nhạc sĩ những xúc cảm để sáng tác, nhưng đôi khi còn phụ thuộc vào tâm trạng của nghệ sĩ.
- Chưa phải tất bật vì việc chăm chồng con như những phụ nữ khác, ngoài công việc, chị thích làm gì trong mấy ngày Tết?
- Hiện tôi chưa có gia đình riêng nên cũng không bận bịu lắm. Tôi vẫn đang ở với bố mẹ và vợ chồng ông anh cả. Ngoài những lúc đi dạy và đi học, tôi ở nhà làm những công việc trong gia đình như mọi người thôi. Tôi rất thích đi thăm họ hàng, bạn bè để được gặp gỡ, ăn uống trong những ngày Tết. Năm nay có thể tôi sẽ đi du lịch ở đâu đó.
Nếu ở nhà những ngày này, tôi thường làm các việc lặt vặt như bóc bánh chưng, làm dưa góp… thôi, chứ những món chính mẹ tôi đều giành làm hết.
Huyền Lê thực hiện