B.T. -
Xoay quanh vài phận người nhỏ bé ở vùng biên giới phía bắc Ấn Độ đầu thập kỷ 80, câu chuyện của Desai vẽ nên một bức tranh toàn cảnh với những sắc màu đa dạng mang tính quốc tế và thời đại: toàn cầu hóa, đa văn hóa, bất bình đẳng về kinh tế, xung đột sắc tộc, tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố. Ấn Độ hậu thuộc địa hiện lên dưới ngòi bút Desai như một cơ thể nhức nhối với những vết thương lịch sử mà toàn cầu hóa dường như không những không hàn gắn nổi, mà trái lại còn khoét sâu thêm và gây ra nhiều thương tích mới.
![]() |
"Di sản của mất mát" bản tiếng Việt. |
Độc giả sẽ dễ dàng bắt gặp những câu chuyện, những tính cách, những mẩu đối thoại rất quen thuộc, bởi những gì xảy ra trên vùng cao nguyên Bắc Ấn mờ sương ấy cũng đang xảy ra quanh mỗi chúng ta. Điều đó ít nhiều đến từ sự tương đồng giữa hai quốc gia châu Á, hai nền văn minh nông nghiệp, hai nền kinh tế đang phát triển, hai xã hội hậu thuộc địa. Nhưng trên hết, đó chính là bản chất của toàn cầu hóa: trải nghiệm của Ấn Độ cũng là trải nghiệm của Việt Nam, từ giấc mơ về miền đất hứa, cuộc hỗn chiến ở phòng xin thị thực, đến sự mai một của văn hóa bản địa và làn sóng du nhập ồn ào của những giá trị phương Tây.
Bằng một trường từ vựng tưởng chừng vô tận, cái nhìn sắc sảo và ngòi bút linh hoạt như một mũi kim thêu, tác giả dệt nên một câu chuyện chi tiết, đẹp đẽ, chân thực và đầy day dứt về cuộc lữ hành của những thân phận con người giữa hai thế giới. Và người dịch, đã dụng đến cái tài hoa, tài năng và sự trau chuốt đến từng con chữ của mình để chuyển tải thành công vẻ đẹp nguyên tác qua bản dịch tiếng Việt.